Chủ nghĩa cá nhân có thể núp bóng trong vỏ bọc hào nhoáng
Trong giai đoạn hiện nay, do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, chủ nghĩa cá nhân luôn tiềm ẩn và khi có cơ hội là nổi lên ở nhiều cán bộ, đảng viên. Nó được biểu hiện rõ hoặc núp bóng trong vỏ bọc hào nhoáng.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến vấn đề đạo đức cách mạng và chống chủ nghĩa cá nhân trong Đảng, bộ máy Nhà nước. Theo Người, chống chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng được xem như một nội dung liên quan trực tiếp tới vận mệnh của Đảng, chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy Nhà nước và quyết định đến thành công của sự nghiệp cách mạng ở nước ta. Do vậy, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân vừa là nhiệm vụ cơ bản, lâu dài, vừa là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cán bộ, công chức, của toàn Đảng, toàn dân ta.
Bản chất của chủ nghĩa cá nhân theo quan điểm của Hồ Chí Minh chính là sự tuyệt đối hóa lợi ích cá nhân, tách rời, coi thường và đối lập với lợi ích chung của cộng đồng, xã hội, thể hiện: Đối với lý tưởng cách mạng, chủ nghĩa cá nhân đặt lợi ích riêng của mình, của gia đình mình lên trên, lên trước lợi ích chung của tập thể, cộng đồng, xã hội
Sự nguy hại của chủ nghĩa cá nhân cũng được Chủ tịch Hồ Chí Minh cảnh báo rằng: "Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân". Người cho rằng, chừng nào còn chủ nghĩa cá nhân nó sẽ ngăn trở người cán bộ, đảng viên phấn đấu vì mục tiêu, lý tưởng của Đảng, của dân tộc, làm mất lòng tin của dân với Đảng. Nguyên nhân sâu xa, xét đến cùng dẫn tới sự suy thoái, biến chất, làm giảm sức chiến đấu trong Đảng đó chính là chủ nghĩa cá nhân: "Do cá nhân chủ nghĩa mà mất đoàn kết, thiếu tính tổ chức, tính kỷ luật, kém tinh thần trách nhiệm, không chấp hành đúng đường lối, chính sách của Đảng và của Nhà nước, làm hại đến lợi ích của cách mạng, của nhân dân" và cũng do cá nhân chủ nghĩa mà ngại gian khổ, khó khăn, sa vào tham ô, hủ hóa, lãng phí, xa hoa”.
Bởi vậy, Người nêu lên nhiệm vụ của mỗi cán bộ, đảng viên phải kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân, cho dù cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân là cuộc đấu tranh gay go, quyết liệt, lâu dài và gian khổ. Cuộc đấu tranh đó không kém cuộc đấu tranh chống lại kẻ thù ngoại xâm, có khi còn khó khăn hơn, bởi lẽ, chủ nghĩa cá nhân là kẻ thù không lộ nguyên hình, nó ẩn nấp tinh vi trong tư tưởng, suy nghĩ của mỗi cá nhân và hành vi của mỗi cá nhân đó. Người cho rằng, mỗi cán bộ, đảng viên không phải cứ viết trên trán mình hai chữ "cộng sản" là được nhân dân yêu mến, mà phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện và thực hành đạo đức cách mạng, chống sa vào chủ nghĩa cá nhân, góp phần làm cho Đảng ta thật sự "là đạo đức, là văn minh".
Nhận diện biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân trong giai đoạn hiện nay
Trong cuộc trao đổi với PV VOV2, PGS.TS Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng trung ương, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản cho rằng, trong giai đoạn hiện nay, do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan khác nhau, chủ nghĩa cá nhân luôn tiềm ẩn và khi có cơ hội là nổi lên ở nhiều cán bộ, đảng viên và có thể được biểu hiện rõ hoặc “núp bóng” dưới các vỏ bọc tinh vi hơn trước. “Có khi là nhân danh công việc chung nhưng lại “luồn” lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm vào; tham lam dẫn tới tham nhũng rồi đặt cái tôi của mình lên trên cái chung của đất nước, của Đảng”, PGS-TS Vũ Văn Phúc chia sẻ.
Cũng theo ông Vũ Văn Phúc, trong mỗi con người đều có phần chủ nghĩa cá nhân, có xu hướng nghĩ đến mình trước, đặt lợi ích, sở thích, ham muốn của mình lên trước hết. Nhưng nếu ai biết khắc phục những khuyết điểm của “con người bản năng” thì sẽ lấn át đi phần chủ nghĩa cá nhân để không ảnh hưởng tới lợi ích của cộng đồng, của xã hội.
Nhìn vào thực tế, PGS.TS Vũ Văn Phúc thẳng chỉ rõ, những cán bộ đảng viên, quan chức cấp cao bị kỷ luật thời gian qua chính là do bị chủ nghĩa cá nhân chi phối dẫn đến tha hóa, biến chất, không vượt qua được cám dỗ của đồng tiền, vật chất và bị suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống.
“Chủ nghĩa cá nhân đã làm cho họ bị hư hỏng, bị trượt dài, xuống dốc không phanh”, khẳng định điều này, PGS-TS Vũ Văn Phúc cũng nhấn mạnh thêm, dù ở hoàn cảnh nào và được biểu biện ở dạng nào đi chăng nữa thì khi sa vào chủ nghĩa cá nhân đều mang lại những hệ lụy, tiềm ẩn nguy hại lớn cho quốc gia, dân tộc và đều có tội với Đảng với nhân dân. Người giữ chức vụ càng cao thì càng có hại cho Đảng, cho cách mạng, làm mất lòng tin của nhân dân đối với cán bộ, đồng thời khiến sức chiến đấu của tổ chức đảng bị suy yếu.
Sự cần thiết phải đấu tranh với chủ nghĩa cá nhân
Trước những yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trong bối cảnh hiện nay, PGS- TS Vũ Văn Phúc khẳng định, rất cần thiết, rất cấp bách phải chống chủ nghĩa cá nhân, nhằm mục tiêu xây dựng và rèn luyện đạo đức cách mạng; đồng thời, phát hiện và loại bỏ “căn bệnh” này khỏi đội ngũ cán bộ, đảng viên, xây dựng Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 4, khóa XIII Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: "Sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tham nhũng, tiêu cực, 'tự diễn biến', 'tự chuyển hóa' trong nội bộ có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó nguyên nhân chủ quan là chủ yếu, bắt nguồn từ chủ nghĩa cá nhân”. Theo PGS.TS Vũ Văn Phúc, thông điệp này của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ, chủ nghĩa cá nhân là nguyên nhân chủ yếu, là gốc rễ của sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, tham nhũng, tiêu cực, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Do đó cần thiết và kiên quyết phải đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân.
Đặc biệt giờ đây, khi chủ nghĩa cá nhân được "che đậy" tinh vi, kín đáo trong vỏ bọc bên ngoài rất hào nhoáng, bóng bẩy thì việc đấu tranh với chủ nghĩa cá nhân càng phải kiên quyết, mạnh mẽ hơn. Theo PGS.TS Vũ Văn Phúc, để đấu tranh có hiệu quả với các biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân trong cán bộ, đảng viên, trước hết bản thân mỗi người phải tự tu dưỡng, tự rèn luyện, đây là giải pháp không ai có thể làm thay được. Đồng thời tự mỗi người cũng phải tăng sức đề kháng, vượt qua những cám dỗ của đồng tiền vật chất
Bên cạnh đó, một giải pháp rất quan trọng, đó là Đảng phải có kỷ luật nghiêm minh, phải thực hiện cho bằng được nguyên tắc, mọi đảng viên đều bình đẳng trước kỷ luật Đảng, không để tình trạng nhẹ trên, nặng dưới.
“Công khai, không có vùng cấm và khách quan xử lý đối với cán bộ, đảng viên vi phạm tư cách, thoái hóa biến chất về đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; những phần tử cơ hội, bất mãn, gây mất đoàn kết trong Đảng; tình trạng vì lợi ích cá nhân, phe nhóm, nể nang mà “xử lý nội bộ”, che giấu cho việc tiêu cực”. PGS.TS Vũ Văn Phúc cũng khẳng định cần có cơ chế để nhân dân thực sự tham gia xây dựng Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ.
Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh vào đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân trong đội ngũ cán bộ, đảng viên ở nước ta hiện nay
Đảng ta luôn quán triệt, vận dụng sáng tạo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân trong xây dựng đạo đức của cán bộ, đảng viên bằng nhiều hình thức như ban hành các Nghị quyết, Kết luận, quy định về xây dựng đội ngũ cán bộ như quy định về những điều đảng viên không được làm, quy định nêu gương, học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
Đặc biệt, trong cả 3 nhiệm kỳ XI, XII, XIII, Ban chấp hành Trung ương Đảng đều dành Hội nghị trung ương 4 để bàn và ra Nghị quyết, Kết luận về xây dựng chỉnh đốn Đảng, trong đó đều nhấn mạnh: Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân theo tư tưởng Hồ Chí Minh.
“55 năm trôi qua, nhưng tác phẩm “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đăng trên Báo Nhân dân ngày 3/2/1969, vẫn còn nguyên giá trị và tính thời sự”, PGS.TS Vũ Văn Phúc khẳng định và cho rằng, những di huấn của Người trong tác phẩm này là kim chỉ nam cho Đảng ta trong công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng và đấu tranh quyết liệt, không khoan nhượng với chủ nghĩa cá nhân.
Hiện cả nước đang chuẩn bị tiến hành Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng. Một trong những nhiệm vụ quan trọng của Đại hội Đảng bộ các cấp là công tác nhân sự. Và để chọn được đúng người, đủ đức, đủ tài, công tâm, khách quan vào cấp ủy, nhất là Ban chấp hành Trung ương khóa XIV thì chắc chắn việc kiên quyết đấu tranh với chủ nghĩa cá nhân càng quan trọng và cần thiết hơn bao giờ hết.
“Đảng phải có cơ chế và bằng nhiều kênh sàng lọc để không bỏ sót người có đức, có tài nhưng cũng tuyệt đối không để lọt vào cấp ủy những người có biểu hiện chủ nghĩa cá nhân”, PGS.TS Vũ Văn Phúc nhấn mạnh.