Chủ quan với giá lạnh, nhiều người nhập viện
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Hànôịmới vào sáng 23-1, tại các bệnh viện trên địa bàn Thủ đô, rét đậm khiến bệnh nhân nhập viện gia tăng. Các bệnh viện cũng đã chủ động tăng cường biện pháp chống rét cho người bệnh, người nhà bệnh nhân.
70-80% méo miệng do không giữ ấm
Trong những ngày giá rét, Khoa Thần kinh (Bệnh viện Đa khoa Đức Giang) tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị liệt dây thần kinh số 7 (hay liệt miệng, méo miệng). Điều đáng nói, không chỉ người già mà nhiều người trẻ cũng nhập viện do chủ quan không giữ ấm cơ thể.
Trao đổi với phóng viên Báo Hànôịmới, bác sĩ Đoàn Văn Phúc, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, Trưởng khoa Thần kinh cho biết: Trung bình mỗi ngày, khoa tiếp nhận 3-5 bệnh nhân bị liệt dây thần kinh số 7, trong đó có cả người già và người trẻ. Có đến 70-80% nguyên nhân gây ra tình trạng này là do chủ quan, không giữ ấm cơ thể khi giá lạnh.
“Nhiều người trẻ vừa tắm xong đã ra ngay khu vực không kín gió. Hay có trường hợp tập thể dục buổi sáng nhưng ăn mặc phong phanh rồi bị nhiễm lạnh… cũng dẫn đến liệt dây thần kinh số 7. Thời tiết như hiện nay, khi ra đường, người dân nên mặc ấm và không nhất thiết ngày nào cũng phải tắm. Khi tắm xong phải lau khô người và mặc ngay quần áo ấm”, bác sĩ Đoàn Văn Phúc lưu ý.
Số bệnh nhân bị đột quỵ, nhồi máu cơ tim, tăng huyết áp… vào cấp cứu tại Bệnh viện Tim Hà Nội cũng tăng hơn bình thường. Bác sĩ Hoàng Văn, Phó Giám đốc bệnh viện lý giải: Vào những ngày trời lạnh, dễ bị hạ thân nhiệt (nhiệt độ cơ thể giảm xuống dưới 35 độ C), khiến tim phải làm việc nhiều hơn để giữ ấm. Điều này làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim ở những người vốn có sẵn yếu tố nguy cơ, chẳng hạn như tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, đái tháo đường, hút thuốc lá…
Thống kê cho thấy, nguy cơ đột quỵ tim tăng thêm 7% khi nhiệt độ giảm đi 10 độ C. Người có tiền sử nhồi máu cơ tim, mắc bệnh tim hoặc trên 65 tuổi dễ bị ảnh hưởng bởi thời tiết lạnh hơn nhóm đối tượng khác.
Bên cạnh đột quỵ, thời tiết lạnh còn dễ khiến các bệnh lý tim mạch trở nặng nếu người bệnh không có chế độ chăm sóc hợp lý. Theo PGS.TS Nguyễn Thị Bạch Yến, Trưởng khoa Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, các nghiên cứu cho thấy, trời lạnh có thể làm tăng nguy cơ suy tim ở người lớn tuổi. Trung bình, tỷ lệ tử vong hoặc nhập viện do suy tim tăng 0,7% khi nhiệt độ giảm 1 độ C.
Để giảm thiểu nguy cơ nhồi máu cơ tim và các bệnh tim mạch mùa lạnh, các bác sĩ khuyến cáo, người dân cần chú ý giữ ấm cho cơ thể, bỏ thuốc lá, hạn chế uống rượu bia, tập thể dục đều đặn, giảm áp lực, căng thẳng kéo dài, duy trì chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, lành mạnh, tránh thừa cân - béo phì… Đối với những người có bệnh lý nền, cần tuân theo phác đồ điều trị kết hợp tái khám định kỳ.
Tăng cường chống rét tại bệnh viện
Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, rét đậm tăng cường như hiện nay, các bệnh viện cũng đã triển khai nhiều biện pháp phòng, chống rét cho người bệnh và người nhà bệnh nhân.
Bệnh viện Đa khoa Hà Đông đã giám sát chặt chẽ công tác phòng chống rét, chủ động trang bị các thiết bị thiết yếu cho bệnh nhân và người nhà người bệnh đến khám, điều trị. Đặc biệt, ở các khoa đặc thù như: Khoa Nhi, Sản hay Nội tim mạch - lão học, nhiều bệnh nhân cao tuổi, mắc bệnh tim mạch thì công tác phòng, chống rét càng được chú trọng.
Theo lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, một số khoa tại bệnh viện đã trang bị điều hòa 2 chiều và quạt sưởi. Bệnh viện cũng bố trí đầy đủ số thuốc cấp cứu, giường bệnh, phương tiện cấp cứu để kịp thời xử lý các trường hợp mắc các bệnh đột ngột do cảm lạnh, viêm đường hô hấp cấp...
Tương tự, tại Viện Huyết học - truyền máu trung ương, trong những ngày Hà Nội rét tê tái 8 đến 9 độ C, người bệnh vẫn cảm thấy ấm áp, vì 100% buồng bệnh nơi đây được trang bị điều hòa nhiệt độ hai chiều, nước nóng và chăn ấm. Còn tại các bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba, Đa khoa Đức Giang, Đa khoa Đông Anh…, việc phòng, chống rét cho người bệnh trong quá trình khám, chữa bệnh tại bệnh viện như: Nơi xếp hàng chờ khám, khoa khám bệnh, chẩn đoán hình ảnh, buồng bệnh… đều bảo đảm kín gió, có đủ chăn đệm, phương tiện giữ nhiệt phù hợp.
Thực hiện các biện pháp bảo vệ sức khỏe người dân khi rét đậm, rét hại
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương vừa có văn bản gửi các địa phương về việc thực hiện các biện pháp bảo vệ sức khỏe người dân trước ảnh hưởng của rét đậm, rét hại. Bộ Y tế đề nghị, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chịu ảnh hưởng bởi đợt rét đậm, rét hại chỉ đạo các sở, ngành liên quan theo dõi chặt chẽ tình hình và kịp thời thông tin để người dân biết, chủ động thực hiện các biện pháp dự phòng.
Sở Y tế và các đơn vị liên quan phổ biến kiến thức, hướng dẫn, khuyến cáo cộng đồng thực hiện các biện pháp dự phòng, phòng, chống rét hiệu quả, bảo đảm an toàn sức khỏe; cảnh báo để người dân biết và phòng tránh các tai nạn do sưởi như bỏng và đặc biệt phòng, chống ngộ độc khí CO do sưởi ấm bằng than, củi trong không gian kín.
Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/chu-quan-voi-gia-lanh-nhieu-nguoi-nhap-vien-656615.html