Chủ nhà Indonesia muốn soán ngôi Việt Nam và tính đường xa hơn Đông Nam Á
Bóng đá Đông Nam Á đang cạnh tranh khốc liệt với sự trỗi dậy mạnh mẽ từ Việt Nam, Thái Lan hay Malaysia, việc chủ nhà Indonesia cần có một đội U-23 đủ sức chinh chiến ở nhiều mặt trận là điều bắt buộc cho hành trình vươn xa.
Giải vô địch U-23 Đông Nam Á 2025 là sự kiện lớn đầu tiên trong chuỗi hành trình dày đặc sắp tới của chủ nhà Indonesia. Cuộc chơi diễn ra từ ngày 15-7 đến ngày 29-7 tại Indonesia là nơi thử sức các tài năng trẻ và chạy đà cho các mục tiêu lớn hơn trong tương lai gần.
Phép thử trên sân nhà ở giải U-23 Đông Nam Á
Trong hai năm tới, bóng đá trẻ Indonesia, cụ thể là đội tuyển U-23, sẽ bước vào giai đoạn vô cùng quan trọng với hàng loạt giải đấu lớn trên cả cấp độ Đông Nam Á và châu Á. Dưới sự dẫn dắt của HLV người Hà Lan Gerald Vanenburg, U-23 Indonesia gánh trên vai trách nhiệm khẳng định vị thế mới của bóng đá xứ Vạn đảo.
Sắp tới, chủ nhà Indonesia ở giải U-23 Đông Nam Á nằm ở bảng A cùng với Malaysia, Philippines và Brunei. Với lợi thế sân nhà và sự chuẩn bị kỹ lưỡng, Indonesia đang khao khát soán ngôi vua của Việt Nam. Ông thầy người Hà Lan Vanenburg đã triệu tập 30 cầu thủ cho đợt huấn luyện từ ngày 22-6 và sẵn sàng chinh phục giải đấu lớn Đông Nam Á.

Indonesia không đá giao hữu mà chỉ tập nội bộ cho cuộc chơi lớn U-23 Đông Nam Á. Ảnh: CCT.
Liên đoàn bóng đá Indonesia (PSSI) đặt mục tiêu vô địch giải U-23 Đông Nam Á. Tuy nhiên, HLV Vanenburg tỏ ra thận trọng hơn. Ông nhấn mạnh rằng áp lực thành tích không nên đè nặng lên đôi vai của các cầu thủ trẻ, thay vào đó là tinh thần thi đấu hết mình trong từng trận đấu.
Mặc dù thi đấu trên sân nhà, giải U-23 Đông Nam Á không phải là mục tiêu cao nhất của Indonesia. Sự thận trọng của Vanenburg là điều dễ hiểu khi ông và đội ngũ huấn luyện còn hướng đến những giải đấu tầm cỡ hơn như vòng loại U-23 châu Á 2026, SEA Games 2025 và Đại hội Thể thao châu Á 2026.
Ngay sau khi giải U-23 Đông Nam Á khép lại, đội tuyển trẻ Indonesia sẽ tiếp tục chuẩn bị cho vòng loại U-23 châu Á 2026, diễn ra từ ngày 3-9 đến ngày 9-9. Đây là một thử thách thực sự với những đối thủ đáng gờm trong bảng gồm như Hàn Quốc, Lào và Ma Cao. Đặc biệt, chỉ đội đầu bảng được vào thẳng vòng chung kết, trong khi các đội nhì bảng phải thi đấu vòng play off để giành những suất còn lại.

Người hâm mộ bóng đá Indonesia rất cuồng nhiệt và đây là một ưu thế lớn của thầy trò Vanenburg khi đá giải trên sân nhà. Ảnh: CCT.
Tại vòng chung kết giải U-23 châu Á 2024, Indonesia từng lọt vào tới bán kết, thành tích tốt nhất lịch sử bóng đá trẻ nước này. Vì vậy, mục tiêu của Indonesia ít nhất phải giữ được vị trí tương tự, trước khi nghĩ đến suất tham dự Thế vận hội Olympic, là phần thưởng dành cho các đội bóng hàng đầu của giải.
Lực lượng trẻ giàu tiềm năng của Indonesia
Điều đáng khích lệ cho đội tuyển U-23 Indonesia là hiện HLV Vanenburg có đến bảy cầu thủ từng góp mặt ở đội tuyển quốc gia, bao gồm Hokky Caraka, Kadek Arel, Dony Tri Pamungkas, Victor Dethan, Rayhan Hannan, Daffa Fasya và Muhammad Ferarri. Kinh nghiệm thi đấu quốc tế chính là lợi thế rất lớn, giúp nhóm cầu thủ này trở thành chỗ dựa vững chắc cho đồng đội trẻ hơn, cũng như tạo sự gắn kết chiến thuật và tâm lý ổn định cho toàn đội.
Bên cạnh đó, nhiều cầu thủ nổi bật từ lứa U-19 như Jens Raven, Toni Firmansyah, Arkhan Fikri hay Alfharezzi Buffon cũng được triệu tập nhằm xây dựng lực lượng kế cận cho các giải đấu kế tiếp. Những cái tên này đã chứng minh được năng lực trong các giải trẻ trước đó và đang được kỳ vọng sẽ trở thành nòng cốt mới của bóng đá Indonesia.

Chủ nhà Indonesia muốn soán ngôi vô địch của U-23 Việt Nam dù biết không dễ dàng. Ảnh: CCT.
Không giống như những năm trước, nơi sự chuyển giao giữa các lứa U-19 và U-23 gặp nhiều khó khăn, lần triệu tập này cho thấy rõ ràng chiến lược đầu tư bài bản và dài hơi từ phía PSSI.
Sau giải U-23 Đông Nam Á và vòng loại châu Á, U-23 Indonesia sẽ tiếp tục tranh tài tại SEA Games 2025 dự kiến tổ chức vào tháng 12 tại Thái Lan. Đây là đấu trường quen thuộc và giàu cảm xúc với bóng đá Indonesia, nơi họ từng nhiều lần vào tới chung kết nhưng chưa thật sự duy trì được phong độ ổn định. Không lâu sau đó, đội sẽ bước vào Đại hội thể thao châu Á (Asian Games) 2026, diễn ra trong khoảng tháng 10 tại Nhật Bản.
Nếu giành quyền dự vòng chung kết U-23 châu Á, Indonesia sẽ khởi hành sang Saudi Arabia vào tháng 1-2026. Với mật độ thi đấu như vậy, yêu cầu đặt ra cho thầy trò Vanenburg là chất lượng đội hình và chiều sâu lực lượng.

Indonesia thuận lợi có chiều sâu lực lượng dồi dào. Ảnh: CCT.
Việc có từ 30 đến 35 cầu thủ đủ khả năng thi đấu ở cấp độ này là điều kiện tiên quyết nếu Indonesia muốn duy trì sự cạnh tranh ở nhiều mặt trận. Do đó, Vanenburg sẽ phải rất linh hoạt trong chiến lược xoay tua cầu thủ, tối ưu thể lực và duy trì phong độ cả về cá nhân lẫn tập thể.
Hai năm tới sẽ là khoảng thời gian cực kỳ quan trọng với đội tuyển U-23 Indonesia. Với dàn cầu thủ trẻ tài năng, chiến lược rõ ràng từ ban huấn luyện cùng sự ủng hộ mạnh mẽ từ PSSI, đội bóng này có đủ điều kiện để chinh phục những cột mốc mới.