Chủ nhân những sáng chế vì cộng đồng
Hầu như mọi người ở tiểu khu Hua Ít, thị trấn Ít Ong đều biết anh Lò Văn Cường là chủ nhân của nhiều sản phẩm cơ khí hữu ích, góp phần giải phóng sức lao động cho người dân vùng nông thôn, trở thành tấm gương tiêu biểu trong phong trào 'Tuổi trẻ sáng tạo', tạo sức lan tỏa về ý chí, nghị lực của tuổi trẻ huyện Mường La nói riêng và tỉnh Sơn La nói chung.
Bén duyên nghề cơ khí
Sinh năm 1994, là con út trong gia đình có 2 chị em, bố mẹ là giáo viên đã nghỉ hưu. Sau khi tốt nghiệp THPT, thay vì thi vào các trường đại học, Cường lại đăng ký thực hiện nghĩa vụ trong ngành Công an. Năm 2016, hoàn thành nghĩa vụ trở về địa phương, anh theo đuổi niềm đam mê trở thành “kỹ sư cơ khí”. Cường bảo ở quê, người dân chủ yếu sống bằng nghề nông, cứ mỗi vụ thu hoạch lúa, bà con mình vất vả lắm, họ thường phải thay nhau đập lúa thủ công, mặt mày đen sạm vì cháy nắng, đôi tay phồng rộp mà năng suất lại không cao... Những hình ảnh đó là lý do và động lực để Cường nghiên cứu, sáng chế ra máy tuốt lúa.
Theo chân Cường bước vào “xưởng sáng chế” - thực chất là phòng khách của gia đình - trong không gian khá chật hẹp, ngổn ngang các loại dụng cụ và thiết bị. Cường thật thà: Những ý tưởng sáng chế của em đều chỉ nhằm giải phóng sức lao động của người dân, tăng hiệu quả sản xuất, giảm chi phí, thời gian và nhân công. Bởi hiện nay, hầu hết các loại máy móc phục vụ nông nghiệp bày bán trên thị trường đều là hàng nhập khẩu, giá thành cao, các chi tiết máy móc, phụ kiện rất hiếm, nhiều sản phẩm không phù hợp với địa hình miền núi...
Do chưa học qua nghề cơ khí, lại thiếu vốn nên khi hiện thực hóa các nghiên cứu, sáng chế, Cường gặp rất nhiều khó khăn, phải tự tìm hiểu qua sách báo, tài liệu và học trên mạng, tự đi mua máy móc cũ, hỏng mang về nghiên cứu, tìm hiểu... Để có dụng cụ làm việc, ngoài một ít tiền tích góp, Cường làm thủ tục vay 100 triệu đồng từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh huyện để mua các loại máy hàn, khoan, cắt, sơn... Cứ cặm cụi “mài sắt”, Cường đã có không ít những “cây kim” giá trị, từ năm 2016 đến nay, anh đã sáng chế, sản xuất thành công 3 sản phẩm: Máy tuốt lúa mini kết hợp sàng và quạt gió; máy chế biến thức ăn chăn nuôi đa chức năng; kiềng nóng lạnh đun đa nguyên liệu.
Những sáng chế vì cộng đồng
Trong số những sáng chế kể trên thì máy tuốt lúa được nhiều người biết đến. Cường hồ hởi: Hiện nay, trên thị trường có nhiều loại máy tuốt lúa với các chức năng vừa tuốt, vừa sàng, vừa quạt để có thóc thành phẩm sạch, nhưng nhược điểm là quá to và cồng kềnh, khó di chuyển vào sâu trong cánh đồng, đưa qua những chân ruộng bậc thang hoặc lên nương. Còn máy tuốt lúa loại nhỏ dù nhẹ hơn, dễ di chuyển hơn nhưng lại chỉ có một chức năng tuốt, nên bà con vẫn phải sàng và quạt để làm sạch thóc. Bà con mình vất vả quá khi đã phải bỏ vài triệu đồng mua máy tuốt lúa mà vẫn phải sàng sẩy thủ công, nên em nghiên cứu rồi sáng chế ra chiếc máy tuốt lúa dựa trên nguyên lý của chiếc máy tuốt lúa cỡ lớn có sàng và quạt gió.
Để thực hiện ý tưởng, Cường đi mua máy tuốt lúa cũ, hỏng, tận dụng quả lô cũ, thay thế toàn bộ khung máy mới, thiết kế thêm hệ thống sàng và quạt. Sau gần 1 năm nghiên cứu, đầu năm 2018, chiếc máy tuốt lúa đầu tiên của Cường đã hoàn thành. Sau một thời gian đưa vào sử dụng, tháng 3/2020, Cường lại nghiên cứu, cải tiến máy tuốt lúa bằng việc bỏ bớt sàng rung, chỉ giữ lại sàng thô, thay mắt lưới bé hơn..., chiếc máy tuốt lúa do Cường sáng chế hiện chỉ dài 70cm, rộng 45cm, cao 120 cm, làm bằng sắt V4 và ốp tôn phẳng 0,5 nên máy rất chắc chắn và chỉ nặng khoảng 40 kg nên 2 người có thể khiêng hoặc chở bằng xe máy dễ dàng. Máy nổ chạy xăng hiệu Honda 1,8hp, tốc độ 3.600 vòng quay/phút, trong 1 giờ, máy có thể tuốt được 4 đến 4,5 tạ thóc thành phẩm sạch. Cường bán máy ra thị trường với giá 3,5 triệu đồng (máy tuốt lúa loại to trên thị trường hiện có giá hơn 20 triệu đồng). Hiện, có khoảng 200 hộ dân huyện Mường La và các huyện trong tỉnh mua máy tuốt lúa của Cường.
Để thấy thực tế hiệu quả chiếc máy tuốt lúa của Cường, chúng tôi đến hộ gia đình bà Lường Thị Lả (tiểu khu Mé Lìu, thị trấn Ít Ong). Khi chúng tôi tới, bà Lả và cậu con trai đang tuốt những bó lúa vừa thu hoạch. Được biết mục đích chuyến thăm của chúng tôi, bà Lả nói ngay: Trước đây, chưa có máy tuốt lúa, chúng tôi phải đập lúa bằng tay, 1 sào ruộng thì phải hai, ba nhân công thay phiên nhau đập lúa trong 3-4 giờ đồng hồ mới xong. Bây giờ sử dụng loại máy này chỉ mất 30 phút, thóc thành phẩm không còn lẫn rơm rạ; ưu điểm vượt trội của máy là nhỏ, nhẹ, dễ di chuyển, giá cả lại rất hợp lý.
Được biết, năm 2018, Cường còn sáng chế kiềng nóng lạnh đun đa nguyên liệu. Cũng chỉ là một chiếc kiềng bình thường nhưng lại rất hữu ích với bà con miền núi, bởi khi nhóm lửa nấu xong bữa cơm, thì đã có nước nóng để dùng. So với bình nóng lạnh sử dụng điện và năng lượng mặt trời, thì kiềng nóng lạnh ưu điểm hơn hẳn vì không tốn điện, rất an toàn cho người sử dụng, lại thân thiện với môi trường, giá thành rẻ, phù hợp điều kiện kinh tế nhiều hộ dân ở vùng sâu, vùng xa. Chiếc kiềng có thể đun được các loại nguyên liệu: Cành cây khô, lõi ngô, thân cây ngô, mùn cưa... Kiềng gồm 2 bộ phận chính: Kiềng đun và bình giữ nhiệt. Kiềng được làm bằng ống vuông 2 inox 304; hấp thụ nhiệt để làm nóng nước đẩy lên bình giữ nhiệt (sử dụng nguyên lý đối lưu, nước nóng đẩy lên trên, nước lạnh chìm xuống dưới). Bình giữ nhiệt được làm bằng inox 201 dày 0,4 gồm 3 lớp, 2 lớp inox và 1 lớp bông cách nhiệt ở giữa, do hoàn toàn bằng inox nên nước rất sạch. Bộ kiềng đang bán trên thị trường với giá 3,5 triệu đồng.
Ông Quàng Văn Tiến (tiểu khu Hua Ít, thị trấn Ít Ong), vui vẻ: Chúng tôi làm nông nghiệp nên vẫn sử dụng bếp đun củi là chủ yếu. Đi làm đồng về trời lạnh phải đun nước để tắm rửa sẽ mất thời gian, lại tốn củi. Từ khi sử dụng loại kiềng này, lúc nào cũng có nước nóng sử dụng, rất thuận tiện, sức khỏe đảm bảo. Chi phí để lắp và sử dụng kiềng chỉ hơn 4 triệu đồng, lại được cháu Cường cho mua theo hình thức trả góp không tính lãi.
Không chỉ máy tuốt lúa, kiềng nóng lạnh, Cường còn sáng chế máy chế biến thức ăn chăn nuôi đa chức năng. Máy được làm bằng nguyên liệu sắt tấm và thép V4, thùng máy băm thức ăn là inox tấm dày 1,5mm chống rỉ. Máy khác biệt so các loại máy trên thị trường là có tới 6 chức năng (chặt, băm, trộn nguyên liệu, tuốt ngô, ép cám, xay bột) tích hợp và lắp chung 1 mô-tơ điện 3kW. Giá thành dàn máy chỉ 11 triệu đồng (nếu mua từng loại riêng trên thị trường giá thành cao gấp đôi). Mới đây, Cường sáng chế thành công máy phân loại quả theo đơn đặt hàng chỉ với giá 7 triệu đồng, rẻ hơn 16 triệu đồng so với máy đang bán trên thị trường.
Tuổi trẻ sáng tạo
Những sáng chế của Lò Văn Cường có điểm chung là được sản xuất tại chỗ, dễ sửa chữa, có bảo hành, các chi tiết có sẵn tại xưởng, dễ thay thế, giá thành rẻ, nhỏ gọn, phù hợp địa hình và mục đích sử dụng của bà con nông dân. Đặc biệt, máy tuốt lúa gắn động cơ, kết hợp sàng và quạt gió của Cường đã đoạt giải Ba tại Hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn tỉnh lần thứ 6 năm 2018. Ghi nhận những đóng góp của Lò Văn Cường, năm 2018, anh được Ban Chấp hành Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh tặng Bằng khen; năm 2019, Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen vì thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua chào mừng kỷ niệm 60 năm Ngày Bác Hồ và Đoàn công tác của Trung ương về thăm đồng bào các dân tộc Tây Bắc tại tỉnh Sơn La...
Chia sẻ về kế hoạch tương lai, Cường mong muốn thành lập HTX, được hỗ trợ, tiếp cận với các nguồn vốn ưu đãi để mở rộng quy mô sản xuất, tạo công ăn việc làm ổn định cho nhiều lao động, nhất là những người trẻ; tiếp tục ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, phù hợp với vùng miền để giảm bớt công sức, sản phẩm làm ra nhiều hơn, góp phần xây dựng quê hương giàu mạnh, văn minh. Lò Văn Cường thực sự là tấm gương tiêu biểu trong phong trào “Tuổi trẻ sáng tạo”, dám nghĩ, dám làm, xung kích trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tạo ra những sản phẩm hữu ích cho cộng đồng và tạo sức lan tỏa sâu rộng trong đoàn viên thanh niên về tinh thần, nghị lực vượt khó và vươn lên làm chủ khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng cuộc sống cộng đồng.
Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/chu-nhan-nhung-sang-che-vi-cong-dong-31953