Chủ quán cơm văn phòng chật vật tồn tại vì 'khách giảm ăn ngoài'
Khi dân văn phòng thắt chặt chi tiêu, chủ các quán cơm đang đau đầu tìm cách giữ chân khách hàng.
Bớt ăn ngoài, cơm hộp 'lên ngôi'
Hơn một tháng nay, quán cơm văn phòng của chị Hoa tại một con ngõ ở phường Đống Đa (Hà Nội) hoạt động cầm chừng. Lượng khách hàng quen thuộc, chủ yếu là dân văn phòng, đã giảm mạnh sau khi hai công ty lớn với hàng trăm nhân viên chuyển địa điểm.
Thêm vào đó, xu hướng mang cơm nhà đi làm của dân văn phòng cũng là một yếu tố tác động tiêu cực đến doanh thu của quán. Từ đầu năm đến nay, nhiều người lựa chọn tự chuẩn bị bữa trưa để tiết kiệm chi phí, khiến số lượng khách ăn ngoài giảm đi rõ rệt.
"Mỗi ngày tôi chỉ dám lấy đủ đồ để bán, không dám nhập nhiều vì sợ ế", chị Hoa chia sẻ.
Trong khi doanh thu giảm, gánh nặng chi phí lại gia tăng. Dù giá nguyên liệu liên tục leo thang, chị Hoa vẫn chưa dám tăng giá bán. Mỗi suất cơm giá dao động từ 35.000-50.000 đồng.
Ngoài ra, quán chị Hoa còn phải gánh chịu chi phí thuê mặt bằng không hề giảm. Hiện giá thuê mặt bằng là 13 triệu đồng/tháng, chưa bao gồm các chi phí điện nước phát sinh.

Nhiều quán cơm văn phòng tìm cách xoay sở. Ảnh minh họa: Linh Trang
Do đặc thù phục vụ dân văn phòng, quán cũng phải đóng cửa vào thứ Bảy và Chủ Nhật, điều này khiến hiệu quả kinh doanh không thể so sánh với các quán cà phê hay những loại hình kinh doanh khác có thể hoạt động xuyên suốt.
Khi mới thuê mặt bằng, chị Hoa từng kỳ vọng có thể bán thêm gì đó vào buổi tối để tăng doanh thu. Tuy nhiên, địa điểm nằm trong ngõ và đối tượng khách hàng đặc thù là dân văn phòng nên không thể mở rộng kinh doanh.
Chị đã thử phát tờ rơi, gửi số điện thoại tới từng công ty, văn phòng tại các tòa nhà gần đó, nhưng lượng khách hàng mới không tăng. Ngoài ra, việc bán hàng trực tuyến trên các ứng dụng giao đồ ăn cũng gặp khó khăn do chi phí hoa hồng và chiết khấu cao của các nền tảng, khiến chị không thể cạnh tranh về giá với các đối thủ khác.
Chị Hoa đang cân nhắc mở rộng thực đơn với các món như bún, miến để thu hút thêm khách hàng. Tuy nhiên, nỗi lo không có người ăn và việc phải tuyển thêm nhân viên làm tăng chi phí đầu vào lại khiến chị chùn bước.
"Tôi lo ngại nếu tăng giá, khách hàng sẽ càng không còn muốn ăn nữa,” chị Hoa cho biết. Đây là một quyết định khó khăn, bởi việc giữ giá đồng nghĩa với việc lợi nhuận bị bào mòn đáng kể.
Tuy nhiên, quán cơm văn phòng như của chị Hoa chỉ có thể kìm giá được trong một thời gian ngắn. Nếu tình trạng này tiếp diễn, nguy cơ quán phải đóng cửa sớm.
Sáng bán phở, trưa cơm văn phòng, tối bán bia
Tương tự như chị Hoa, anh Tuấn (phường Hoàng Mai, Hà Nội) cũng gặp khó khăn khi mở quán cơm văn phòng không hiệu quả. "Kinh doanh cơm văn phòng giờ khó lắm," anh Tuấn than thở.
Khách đến ăn giảm mạnh vì ai cũng muốn thắt chặt chi tiêu, ăn ngoài là cái đầu tiên họ cắt giảm. Người lao động giờ phải cân lên đặt xuống rất kỹ trước khi quyết định gọi một suất cơm trưa. Các quán ăn nói chung đều ít khách hơn hẳn so với trước đây, trong khi các chi phí đầu vào đều đã tăng lên đáng kể so với vài tháng trước.
Trước đây, quán cơm của anh Tuấn từng phục vụ khoảng 150 suất ăn trở lên mỗi ngày. Tuy nhiên, sau khoảng thời gian giá cả tăng vọt và người dân thắt chặt chi tiêu, bếp ăn của anh chỉ còn bán được dưới 100 suất mỗi ngày.
Để ứng phó với tình hình này, anh Tuấn cho biết: "Tôi phải cân đo đong đếm từng tí một, thay đổi món ăn mỗi ngày để giữ chân khách. Giờ ai cũng tiết kiệm, mình mà không đa dạng, không hợp túi tiền thì họ đi ngay."
Bên cạnh đó, anh đã linh hoạt thay đổi mô hình kinh doanh để tận dụng tối đa mặt bằng. Theo đó, quán của anh Tuấn đã biến hóa thành một "địa điểm đa năng": sáng bán phở, trưa phục vụ cơm văn phòng, chiều tối chuyển sang bán bia.
Việc đa dạng hóa mặt hàng không chỉ giúp anh Tuấn phục vụ được nhiều đối tượng khách hàng khác nhau ở các khung giờ khác nhau mà còn tối ưu hóa doanh thu trên cùng một mặt bằng. Lượng khách đến quán của anh Tuấn hiện khá đa dạng, từ người ăn sáng, nhân viên văn phòng dùng bữa trưa, cho đến nhóm bạn bè tụ tập giải trí buổi tối.
Anh Tuấn chia sẻ: "Lượng khách ổn định hơn và doanh thu cũng cải thiện đáng kể so với trước đây, dù vẫn còn nhiều thách thức".
Mặc dù vậy, theo anh Tuấn, trong bối cảnh cạnh tranh, việc duy trì chất lượng món ăn, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và thường xuyên thay đổi thực đơn để tạo sự hấp dẫn là yếu tố then chốt để giữ chân khách hàng.
Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/chu-quan-com-van-phong-chat-vat-giu-khach-2419150.html