Chủ nhiệm bộ môn sáng tạo trong giảng dạy
Thấm nhuần lời dạy của Bác: 'Dạy dần dần từ ít đến nhiều, từ dễ đến khó, từ thấp đến cao. Không tham nhiều, không nhồi sọ. Dạy một cách thiết thực. Lý luận gắn chặt với thực hành', những năm qua, Thượng tá, Tiến sĩ Nguyễn Long, Chủ nhiệm bộ môn Công nghệ Thông tin, Khoa Chỉ huy-Tham mưu (Học viện Quốc phòng) đã có nhiều đổi mới trong công tác giảng dạy, nghiên cứu, nâng cao chất lượng đào tạo.
Nhiều đề tài của anh về xây dựng các chuyên đề lý luận và bài tập ứng dụng công nghệ thông tin đã được người học hào hứng đón nhận, đồng thời góp phần hỗ trợ công tác người chỉ huy và cơ quan trong hoạt động tác chiến, tác chiến không gian mạng, được lãnh đạo học viện đánh giá cao.
Trò chuyện với chúng tôi, anh chia sẻ: “Trước sự phát triển không ngừng của công nghệ thông tin, tôi và cán bộ bộ môn luôn có sự điều chỉnh để làm sao các nội dung có tính thực tế, sát với yêu cầu nhiệm vụ và có thể vận dụng hiệu quả vào thực tế công tác của học viên. Khi giảng bài, tôi luôn cố gắng truyền tải những nội dung có tính trọng tâm, tổng quát, tránh sa đà vào kỹ thuật hoặc không phù hợp với điều kiện thực tế, lý luận chung chung”.
Theo anh Long, do đặc thù học viện có nhiều đối tượng học nên anh đã cùng với cấp ủy, chỉ huy bộ môn phân loại nội dung đào tạo cho các đối tượng khác nhau. Ví dụ, đối tượng là cán bộ chỉ huy-tham mưu cấp chiến dịch-chiến lược, các bài giảng và thực hành cần phải hướng đến việc ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng hoạt động tác chiến không gian mạng gắn với thứ tự, công tác của người chỉ huy. Còn đối tượng cán bộ quân sự địa phương, các nội dung gắn với việc ứng dụng công nghệ thông tin, hoạt động tác chiến không gian mạng và hoạt động sẵn sàng chiến đấu của khu vực phòng thủ địa phương, quân khu… Đối tượng đào tạo sau đại học, các chuyên đề lý luận, thực hành đi theo ý tưởng gợi mở nội dung, cung cấp những kiến thức cơ bản để học viên hình thành nên các giải pháp, đề xuất trong quá trình thực hiện luận văn, luận án. Với cách phân loại đối tượng đào tạo và phân chia nội dung hợp lý, những năm qua, các luận văn, luận án do bộ môn hướng dẫn nghiên cứu đã có nhiều nét đổi mới, chất lượng nâng cao hơn trước. Đặc biệt, tính ứng dụng được thể hiện rõ giữa tác chiến truyền thống và tác chiến không gian mạng.
Ngoài ra, với phương châm kết hợp chặt chẽ giữa lý luận và thực hành, nội dung huấn luyện thực hành của bộ môn do anh phụ trách đã có sự chuyển biến lớn, có sự kết hợp giữa kỹ thuật và nghệ thuật quân sự, đáp ứng được nhu cầu của người học ứng dụng trong lãnh đạo, chỉ đạo cũng như thực hiện nhiệm vụ của mình sau này.
Từ đặc thù nhiệm vụ của mình, Thượng tá Nguyễn Long và các giảng viên trong bộ môn đã xác định hai mục tiêu rõ ràng: Tích cực nghiên cứu khoa học, trang bị kiến thức cho cán bộ, giảng viên và xây dựng các giải pháp, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ cho hoạt động huấn luyện, đào tạo, sẵn sàng chiến đấu của học viện. Vừa qua, anh và các cán bộ trong bộ môn nghiên cứu, phát triển được một số đề tài, sản phẩm tiêu biểu, ứng dụng hiệu quả trong thực tế, như: Hệ thống đánh giá địa bàn tác chiến; hệ thống minh họa dẫn dắt chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu; hệ thống thông tin đánh giá đối tượng tác chiến… Các sản phẩm này được chỉ huy học viện và các học viên đánh giá cao, qua đó càng khẳng định được nỗ lực, trí tuệ của đội ngũ cán bộ, giảng viên, bộ môn, trong đó có Chủ nhiệm bộ môn Nguyễn Long. Ghi nhận những nỗ lực, đóng góp của Thượng tá, Tiến sĩ Nguyễn Long, những năm gần đây, cấp trên đã nhiều lần tặng thưởng anh các danh hiệu, trong đó năm 2019, anh được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quân.