Chu Nguyên Chương có đến 26 người con trai, vì sao khi Chu Đệ giết vua cướp ngôi, không thấy một ai xuất hiện can thiệp?
Việc làm tàn ác của Chu Đệ cho đến nay vẫn còn được sử sách ghi lại.
Chu Nguyên Chương là một Hoàng đế gây ra nhiều tranh luận trong lịch sử Trung Quốc.
Thứ nhất, xuất thân của ông đã là một điểm đáng để thảo luận;
Thứ hai, rất nhiều việc ông làm sau khi đăng cơ đều bị người đời sau đem ra mổ xẻ.
Ngoài ra, Chu Nguyên Chương còn là một người có khả năng duy trì nói giống rất mạnh mẽ. Ông có tổng cộng hơn hai mươi người con trai.
Ngai vàng của Hoàng đế thứ ba nhà Minh giống như Lý Thế Dân nhà Đường, đều là cướp từ tay của hoàng tử khác.
Sau khi đánh bại Minh Huệ Đế Chu Doãn Văn, Yên Vương Chu Đệ lên ngôi Hoàng đế (Chu Doãn Văn là cháu, gọi Chu Đệ là chú ruột).
Vậy khi Chu Đệ tạo phản, những người con trai khác của Chu Nguyên Chương không hề can ngăn hay chống đối lại việc này. Tại sao lại như vậy?
Có một số lý do được đưa ra để giải thích cho vấn đề này:
1. Một số người chết trẻ
Theo ghi chép của sách sử, Chu Nguyên Chương có tổng cộng 26 con trai, trong số đó con trai thứ hai và con trai thứ ba vô cùng đoản mệnh, những người con trai khác thì được phong làm phiên vương một cách suôn sẻ.
Ngoài ra, một số người con trai của Chu Nguyên Chương đã qua đời trước khi Chu Đệ phát động Tĩnh Nan chi dịch (chiến dịch Tĩnh Nan). Người con thứ tám và người con trai thứ chín là điển hình cho việc này, con trai thứ hai sáu và thứ mười cũng chết trước khi diễn ra Tĩnh Nan chi dịch.
2. Người còn sống thì quyền lực bị suy yếu
Ngoài những phiên vương đã qua đời, những người con trai khác của Chu Nguyên Chương thì sao?
Trước tiên sẽ nói đến nhóm người bị tước đất phong như con trai thứ năm, bảy, mười hai, mười ba và mười tám. Sau khi bị tước đất phong, trong tay, họ đã không còn quyền lực để chống lại cuộc tạo phản của Chu Đệ.
3, Đất phong quá xa xôi
Nhóm thứ hai là những người có đất phong quá xa, như đất phong của người con trai thứ mười bốn, mười lăm, mười sáu và mười bảy đều thuộc vùng Tây Bắc Trung Quốc ngày nay, quá xa với nơi Chu Đệ dấy binh tạo phản, hoàn toàn không thể kịp thời đến được hiện trường.
4. Một bộ phận bị cầm tù, lưu đày
Nhóm thứ ba là những người bị cầm tù và lưu đày, như người con trai thứ năm bị lưu đày đến Vân Nam, người con trai thứ bảy bị cầm tù ở Nam Kinh.
5. Lực lượng hậu thuẫn của Chu Đệ quá mạnh
Có một điểm quan trọng, người đứng phía sau ủng hộ Chu Đệ xưng đế là Ninh Vương. Ninh Vương nắm trong tay đạo quân có sức mạnh vô cùng lớn, chẳng mấy phe có thể đối đầu với đạo quân của ông.
Bởi thế, dù là nguyên nhân địa lý hay vì muốn bo bo giữ mình, các con trai của Chu Nguyên Chương đều không ra tay tương trợ Chu Doãn Văn.
Là chư hầu một phương, việc Yên Vương khởi binh phản đối chính quyền trung ương là một hành động đại nghịch bất đạo. Tuy nhiên, những công lao mà Chu Đệ đã làm sau khi lên ngôi cũng rất nhiều.
Sau khi Kiến Văn Hoàng đế bị soán ngôi, Yên Vương đã nhanh chóng khống chế thế cục, xưng đế và áp dụng những cuộc thanh trừng tàn ác đẫm máu nhằm vào những người ủng hộ Chu Doãn Văn, chống đối lại mình.
Do bị ảnh hưởng nhiều từ tính cách hung tàn cũng như các lý luận của cha đẻ Chu Nguyên Chương nên hành động của Chu Đệ vô cùng tàn bạo.
Theo trang Phượng Hoàng (Trung Quốc), sau khi Chu Đệ xưng đế, thành Nam Kinh chìm trong biển máu. Cảnh tượng khủng khiếp này kết hợp với các yếu tố địa chính trị chính là nguyên nhân khiến Minh Thành Tổ Chu Đệ quyết định dời kinh đô từ Nam Kinh đến Bắc Kinh.
Những di sản văn hóa thế giới của Trung Quốc như Cố Cung, Thiên Đàn, Đại Miếu và nhiều công trình kiến trúc có quy mô hoành tráng khác mà chúng ta thấy ngày nay ở Bắc Kinh chính là những công trình được dựng lên sau khi Chu Đệ dời đô đến đây.
Cũng kể từ thời kỳ này trở đi, Bắc Kinh liên tục được duy trì làm kinh đô và cũng là thủ đô của Trung Quốc ngày nay.