Chủ nhiệm Ủy ban KH,CN&MT Lê Quang Huy: Sớm nhận diện thách thức và đề ra cách làm mới trong bối cảnh mới
Sớm nhận diện những thách thức đặt ra trong việc thực hiện nhiệm vụ của năm 2025, không chỉ về khối lượng công việc mà còn về chất lượng để đáp ứng yêu cầu gỡ bỏ mọi rào cản, khơi thông nguồn lực, góp phần đưa đất nước phát triển trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, Thường trực Ủy ban KH,CN&MT đã thảo luận và đề ra những giải pháp bước đầu để chuẩn bị cho công việc của năm 2025.
Năm 2025, khối lượng công việc mà Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH,CN&MT) được phân công và dự kiến được phân công có thể nói là nhiều nhất trong lịch sử hoạt động của Ủy ban, với 09 dự án luật và 01 giám sát chuyên đề của Quốc hội. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, Ủy ban đã chỉ đạo sớm xây dựng và ban hành Kế hoạch công tác năm 2025; đổi mới tư duy và phương thức phân công, tổ chức quản lý, chịu trách nhiệm đối với các công việc để đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh mới. Xung quanh nội dung này, phóng viên Cổng TTĐT Quốc hội phỏng vấn Chủ nhiệm Ủy ban KH,CN&MT Lê Quang Huy.
Phóng viên: Theo chương trình công tác năm 2025 thì dường như khối lượng công việc của Ủy ban còn nặng nề hơn. Chủ nhiệm có thể chia sẻ về công việc của Ủy ban trong năm tới?
Chủ nhiệm Ủy ban KH,CN&MT Lê Quang Huy: Quả thực là khối lượng công việc năm 2025 mà Ủy ban được phân công và dự kiến được phân công còn lớn hơn nhiều so với năm 2024, có thể nói là nhiều nhất trong lịch sử hoạt động của Ủy ban, với 09 dự án luật và 01 giám sát chuyên đề của Quốc hội. Cụ thể, Ủy ban chủ trì tham mưu việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý để trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 9 đối với 03 dự án gồm: dự án Luật Công nghiệp công nghệ số, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, dự án Luật Hóa chất (sửa đổi); chủ trì thẩm tra và tham mưu việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý để trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 9 theo quy trình tại 01 kỳ họp đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; chủ trì thẩm tra trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9 và tham mưu việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 10 đối với 05 dự án gồm: dự án Luật Cấp thoát nước, dự án Luật Đường sắt (sửa đổi), dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dự án Luật Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi).
Bên cạnh các dự án luật thì các công việc theo kế hoạch tham mưu phục vụ Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành” để báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 10 cũng là rất lớn.
05 giải pháp bước đầu để chuẩn bị cho công việc của năm 2025
Phóng viên: Ủy ban KH,CN&MT đã có giải pháp, chuẩn bị gì để có thể hoàn thành khối lượng công việc rất lớn được giao về lập pháp và giám sát chuyên đề của Quốc hội, đáp ứng yêu cầu đặt ra trong bối cảnh mới? Kinh nghiệm của Ủy ban thực hiện các chuyên đề giám sát trong những năm qua có ý nghĩa như thế nào trong việc giúp Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội thực hiện nhiệm vụ được giao?
Chủ nhiệm Ủy ban KH,CN&MT Lê Quang Huy: Sớm nhận diện những thách thức đặt ra trong việc thực hiện nhiệm vụ của năm 2025, không chỉ về khối lượng công việc mà còn về chất lượng để đáp ứng yêu cầu gỡ bỏ mọi rào cản, khơi thông nguồn lực, góp phần đưa đất nước phát triển trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, Thường trực Ủy ban đã thảo luận và đề ra những giải pháp bước đầu để chuẩn bị cho công việc của năm 2025.
Thứ nhất, chỉ đạo sớm xây dựng và ban hành Kế hoạch công tác năm 2025 của Thường trực Ủy ban KH,CN&MT đối với các nhiệm vụ Ủy ban được giao chủ trì thực hiện. Đổi mới tư duy và phương thức phân công, tổ chức quản lý, chịu trách nhiệm đối với các công việc của Ủy ban, Thường trực Ủy ban và của Vụ chuyên môn để đáp ứng yêu cầu công việc trong bối cảnh mới.
Thứ hai, ngay sau khi kết thúc Kỳ họp thứ 8, bắt tay khẩn trương chuẩn bị các nội dung công việc của năm 2025 để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp tháng 01/2025, tránh dồn việc vào các tháng sát Kỳ họp thứ 9.
Thứ ba, quán triệt ngay các chủ trương mới của Đảng, nhất là Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, trong đó đặc biệt lưu ý 03 nội dung: (1) khẩn trương, quyết liệt hoàn thiện thể chế; (2) xóa bỏ mọi tư tưởng, quan niệm, rào cản đang cản trở sự phát triển; (3) đưa thể chế thành một lợi thế cạnh tranh trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Tham mưu giúp Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thể chế hóa đầy đủ và kịp thời các chính sách đổi mới mạnh mẽ này, trước mắt là thể chế hóa trong các dự án Luật quan trọng, đóng vai trò nền tảng mà Quốc hội đang xem xét như dự án Luật Công nghiệp công nghệ số, dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Tiếp tục bám sát quan điểm chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm và của đồng chí Chủ tịch Quốc hội về đổi mới tư duy trong hoạt động lập pháp.
Thứ tư, tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các nội dung liên quan đến sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy đối với Ủy ban, Thường trực Ủy ban theo hướng tập trung vào các lĩnh vực thuộc chức năng, nhiệm vụ mà Ủy ban được giao.
Thứ năm, đã phối hợp với các cơ quan tiến hành quy trình bổ sung nhân sự lãnh đạo Ủy ban trình cấp thẩm quyền xem xét, quyết định; chủ động tìm kiếm, kiện toàn công chức của Vụ giúp việc đáp ứng yêu cầu công việc; tăng cường phân công, điều hành công việc qua môi trường điện tử.
Trong năm 2023, Ủy ban đã chủ trì tham mưu có hiệu quả hoạt động của Đoàn giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021 và trong những năm qua đã tiến hành một số giám sát chuyên đề của Ủy ban. Những kinh nghiệm giám sát này có ý nghĩa quan trọng trong việc tham mưu phục vụ Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành” trong năm 2025.
Mong tiếp tục nhận được sự chỉ đạo, phối hợp, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết cho các hoạt động của Ủy ban
Phóng viên: Các hoạt động của Ủy ban KH,CN&MT luôn nhận được sự quan tâm, đóng góp ý kiến tâm huyết từ các cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, nhà khoa học và cử tri. Nhân dịp Xuân Ất Tỵ năm 2025, Chủ nhiệm có gửi gắm gì tới đông đảo cử tri, các đại biểu Quốc hội, các nhà khoa học và các cơ quan, tổ chức liên quan?
Chủ nhiệm Ủy ban KH,CN&MT Lê Quang Huy: Thay mặt Ủy ban KH,CN&MT của Quốc hội, tôi xin gửi lời tri ân sâu sắc tới các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã quan tâm, tin tưởng và chỉ đạo, tới các cơ quan, tổ chức hữu quan, các vị đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, nhà khoa học và các bậc cử tri đã quan tâm, phối hợp, ủng hộ, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết cho các hoạt động của Ủy ban trong năm qua.
Để có thể vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt khối lượng công việc rất lớn của năm 2025, Ủy ban rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, tin tưởng, chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ, đóng góp ý kiến của các cấp lãnh đạo, của các cơ quan, tổ chức hữu quan, của các vị đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, nhà khoa học và các bậc cử tri, nhất là đối với việc thể chế hóa các chủ trương đổi mới mạnh mẽ và có tính đột phá như đã nêu ở trên.
Nhân dịp năm mới 2025 và Xuân Ất Tỵ, xin kính chúc các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các vị đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, nhà khoa học, các bậc cử tri và tất cả các đồng chí một năm mới dồi dào sức khỏe, an lành, hạnh phúc!
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Chủ nhiệm!
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/hoatdongdbqh/pages/tin-hoat-dong-dai-bieu.aspx?itemid=92031