Chư Prông: Chú trọng chăm sóc sức khỏe sinh sản-kế hoạch hóa gia đình

Huyện Chư Prông đã đẩy mạnh công tác truyền thông về chiến dịch chăm sóc sức khỏe sinh sản-kế hoạch hóa gia đình (SKSS-KHHGĐ) bằng nhiều hình thức sát với thực tế. Nhờ đó, nhiều phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đã thay đổi nhận thức, hành vi chăm sóc SKSS và thực hiện KHHGĐ, góp phần nâng cao chất lượng dân số.

Bà Phạm Thị Nhàn-Trưởng phòng Dân số (Trung tâm Y tế huyện Chư Prông) cho biết: Hàng năm, chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS-KHHGĐ luôn được chú trọng triển khai ở địa phương. Mục tiêu của chiến dịch là tăng cường các hoạt động tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về chính sách dân số và phát triển. Bên cạnh đó, chiến dịch còn hỗ trợ nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS-KHHGĐ tại 20 xã, thị trấn, nhất là 3 xã đặc biệt khó khăn: Ia O, Ia Púch và Ia Mơr.

“Để chiến dịch đạt hiệu quả, Ban chỉ đạo công tác dân số-KHHGĐ huyện họp bàn phương thức triển khai với Ban chỉ đạo cấp xã, sau đó đẩy mạnh tuyên truyền và triển khai dịch vụ chăm sóc SKSS. Việc tập trung cao điểm chiến dịch là rất cần thiết bởi nhiều phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn tâm lý e ngại”-bà Nhàn thông tin.

Ia O là một trong những xã đầu tiên của huyện tổ chức lễ ra quân thực hiện chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS-KHHGĐ. Bà Đỗ Thị Thanh Nhàn-cán bộ dân số xã-cho hay: Xã tổ chức tuyên truyền đến tất cả các đối tượng trong độ tuổi sinh đẻ và chưa kết hôn ở 5 thôn, làng của xã. Sau khi kế hoạch truyền thông hoàn thành trong tháng 5, vào đầu tháng 6, xã sẽ triển khai cao điểm cung cấp dịch vụ như: đình sản, đặt vòng tránh thai, thuốc uống tránh thai, tiêm tránh thai, cấp phát bao cao su miễn phí đến tất cả các đối tượng. Ngoài đợt cao điểm này, vào thứ hai hàng tuần, Trạm Y tế xã vẫn khám và thực hiện dịch vụ SKSS-KHHGĐ. Sau khi được truyền thông về chăm sóc SKSS-KHHGĐ, chị Siu Phơn (làng La) bày tỏ: “Đầu tháng 6, tôi sẽ đến Trạm Y tế xã để khám. Hơn nữa, tôi đã có 2 con nên sẽ áp dụng một biện pháp tránh thai phù hợp với sức khỏe để xây dựng gia đình hạnh phúc”.

Chị em phụ nữ xã Ia Púch (huyện Chư Prông) đăng ký thực hiện chăm sóc SKSS. Ảnh: Đ.Y

Chị em phụ nữ xã Ia Púch (huyện Chư Prông) đăng ký thực hiện chăm sóc SKSS. Ảnh: Đ.Y

Theo chị Phạm Thị Thu Hồng-cán bộ dân số xã Ia Púch: Hàng năm, Ban chỉ đạo công tác dân số-KHHGĐ xã tổ chức 2 đợt chăm sóc SKSS-KHHGĐ miễn phí cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ vào tháng 5 và tháng 10. Nhờ đó, chị em được điều trị, hướng dẫn để biết cách chăm sóc SKSS tốt hơn. Hơn nữa, trong đợt tập trung cao điểm thực hiện chiến dịch, chị em được tư vấn kiến thức chăm sóc sức khỏe trong quá trình mang thai, phòng tránh mang thai ngoài ý muốn. Nhiều chị em trước đây chưa biết đi khám thai định kỳ thì nay đã chủ động đến cơ sở y tế để thăm khám.

Theo Trưởng phòng Dân số huyện, các hình thức truyền thông về chăm sóc SKSS-KHHGĐ đã góp phần làm thay đổi nhận thức của mỗi cá nhân, gia đình và toàn xã hội đối với vấn đề chăm lo, bảo đảm sức khỏe nói chung và SKSS nói riêng. “Toàn huyện có 23.726 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ nhưng chỉ có 17.220 người thực hiện các biện pháp tránh thai hiện đại. Vì vậy, thời gian tới, chúng tôi tiếp tục thay đổi hình thức truyền thông sao cho phù hợp với điều kiện văn hóa, phong tục của mỗi địa phương; triển khai các mô hình cung cấp dịch vụ thích hợp với từng nhóm đối tượng, đến từng gia đình, giúp chị em trong độ tuổi sinh đẻ dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc SKSS. Mở rộng triển khai các mô hình nâng cao chất lượng dân số, nhất là trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, giảm tỷ lệ tảo hôn, tỷ lệ phụ nữ sinh con thứ 3 trở lên”-bà Nhàn cho biết thêm.

ĐINH YẾN

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/12378/202005/chu-prong-chu-trong-cham-soc-suc-khoe-sinh-san-ke-hoach-hoa-gia-dinh-5683963/