Chủ nhà trọ tăng tiền điện, nước: Sinh viên, người lao động 'kêu trời'
Ngay sau khi ngành điện và UBND TP Hà Nội điều chỉnh giá điện nước, hàng loạt nhà trọ bỗng chốc tăng giá 'phi mã'. Nhiều sinh viên, người lao động thuê trọ ở Hà Nội phải trả giá cao hơn rất nhiều so với trước đây khiến cuộc sống càng thêm chật vật.
Chủ trọ trục lợi, tự ý tăng giá điện nước vô tội vạ
Việc điều chỉnh giá điện nước mới đây đã khiến không ít chủ nhà trọ tự ý tăng giá dù trước đó, mức giá này đã cao hơn nhiều so với giá quy định.
Theo khảo sát của phóng viên, từ tháng 6/2023, tại các khu vực sinh viên, công nhân đi thuê trọ trên địa bàn TP Hà Nội cho thấy nhiều chủ nhà trọ vẫn ngang nhiên thu tiền điện với giá kinh doanh cao gấp 2 đến 3 lần so với quy định hiện hành. Bình quân người đi thuê trọ sẽ phải trả giá tiền điện từ 4.000 đồng - 4.500 đồng/kWh.
Những người ở nhà trọ vốn đã chật vật trong cuộc sống, giờ phải gánh thêm mức tăng tiền điện quá cao.
Anh Hoàng Văn Chung, sinh viên Trường đại học Công nghệ Đông Á đang thuê trọ tại quận Nam Từ Liêm cho biết, vào tháng 6 vừa qua, chủ nhà trọ đã tăng tiền điện lên 4.000 đồng/kWh mà không hề báo trước.
Theo đó, anh Chung đã thuê trọ ở đây từ tháng 11/2022, hợp đồng 1 năm. Trong hợp đồng có ghi rõ, tiền nước là 28.000 đồng/m3 và nước là 3.500 đồng/kWh, giá thị trường thay đổi sẽ tăng không quá 15%.
Tuy nhiên, ngay sau Tết Nguyên đán, chủ nhà trọ đã tăng nước lên 30.000 đồng/m3. Cho đến tháng 6 vừa qua, tiền điện đã tăng lên 4.000 đồng/kWh. Mặc nhiên, chủ nhà không hề báo trước cho người thuê trọ.
“Trong phòng chỉ có quạt điện nhỏ với nồi cơm và 2 bóng đèn thắp sáng nhưng tháng nào tôi cũng phải trả khoảng 300.000 - 400.000 đồng tiền điện. Nếu giờ tăng tiền điện nước cao hơn, không biết, hóa đơn mấy tháng sau còn nhiều như thế nào nữa” - anh Chung than thở.
Mới đây anh Hoàng Minh Thắng (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đã chia sẻ câu chuyện chủ trọ tăng giá điện nước lên mạng xã hội. Ngay lập tức nhận được hàng ngàn lượt like, chia sẻ. Phía dưới bình luận, không ít người bày tỏ sự đồng cảm với anh Thắng bởi họ cũng đang trong tình trạng tương tự.
Anh Thắng cho biết, dù đã đến đầu tháng 7 nhưng chủ nhà trọ mới thông báo tăng giá tiền điện nước trong tháng 5 trở đi. Cụ thể, giá điện từ 4.000 đồng/kWh lên tới 4.500 đồng/kWh, nước từ 100.000 đồng/người/tháng lên tới 120.000 đồng/người/tháng.
“Công việc của tôi sáng đi tối muộn mới về. Đêm chỉ bật điện 1 tiếng, quạt chạy 6 tiếng mà đã mất 300.000 đồng - 400.000 đồng/điện nước/người. Khi chúng tôi thắc mắc, chủ trọ viện cớ không giao hóa đơn để chúng tôi đối chiếu” - anh Thắng chia sẻ.
Khi người thuê trọ thắc mắc, chủ nhà cho rằng: “Các nhà trọ ở Phố Viên (phường Cổ Nhuế, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) họ tính 4.500 đồng/kWh và nước 120.000 đồng/người từ mấy năm nay rồi. Ai không chịu thì dọn đi chỗ khác. Đừng thắc mắc”.
Khuyến khích người dân tố cáo hành vi thu tiền điện, nước cao
Ngày 4/5/2023, sau 4 năm giá điện không thay đổi, EVN quyết định điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân là 1.920,3732 đồng/kwh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng), nghĩa là chỉ tăng 3%, tương đương với 56 đồng/kwh so với giá điện bán lẻ bình quân hiện hành.
Từ ngày 1/7, Sở Tài chính Hà Nội cũng đưa ra lộ trình tăng giá nước sạch. Theo đó, giá bán lẻ nước sạch cho hộ dân cư ở Hà Nội là 7.500 đồng/m3 cho 10 m3 nước đầu tiên sử dụng. Từ 10 m3 đến 20 m3, giá bán là 8.800 đồng/m3 và tăng dần ở các mốc 20 - 30 m3, trên 30 m3.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, với phương án điều chỉnh giá điện nước mới, cơ bản không tác động nhiều đến đời sống và thu nhập của người dân.
Việc các chủ nhà trọ tự ý tăng giá điện, nước cao so với giá niêm yết của điện lực Việt Nam và Sở Tài chính Hà Nội có thể bị xử phạt hành chính lên tới 30 triệu đồng.
Trao đổi về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Hồng Tâm, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, theo quy định mới tại khoản 15 Điều 2 Nghị định 17/2022/NĐ-CP phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng đối với người cho thuê nhà thu tiền điện của người thuê nhà cao hơn giá quy định trong trường hợp mua điện theo giá bán lẻ để phục vụ mục đích sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.
Đồng thời, người cho thuê thu lợi bất hợp pháp còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp do thực hiện hành vi vi phạm cho cá nhân, tổ chức bị chiếm đoạt.
Đặc biệt, ngành điện Hà Nội khuyến khích người thuê nhà tố cáo, thông báo hành vi bán điện sai giá quy định của các chủ hộ để ngành điện, chính quyền địa phương có căn cứ tổ chức kiểm tra, lập biên bản vi phạm và xử phạt hành chính.