Chủ nhiệm HTX được phong danh hiệu Anh hùng lao động

Nhờ sự sáng tạo, dám nghĩ dám làm, đi đầu đổi mới, ông Trịnh Xuân Uyển, nguyên Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) Tức Tranh (Phú Lương) đã đưa một xã nghèo bậc nhất của tỉnh trở thành đơn vị dẫn đầu cả nước trong phát triển kinh tế - xã hội và được Nhà nước tặng thưởng danh hiệu Anh hùng lao động vào năm 1985. Đến nay, Tức Tranh tiếp tục lập nhiều kỳ tích trong phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM), được lựa chọn là địa phương cấp xã đầu tiên của tỉnh xây dựng NTM thông minh.

Ông Trịnh Xuân Uyển và ông Nông Văn Trân (nguyên Chủ tịch UBND huyện Phú Lương) ôn lại những mốc son của HTX Tức Tranh.

Ông Trịnh Xuân Uyển và ông Nông Văn Trân (nguyên Chủ tịch UBND huyện Phú Lương) ôn lại những mốc son của HTX Tức Tranh.

Đưa miền núi tiến vượt miền xuôi

Năm 1960, người đảng viên trẻ Trịnh Xuân Uyển, 22 tuổi, tốt nghiệp Trường Trung cấp Nông lâm, trở về quê nhà nhận công việc kế toán Hợp tác xã kiêm Đội trưởng Đội sản xuất thôn Đinh, xã Định Xá (TP. Phủ Lý, tỉnh Hà Nam). Năm 1964, nhân một dịp đến thăm người bác họ tại xã Vô Tranh (Phú Lương), ông đã nhận thấy tiềm năng của vùng đất hoang sơ này, đặc biệt là tại xã Tức Tranh, nơi đất đai trù phú, rộng rãi và thưa người ở. Đó cũng là thời điểm Nhà nước động viên bà con miền xuôi lên miền núi làm kinh tế mới.

Ông Uyển nhớ như in: Khi chuyển sinh hoạt Đảng đến Tức Tranh, tôi được phân công làm kế toán của HTX Đan Khê, gồm 6 xóm của xã. Lúc ấy, cả xã mới chỉ có hơn 20 đảng viên, cụ Phạm Bá Quát, Bí thư Chi bộ xã thấy tôi là đảng viên trẻ, có học thức thì mừng lắm nhưng lại lo tôi thư sinh không chịu được vất vả. Tôi bắt đầu vừa mở lớp dạy học bình dân vừa cùng em trai và em gái phát bãi. Một số cán bộ trong xã nhiều ruộng làm không xuể đã gọi cho đất, cụ Lập cho 6 sào, cụ Hội cho hơn 5 sào... Năm đầu tiên, ba anh em tôi đã làm hơn 3 mẫu ruộng, tra hơn một tạ giống thóc đồi, thóc nếp thóc tẻ gặt về ngập cả sân. Năm 1968, xã sáp nhập các HTX, tôi được bầu làm Phó Chủ nhiệm, lúc này tôi kiêm ba chức, gồm cả Ủy viên Chi ủy, Thư ký UBND xã. Những năm tiếp theo, tôi được tín nhiệm bầu làm Chủ nhiệm HTX đồng thời là Chủ tịch UBND xã, rồi Bí thư Đảng ủy xã trong thời gian dài.

Trong những lần về huyện họp, tôi thấy bà con gánh mấy tấn sắn ra chợ Giang Tiên bán mới được mấy hào, trong khi chè xách nhẹ một tay đã được mấy đồng. Tôi đi tìm hiểu rồi về bàn với Ban lãnh đạo việc cần thiết trồng chè tập trung tăng thu nhập đồng thời thâm canh cây lúa để đảm bảo nguồn lương thực. Từ đó, HTX thành lập đội chuyên trồng chè để hướng dẫn kỹ thuật cho bà con.

Ở tuổi 87, ông Trịnh Xuân Uyển vẫn tích cực tham gia phát triển kinh tế gia đình.

Ở tuổi 87, ông Trịnh Xuân Uyển vẫn tích cực tham gia phát triển kinh tế gia đình.

Tiến từng bước vững chắc, HTX Tức Tranh trở thành đơn vị điển hình tiên tiến trong toàn huyện có đặc biệt đột phá vào đầu những năm 1980 với “Đề án ba vành đai xanh” cùng ba mô hình sản xuất: Rừng cây (lâm nghiệp), đồi chè (cây công nghiệp), ruộng lúa (cây lương thực). Đây là sự vận dụng sáng tạo, linh hoạt, uyển chuyển chủ trương chính sách của Đảng vào thực tế địa phương. Năm 1984, HTX được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba, năm 1985 được phong danh hiệu Anh hùng Lao động kèm Huân chương Lao động hạng Nhất. Xã Tức Tranh cũng nhiều năm dẫn đầu phong trào thi đua yêu nước của huyện Phú Lương.

Bản thân ông Uyển nhiều lần về Trung ương và Học viện Chính trị Quốc gia báo cáo về kinh nghiệm, sáng tạo trong điều hành sản xuất, thay đổi cơ cấu kinh tế, sự kết hợp trong lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, chính quyền với HTX.

Cả đời nguyện học và làm theo Bác

Tâm sự với chúng tôi, ông Trịnh Xuân Uyển nói rằng ông luôn khắc ghi và làm theo lời dạy của Hồ Chủ tịch: “Cán bộ là gốc của mọi công việc”, “Muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. Trên cương vị lãnh đạo HTX Tức Tranh, lãnh đạo Đảng ủy, UBND xã Tức Tranh, ông luôn thực hiện đoàn kết nội bộ. Trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, ông cùng tập thể “bàn bạc chung, phân công ai phụ trách việc gì phải cho rành rọt”. Ông Uyển rất thấm thía lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Việc lãnh đạo phải thiết thực chứ không phải chung chung”, “cán bộ lãnh đạo phải đi sâu đi sát với nhân dân. Nếu không đi sâu đi sát thì không biết nhân dân cần cái gì mà giúp đỡ, nhân dân muốn cái gì, không muốn cái gì”.

HTX Tức Tranh có nhiều thành tích xuất sắc trong việc thực hiện kế hoạch Nhà nước là nhờ có sự đoàn kết dân tộc, đoàn kết toàn dân không phân biệt xuôi ngược của toàn thể cán bộ, nhân dân trong xã. Để có được “lòng dân”, ông cùng đội ngũ lãnh đạo xã đã không quản ngại vất vả, khó khăn để “bám dân”. Lúc đó địa bàn xã có nhiều xóm toàn bộ là bà con dân tộc ít người, suy nghĩ lạc hậu, cuộc sống nghèo đói, cán bộ HTX đã chia nhau đến từng nhà tuyên truyền, giúp đỡ đồng bào tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm.

Cụ thể như khi đưa giống lúa mới vào trồng, HTX đã xây dựng mô hình mẫu để hướng dẫn kỹ thuật cho bà con. Rồi khi đưa cây chè về các xóm, Ban Chủ nhiệm HTX đã huy động thanh niên mang cây giống đến giúp các gia đình đào rãnh, “ép” các hộ nghèo phải trồng chè. Nhờ vậy, Tức Tranh trở thành một trong những vùng chè nguyên liệu sớm nhất toàn tỉnh.

Ông Nông Văn Trân, nguyên Chủ tịch UBND huyện Phú Lương, nhiệt thành nói: Thành công của HTX Tức Tranh thời đó nhờ vào sự mạnh dạn đổi mới dám nghĩ dám làm của người đứng đầu. Ông Trịnh Xuân Uyển là người cán bộ mẫu mực, dám đổi mới, sáng tạo, đương đầu với khó khăn, thử thách và dám hành động vì lợi ích chung. Cùng với tài năng, bản lĩnh của người cán bộ lãnh đạo, ông luôn có tinh thần vì tập thể, hy sinh lợi ích cá nhân nên rất được nhân dân tin tưởng, tập thể lãnh đạo đồng lòng nhất trí.

Những năm 1980-1990, HTX đã chọn trong số những thanh niên năng nổ, nhiệt tình, trách nhiệm tham gia các hoạt động tập thể, cử hơn 25 người, hầu hết là con em dân tộc ít người, gửi về trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên. Người trẻ nhất trong số này là anh Lê Minh Thảo, hiện đang là Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tức Tranh.

Nói về người cán bộ tiền bối, anh Lê Minh Thảo, Chủ tịch UBND xã Tức Tranh, tâm sự: Ông Uyển đối với chúng tôi vừa là người cán bộ đi trước vừa là bậc cha chú. Điều khiến tôi rất trân trọng ở ông là mỗi khi có vấn đề gì cần góp ý, ông đều gặp riêng trao đổi thẳng thắn với chúng tôi để chúng tôi rút kinh nghiệm. Để có kết quả như ngày hôm nay trong phát triển kinh tế - xã hội và đặc biệt là hoàn thành xây dựng NTM năm 2021 và là một trong 9 xã trên cả nước được lựa chọn thí điểm xây dựng NTM thông minh, chúng tôi đã may mắn được kế thừa thành tựu của những giai đoạn trước, trong đó có công lao to lớn của ông Trịnh Xuân Uyển.

Lương Hải

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/xa-hoi/202409/chu-nhiem-htx-duoc-phong-danh-hieu-anh-hung-lao-dong-ae52170/