Chủ nhân giải Nobel được chọn để lãnh đạo Bangladesh là ai?

Chủ nhân giải Nobel của Bangladesh, Muhammad Yunus, đã được chọn làm người đứng đầu chính phủ lâm thời của đất nước sau khi Thủ tướng tháo chạy khỏi đất nước.

Ông Muhammad Yunus tại Dhaka hồi tháng 3. @AFP

Ông Muhammad Yunus tại Dhaka hồi tháng 3. @AFP

Được biết đến là “nhân viên ngân hàng của những người nghèo nhất trong số những người nghèo” và là người chỉ trích Thủ tướng Sheikh Hasina lâu năm, ông Yunus sẽ đóng vai trò là Thủ tướng tạm quyền cho đến khi cuộc bầu cử mới được tổ chức.

Quyết định này diễn ra sau một cuộc họp vào cuối ngày thứ Ba 6/8, bao gồm các thủ lĩnh biểu tình của sinh viên, lãnh đạo quân đội, thành viên xã hội dân sự và lãnh đạo doanh nghiệp.

Bà Hasina đã buộc phải bỏ trốn hôm thứ Hai sau nhiều tuần biểu tình phản đối hệ thống hạn ngạch phân bổ công việc của chính phủ đã trở thành một thách thức lớn hơn đối với sự cầm quyền 15 năm của bà.

Sự ra đi của Hasina đã khiến Bangladesh rơi vào khủng hoảng chính trị. Quân đội đã tạm thời nắm quyền kiểm soát, nhưng chưa rõ vai trò của lực lượng này trong chính phủ lâm thời là gì sau khi Tổng thống giải tán quốc hội hôm thứ Ba để mở đường cho cuộc bầu cử.

Các lãnh đạo sinh viên tổ chức các cuộc biểu tình muốn Yunus, người hiện đang ở Paris dự Thế vận hội với tư cách là cố vấn cho những người tổ chức, lãnh đạo một chính phủ lâm thời.

Thủ lĩnh sinh viên chủ chốt Nahid Islam khẳng định rằng Yunus đã đồng ý tham gia trong cuộc thảo luận với họ.

Yunus, 84 tuổi, gọi việc Hasina từ chức là “ngày giải phóng thứ hai” của đất nước. Bà Hasina từng gọi ông là "kẻ hút máu".

Là một nhà kinh tế học và chủ ngân hàng chuyên nghiệp, Yunus đã được trao giải Nobel Hòa bình năm 2006 vì đi tiên phong trong việc sử dụng tín dụng vi mô để giúp đỡ những người nghèo khó, đặc biệt là phụ nữ.

Ủy ban Giải thưởng Nobel Hòa bình đã ghi nhận Yunus và Ngân hàng Grameen của ông “vì những nỗ lực của họ trong việc tạo ra sự phát triển kinh tế và xã hội từ bên dưới”.

Yunus thành lập Ngân hàng Grameen vào năm 1983 để cung cấp các khoản vay nhỏ cho các doanh nhân thường không đủ điều kiện nhận chúng. Thành công của ngân hàng trong việc giúp người dân thoát nghèo đã dẫn đến những nỗ lực tài trợ vi mô tương tự ở các quốc gia khác.

Ông gặp rắc rối với Hasina vào năm 2008, khi chính quyền của bà tiến hành một loạt cuộc điều tra về ông. Ông từng tuyên bố sẽ thành lập một đảng chính trị vào năm 2007 khi đất nước được điều hành bởi một chính phủ được quân đội hậu thuẫn nhưng đã không thực hiện được.

Trong quá trình điều tra, Hasina cáo buộc Yunus sử dụng vũ lực và các phương tiện khác để thu hồi các khoản vay từ phụ nữ nông thôn nghèo, ông Yunus phủ nhận cáo buộc.

Chính phủ của Hasina bắt đầu xem xét các hoạt động của ngân hàng vào năm 2011 và Yunus bị sa thải khỏi vị trí giám đốc điều hành vì bị cáo buộc vi phạm các quy định về hưu trí của chính phủ.

Ông bị đưa ra xét xử vào năm 2013 với cáo buộc nhận tiền mà không có sự cho phép của chính phủ, bao gồm cả giải thưởng Nobel và tiền bản quyền từ một cuốn sách.

Sau đó, ông phải đối mặt với nhiều cáo buộc liên quan đến các công ty khác do ông thành lập, bao gồm Grameen Telecom, một phần của công ty điện thoại di động lớn nhất đất nước, GrameenPhone, một công ty con của gã khổng lồ viễn thông Telenor của Na Uy.

Vào năm 2023, một số cựu nhân viên của Grameen Telecom đã đệ đơn kiện Yunus với cáo buộc ông bòn rút phúc lợi công việc của họ. Ông phủ nhận những lời buộc tội.

Đầu năm nay, một tòa án thẩm phán đặc biệt ở Bangladesh đã truy tố Yunus và 13 người khác về tội tham ô 2 triệu USD. Yunus không nhận tội và hiện đang được tại ngoại.

Những người ủng hộ Yunus nói rằng ông đã trở thành mục tiêu vì mối quan hệ lạnh nhạt với Hasina.

Ông Yunus sinh năm 1940 tại Chittagong, một thành phố cảng ở Bangladesh. Ông nhận bằng Tiến sĩ tại Đại học Vanderbilt ở Nashville, Mỹ và giảng dạy ở đó một thời gian ngắn trước khi trở về Bangladesh.

Trong một cuộc phỏng vấn năm 2004 với báo chí, Yunus cho biết ông đã có một "phong trào eureka" để thành lập Ngân hàng Grameen khi gặp một người phụ nữ nghèo ngồi đan ghế tre đang chật vật trả nợ.

“Tôi không thể hiểu tại sao cô ấy lại có thể nghèo đến vậy khi cô ấy đang làm ra những thứ đẹp đẽ như vậy", ông nhớ lại trong cuộc phỏng vấn.

Ánh Vân

Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/chu-nhan-giai-nobel-duoc-chon-de-lanh-dao-bangladesh-la-ai-post116123.html