'Chủ nghĩa tư bản hiện đại' - Một công trình nghiên cứu sâu sắc và toàn diện

Cuốn sách của PGS, TS Đặng Đình Quý trình bày thực trạng phát triển của chủ nghĩa tư bản từ năm 1945, đặc biệt là từ năm 2000 đến nay trên các lĩnh vực, đồng thời đưa ra kiến nghị, quan điểm nhằm đóng góp vào việc bổ sung lý luận về chủ nghĩa xã hội cũng như công cuộc phát triển nhanh và bền vững của Việt Nam trong môi trường hội nhập quốc tế.

Cuốn sách “Chủ nghĩa tư bản hiện đại: Vai trò, tác động đến tiến trình phát triển của thế giới và định hướng chính sách của Việt Nam”.

Cuốn sách “Chủ nghĩa tư bản hiện đại: Vai trò, tác động đến tiến trình phát triển của thế giới và định hướng chính sách của Việt Nam”.

Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật vừa xuất bản cuốn sách “Chủ nghĩa tư bản hiện đại: Vai trò, tác động đến tiến trình phát triển của thế giới và định hướng chính sách của Việt Nam”, do PGS, TS Đặng Đình Quý làm chủ biên.

Theo Nhà xuất bản, kể từ khi ra đời, chủ nghĩa tư bản đã trải qua nhiều giai đoạn phát triển, từ chủ nghĩa tư bản tự do cạnh tranh đến chủ nghĩa tư bản độc quyền, chủ nghĩa tư bản độc quyền nhà nước và ngày nay là chủ nghĩa tư bản hiện đại trong bối cảnh toàn cầu hóa.

Chủ nghĩa tư bản hiện đại so với các giai đoạn phát triển trước đây có trình độ phát triển rất cao của lực lượng sản xuất, ứng dụng khoa học-công nghệ cao trong các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế.

Các nước tư bản phát triển, như Mỹ, các nước Tây Âu, Nhật Bản là những nước đi đầu trong nghiên cứu phát triển và ứng dụng các tiến bộ khoa học-công nghệ của Cách mạng công nghiệp lần thứ ba và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; đi đầu trong các lĩnh vực điện tử, tin học, thông tin, viễn thông, phát triển internet, trí tuệ nhân tạo, công nghệ vật liệu mới, năng lượng mới, công nghệ sinh học,... làm thay đổi căn bản phương thức sản xuất, chất lượng, hiệu quả của những ngành kinh tế truyền thống và tạo nên nhiều ngành, lĩnh vực, nhiều sản phẩm mới, công nghệ cao, có giá trị gia tăng, sức cạnh tranh lớn.

Ngày nay, các nước tư bản phát triển cũng đang đi đầu trong việc phát triển nền kinh tế số, kinh tế tri thức, nền kinh tế thông minh... trở thành các trung tâm kinh tế, tài chính, khoa học-công nghệ của thế giới, có quy mô nền kinh tế và thu nhập bình quân đầu người thuộc hàng cao nhất thế giới.

Cuốn sách do PGS, TS Đặng Đình Quý làm chủ biên là một công trình nghiên cứu khoa học có tính hệ thống về chủ nghĩa tư bản hiện đại. Trên cơ sở làm rõ lý luận, vai trò của chủ nghĩa tư bản hiện đại, cuốn sách trình bày thực trạng phát triển của chủ nghĩa tư bản từ năm 1945, đặc biệt là từ năm 2000 đến nay trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, khoa học-công nghệ, giáo dục-đào tạo, môi trường sinh thái…

Các tác giả cũng đưa ra kiến nghị, quan điểm nhằm đóng góp vào việc bổ sung lý luận về chủ nghĩa xã hội cũng như công cuộc phát triển nhanh và bền vững của Việt Nam trong môi trường hội nhập quốc tế, nơi mà chủ nghĩa tư bản hiện đại vẫn đang giữ vai trò dẫn dắt nhiều xu thế và tiến trình, từ đó nhấn mạnh, chủ nghĩa tư bản ngày nay cần được nghiên cứu khách quan, tiếp cận tổng hợp, đa chiều, toàn diện; tránh tuyệt đối hóa, chủ quan, duy ý chí.

Khi đánh giá chủ nghĩa tư bản hiện đại, cần làm rõ cả hai khía cạnh tích cực và tiêu cực; một mặt, khắc phục sự lạc hậu trong nhận thức lý luận về chủ nghĩa tư bản; mặt khác, tiếp tục luận giải rõ hơn để củng cố niềm tin về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

Cuốn sách là tài liệu tham khảo hữu ích, phục vụ việc nghiên cứu chuyên sâu về chủ nghĩa tư bản hiện đại và các vấn đề liên quan, góp phần cung cấp cơ sở khoa học, luận cứ cho việc tiếp tục bổ sung, phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối đổi mới và hiện thực hóa mục tiêu chiến lược và khát vọng dân tộc theo tinh thần Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

VĂN TOẢN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/chu-nghia-tu-ban-hien-dai-mot-cong-trinh-nghien-cuu-sau-sac-va-toan-dien-post870362.html