CHỦ NHIỆM ỦY BAN VĂN HÓA, GIÁO DỤC NGUYỄN ĐẮC VINH TIẾP VÀ LÀM VIỆC VỚI ĐOÀN ỦY BAN CẢI CÁCH GIÁO DỤC CỦA QUỐC HỘI PHILIPPINES
Sáng ngày 22/3, tại Nhà Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh tiếp và làm việc với Đoàn Ủy ban Cải cách Giáo dục của Quốc hội Philippines lần thứ hai (EDCOM 2) do Thượng nghị sĩ Sherwin T. Gatchalian, Đồng chủ tịch EDCOM 2, Chủ tịch Ủy ban Thượng viện về Giáo dục cơ bản làm Trưởng đoàn đang có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam.
Tham gia tiếp và làm việc với Đoàn Ủy ban Cải cách Giáo dục của Quốc hội Philippines lần thứ hai (EDCOM 2) có: tập thể thành viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục; đại diện Thường trực Ủy ban Đối ngoại, Thường trực Ủy ban Xã hội; đại diện Lãnh đạo Văn phòng Quốc hội…
Bày tỏ vui mừng đón tiếp Đoàn công tác của Ủy ban Cải cách Giáo dục của Quốc hội Philippines lần thứ hai đến làm việc tại Việt Nam, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho rằng, cuộc tiếp và làm việc hôm nay sẽ là cơ hội tốt để hai bên trao đổi, chia sẻ các kinh nghiệm liên quan đến lĩnh vực giáo dục và đào tạo, nhất là việc tiếp cận, công bằng và cơ hội trong giáo dục; chính sách thu hút và hỗ trợ giáo viên giỏi và sử dụng chiến lược các công cụ đánh giá chất lượng giáo dục...
Tại buổi tiếp và làm việc, hai bên đã cùng trao đổi nhiều vấn đề liên quan đến lĩnh vực giáo dục, đào tạo. Phía Đoàn Ủy ban Cải cách Giáo dục của Quốc hội Philippines lần thứ hai (EDCOM 2) cũng đặt nhiều câu hỏi cụ thể về kinh nghiệm của Việt Nam liên quan đến: chính sách thu hút giáo viên giỏi, chính sách xã hội hóa trong giáo dục, quy định về mức lương của nhà giáo, chính sách đảm bảo công bằng trong tiếp cận giáo dục…
Chia sẻ với Đoàn công tác của Ủy ban Cải cách Giáo dục của Quốc hội Philippines tại buổi tiếp, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục là cơ quan của Quốc hội, có nhiệm vụ phụ trách các lĩnh vực: Văn hóa, giáo dục, thông tin, truyền thông, tín ngưỡng, tôn giáo, du lịch, thể thao, thanh niên và trẻ em. Đối với lĩnh vực giáo dục và đào tạo, Ủy ban thực hiện nhiệm vụ thẩm tra các dự án luật thuộc lĩnh vực giáo dục; giám sát thực hiện luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thuộc lĩnh vực giáo dục; kiến nghị các vấn đề liên quan đến tổ chức, hoạt động của các cơ quan hữu quan và về phát triển giáo dục.
Giới thiệu sơ lược về hệ thống giáo dục Việt Nam, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, hệ thống giáo dục của Việt Nam hiện có 04 nhóm chính: Giáo dục mầm non (gồm giáo dục nhà trẻ và giáo dục mẫu giáo), Giáo dục phổ thông (gồm 3 cấp học: giáo dục tiểu học, giáo dục trung học cơ sở và giáo dục trung học phổ thông), Giáo dục nghề nghiệp (đào tạo trình độ sơ cấp, trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác), Giáo dục đại học (đào tạo trình độ đại học, trình độ thạc sĩ và trình độ tiến sĩ).
“Về cơ bản, Luật Giáo dục điều chỉnh và bao phủ chung các vấn đề của giáo dục. Sau phổ thông, Luật Giáo dục nghề nghiệp điều chỉnh các vấn đề thuộc giáo dục nghề nghiệp và Luật Giáo dục đại học điều chỉnh các vấn đề thuộc giáo dục”, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh chia sẻ.
Nêu rõ ở Việt Nam, giáo dục được coi là quốc sách hàng đầu, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, do vậy hàng năm Việt Nam luôn đảm bảo mức đầu tư nhất định dành cho giáo dục, bảo đảm đầu tư cho giáo dục giữ vai trò chủ đạo. Tuy nhiên, hiện mức chi này cũng vẫn chưa đủ. Vì vậy, Việt Nam những năm qua cũng tăng cường các chính sách thu hút xã hội hóa đầu tư cho giáo dục. “Tùy theo vùng miền, cấp bậc học mà kết quả đạt với mức độ khác nhau. Ví dụ như ở khu vực miền Đông Nam bộ, xã hội khóa bậc học mầm non có thể lên đến 50%...”, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho hay.
Nhấn mạnh Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn coi trọng đội ngũ nhà giáo, coi đây là nhân tố có vai trò quan trọng quyết định chất lượng giáo dục, đào tạo, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, tại Việt Nam, nghề giáo là một nghề cao quý và được tôn trọng, do vậy nghề giáo cũng có những sức hút nhất định. Tuy nhiên, quan điểm của Việt Nam cho rằng, vẫn cần tiếp tục có những chính sách, đảm bảo điều kiện làm việc tốt hơn cho nhà giáo thì mới có thể thu hút những người giỏi nhất làm công việc này. Vì vậy, Việt Nam đã có nhiều giải pháp, đề án cho việc rà soát, sắp xếp, tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ nhà giáo. Hiện tại, Chính phủ Việt Nam đang chỉ đạo các bộ, ngành đề xuất các giải pháp tổng thể, khả thi, mang tính bền vững nhằm tăng thu nhập cho giáo viên thông qua cải cách tiền lương theo hướng ưu tiên tính chất đặc thù của nghề dạy học; có chính sách hỗ trợ, thu hút học sinh giỏi vào học ngành sư phạm, tập trung rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ để giáo viên được thụ hưởng mức lương tương xứng với công sức của mình.
Về tiếp cận, công bằng và cơ hội trong giáo dục, theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh, thực hiện công bằng trong giáo dục là một phần của nội dung thực hiện công bằng xã hội ở Việt Nam trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và để thực hiện mục tiêu giáo dục nhằm nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Ngân sách nhà nước cố gắng nỗ lực để đầu tư cho vùng núi, vùng sâu vùng xa nhằm giảm dần chênh lệch về điều kiện học tập và chất lượng giáo dục giữa các vùng, miền trên cả nước. Với gia đình nghèo, gia đình khó khăn, Nhà nước có chính sách hỗ trợ về kinh phí như trợ cấp học phí để các em có thể trang bị sách giáo khoa và đồ dùng học tập.
“02 chính sách lớn này nhằm bảo đảm trẻ em được đến trường. Bởi vậy, hiện nay, Việt nam đã đạt phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học và tiến tới phổ cập giáo dục Trung học cơ sở”, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết.
Với bậc học đại học, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, Việt Nam cũng có chính sách cho sinh viên được vay tín dụng để học đại học. Khoản tín dụng này là tín dụng ưu đãi và sinh viên đi học, ra trường có thể trả lại khoản vay tín dụng khi học đại học. Chính sách này giúp cho nhiều sinh viên từ những gia đình khó khăn có điều kiện duy trì học tập ở bậc cao. Tương tự với học sinh học nghề…
Cảm ơn Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh đã dành thời gian tiếp đón Đoàn và có những chia sẻ rất hữu ích, Thượng nghị sĩ Sherwin T. Gatchalian, Đồng chủ tịch EDCOM 2, Chủ tịch Ủy ban Thượng viện về Giáo dục cơ bản cho biết, Ủy ban Cải cách Giáo dục của Quốc hội Philippines lần thứ hai có vai trò xác định những vấn đề trong hệ thống giáo dục và đề pháp giải pháp tương ứng, tìm hiểu những thực tiễn tốt nhất trên thế giới. Theo nghiên cứu của Ủy ban, Việt Nam và Philippines có sự tương đồng về việc đầu tư cho giáo dục, dân số và quy mô nền kinh tế, tuy nhiên, Việt Nam đã có những kết quả cải thiện đáng kể về mặt giáo dục. Bởi vậy, Đoàn mong muốn học hỏi kinh nghiệm của Việt Nam về cải cách giáo dục.
Thượng nghị sĩ Sherwin T. Gatchalian cho rằng, cơ hội hợp tác trong giáo dục - đào tạo giữa hai nước là rất lớn; đồng thời bày tỏ mong muốn trong thời gian tới, hai nước tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động hợp tác trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, qua đó góp phần nâng cao chất lượng giáo dục nói riêng và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của hai nước nói chung. Đồng thời, Thượng nghị sĩ Sherwin T. Gatchalian cũng mong muốn thiết lập mối quan hệ chặt chẽ với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Việt Nam để tiếp tục trao đổi kinh nghiệm thêm giữa hai bên.
Một số hình ảnh tại buổi tiếp và làm việc:
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=85543