'Chủ lực quân' trong chiến dịch Điện Biên Phủ

PTĐT - Ngày 7/5/1954 đã đi vào lịch sử của dân tộc Việt Nam và thế giới với chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, tạo ra bước ngoặt lịch sử làm thay đổi hẳn cục diện chiến tranh,...

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Du (94 tuổi) ở khu 12 xã Sơn Vy, huyện Lâm Thao là người đã có nhiều đóng góp vào chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ hào hùng.

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Du (94 tuổi) ở khu 12 xã Sơn Vy, huyện Lâm Thao là người đã có nhiều đóng góp vào chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ hào hùng.

PTĐT - Ngày 7/5/1954 đã đi vào lịch sử của dân tộc Việt Nam và thế giới với chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, tạo ra bước ngoặt lịch sử làm thay đổi hẳn cục diện chiến tranh, kết thúc 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954); buộc thực dân Pháp phải ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương. Đây cũng là sự kiện quan trọng ghi dấu sự trưởng thành, lớn mạnh của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Trong chiến thắng vang dội đó, có công đóng góp rất lớn của lực lượng dân công hỏa tuyến (DCHT)- nhân tố góp phần làm nên “trang sử vàng” trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Tuy không trực tiếp cầm súng nhưng họ đã hoàn thành nhiệm vụ bảo đảm lương thực, thực phẩm, súng đạn, thuốc men... để các chiến sĩ đánh giặc. Năm 1954, tỉnh Phú Thọ vẫn bị địch chiếm đóng ở bốt Trung Hà, Hưng Hóa, một số vùng ven sông Lô và Việt Trì nằm trong vòng kiểm soát của địch. Liên khu ủy Việt Bắc chỉ thị cho Đảng bộ và nhân dân Phú Thọ vừa chiến đấu, vừa đảm bảo nhiệm vụ cung cấp đủ lương thực, thực phẩm, nhân công và phương tiện vận tải theo kế hoạch của Hội đồng cung cấp liên khu đã giao. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Thọ đã huy động số lượng lớn trang thiết bị, lương thực thực phẩm, đảm bảo đầy đủ lực lượng dân công hỏa tuyến tăng cường cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Toàn tỉnh đã huy động 19.333 DCHT, đưa vào 1.087 xe đạp thồ làm công tác vận chuyển, 3.137 thuyền mảng phục vụ trên các tuyến sông, 80 xe trâu, xe ngựa. Thực hiện khẩu hiệu “Tất cả cho chiến thắng”, tỉnh đã đóng góp: 4.318 tấn gạo, 334 tấn thịt, 4.149 con trâu bò ngựa, 141 tấn đỗ lạc vừng cùng nhiều chăn màn, quần áo ấm cho chiến sĩ ngoài mặt trận. Trong đó, riêng xã Tứ Xã đã thành lập đại đội DCHT chi viện cho chiến trường Tây Bắc gần 120 người cả nam và nữ, tuổi đời từ 18 đến 40 chia làm 4 trung đội, các trung đội chia thành các tiểu đội theo khu xóm với nhau. DCHT tự túc quân tư trang, mỗi người mang theo quần áo, chăn chiên chống lạnh và nồi nấu cơm phục vụ trên đường hành quân.Cựu chiến binh Nguyễn Trọng Căn (sinh năm 1932) ở xã Phùng Nguyên (huyện Lâm Thao), tham gia DCHT phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ nhớ lại: Trong quá trình vận chuyển hàng chiến đấu từ hậu phương lên Điện Biên, thực hiện nhiệm vụ vận chuyển hàng lên trận tuyến, nhiều dân công đã sáng kiến ra vô số cách thức tổ chức hoạt động. Lực lượng vận tải thô sơ đã tự cải tiến xe đạp thồ, đưa mức vận chuyển ban đầu từ 100kg/chuyến xe lên 200, 300kg/chuyến xe. Đặc biệt, đồng chí Ma Văn Thắng - dân công quê ở Thanh Ba đã cải tiến xe đạp thồ của mình, lập kỳ tích mới chở được 352kg/chuyến xe. Nhờ sáng kiến đó, mà những chiếc xe đều có thể tăng năng suất thồ hàng. Riêng đồng chí Ma Văn Thắng đã vận chuyển được 3.700kg hàng hóa trên tổng chiều dài 2.100km đường rừng núi và chiếc xe ông sử dụng để phục vụ chiến dịch đã trở thành chiếc xe đạp thồ đạt năng suất cao nhất chiến dịch.Còn những kỷ niệm không bao giờ quên đối với cựu chiến binh Nguyễn Văn Du sinh năm 1927, ở xã Sơn Vi (Lâm Thao) là những đụi thóc rất lớn, những củ mài củ sắn do bà con dân tộc Thái ủng hộ cách mạng. Trong suốt chiến dịch, không quản hiểm nguy do địch đánh phá, lực lượng DCHT đã sáng tạo nhiều phương thức vận chuyển độc đáo, xẻ núi, bạt đồi, đào hầm, tận dụng triệt để các phương tiện vận chuyển như bè mảng, xe đạp thồ, trâu bò… để kịp thời đưa đạn dược, thực phẩm, nhu yếu phẩm đến với tiền tuyến.Có thể khẳng định, trong chiến thắng Điện Biên Phủ, lực lượng dân công có công đóng góp rất to lớn. Những cựu binh người Pháp từng tham gia đánh chiếm Điện Biên Phủ đều phải thừa nhận một thực tế: “Mặc dù nhiều tấn bom được dội xuống các tuyến giao thông, nhưng đường tiếp tế cho quân đội nhân dân không bao giờ bị cắt đứt. Và không phải viện trợ của Trung Quốc đã đánh bại tướng Nava mà đó là những chiếc xe đạp Pơgiô thồ 200-300kg hàng do những dân công ăn không đủ no, ngủ trên những tấm nilông trải trên mặt đất. Tướng Nava bị đánh bại không phải bởi các phương tiện mà bởi trí thông minh và lòng quyết tâm chiến thắng của đối phương”.66 năm đã trôi qua, ôn lại chiến thắng oanh liệt của chiến dịch Điện Biên Phủ, chúng ta vô cùng tự hào về lòng dũng cảm, mưu trí, sáng tạo của lực lượng DCHT là “chủ lực quân” trong vận chuyển hàng chiến đấu từ hậu phương lên Điện Biên. Những cống hiến hết sức mình của lực lượng DCHT cả nước nói chung và Phú Thọ nói riêng trong chiến dịch Điện Biên Phủ vẫn in đậm trong tâm thức nhiều người, được thế giới ca ngợi, dân tộc Việt Nam tôn vinh, ghi nhận. Những chiến tích mà họ lập nên trong chiến dịch ấy trở thành kỳ tích vẻ vang, tô đẹp thêm trang sử hào hùng của dân tộc Việt Nam.

Ngọc Khánh

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/chinh-tri/202005/chu-luc-quan-trong-chien-dich-dien-bien-phu-170625