Chủ quyền công nghệ và nền kinh tế độc lập, tự chủ nhìn từ nước Nga
TRẦN VĂN - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hôịVào tháng 5.2022, tới thăm và dự tọa đàm chính sách tại Đại học Harvard, Mỹ, khẳng định chủ trương nhất quán là kiên định đường lối đổi mới, mở cửa, chủ động và tích cực hội nhập sâu rộng, thực chất, hiệu quả với bên ngoài, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chia sẻ rằng trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, hầu hết các quốc gia có xu hướng xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ để giảm thiểu tác động trước những cú sốc từ bên ngoài.
Thủ tướng Chính phủ cho rằng, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ chính là xây dựng nền kinh tế có cơ cấu hợp lý, hiệu quả, bền vững, nền kinh tế có sức chống chịu và khả năng cạnh tranh cao, thích ứng linh hoạt và hiệu quả với những biến động tình hình quốc tế, khu vực và trong nước, đồng thời chú trọng đến bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội. Diễn đàn kinh tế Việt Nam lần thứ 4 do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh ngày 5.6 với chủ đề “Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập kinh tế sâu rộng trong tình hình mới” đã tiếp tục khẳng định chủ trương đúng đắn, nhất quán, xuyên suốt và hiệu quả đó của Đảng.
Ít ngày sau, 17.6, tại Diễn đàn kinh tế quốc tế St. Petersburg lần thứ 25 (SPIEF-2022), với chủ đề "Thế giới mới - Cơ hội mới", trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine đang diễn ra và nước Nga phải chịu nhiều lệnh trừng phạt và cấm vận kinh tế chưa có tiền lệ của phương Tây, nhất là đối với các sản phẩm công nghệ cao, như máy tính, chip, bán dẫn, phần mềm, cảm biến, laser, viễn thông, thiết bị hàng không và hàng hải…, Tổng thống CHLB Nga V. Putin đã đề cập đến yêu cầu bảo đảm chủ quyền công nghệ trong bài phát biểu của mình.
“Lách” qua các lệnh cấm vận
Ngay sau khi các gói trừng phạt kinh tế được áp đặt, đầu tiên là nhằm vào khu vực tài chính ngân hàng, rồi tới lĩnh vực công nghệ cao, năng lượng, nước Nga đã chật vật đối phó bằng mọi cách để thích ứng và tiếp tục phát triển. Nga đang cơ cấu lại thị trường dầu khí hướng tới khu vực châu Á - Thái Bình Dương với việc đẩy nhanh tiến độ nâng cấp, xây dựng mới hạ tầng vận tải, trung chuyển dầu khí tới khu vực này. Theo offshoretechnology.com, tháng 12.2019, tuyến đường ống dẫn khí đốt tuyến số 1 của Power of Siberia từ Iakutia tới vùng Viễn Đông và châu Á dài 2.159km, liên doanh giữa Gazprom và CNPC (Trung Quốc) đã được hoàn thành và đưa vào khai thác, có thể vận chuyển 38 tỷ mét khối khí/năm và tuyến số 2 dài 2.600km đang được đẩy nhanh tiến độ để có thể khai thác thương mại vào năm 2030. Thanh toán thương mại song phương giữa Nga và một số quốc gia như Nga và Trung Quốc đã sử dụng đồng rúp - NDT, giữa Nga và Ấn Độ sử dụng đồng rúp - rupee thay vì đô la Mỹ… Hay theo gazeta.ru, vì bị cấm vận, Nga bắt buộc phải sản xuất máy tính xách tay và máy tính bảng sử dụng bộ vi xử lý của Trung Quốc Zhaoxin KX6640MA với cấu trúc x86 vốn được dùng cho các bộ vi xử lý Intel và AMD do công ty VIA Technologies, Trung Quốc sản xuất với giá bán lần lượt là 730 USD và 599 USD. Một số cơ quan của Liên bang Nga cũng chuyển từ sử dụng phần mềm Windows 10 sang phần mềm nội địa Astra Linux. Cũng vì cấm vận, Tập đoàn công nghiệp Transmash phải phát triển nền tảng “chia sẻ” hệ thống máy công cụ giữa các công ty cơ khí chế tạo thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau hay cùng nhau sửa chữa, bảo trì, bảo dưỡng kỹ thuật của hệ thống máy móc này để duy trì sản xuất…
Tập trung nguồn lực cho đầu tư phát triển
Để thực hiện mục tiêu bảo đảm chủ quyền công nghệ trong vòng 10 - 20 năm tới, CHLB Nga đã lập ra “Quỹ kim cương” hỗ trợ đầu tư phát triển khoảng 40 - 50 lĩnh vực công nghệ cao để bảo đảm an ninh kinh tế, an ninh lương thực, an ninh y tế trong bất kỳ trường hợp nào, kể cả trong trường hợp thảm họa ở quy mô toàn cầu, không thua kém bất kỳ quốc gia công nghệ hàng đầu thế giới nào. Nguồn tài chính từ thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước cũng được tập trung cho mục tiêu này. Bên cạnh đó, các cấp chính quyền đang kiểm kê lại, tìm kiếm những mặt bằng đất đai, nhà xưởng còn để trống hoặc sử dụng chưa hiệu quả thuộc sở hữu công để cấp cho các dự án phát triển các sản phẩm, công nghệ thay thế nhập khẩu hay dành những khoản tài chính nhất định để phát triển các thương hiệu nội địa.
Kinh nghiệm quốc tế trong một thế giới ngày càng bất định với các tranh chấp địa chính trị, địa kinh tế gay gắt có giá trị thực tiễn để chúng ta chủ động xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, một nội dung trong ba nội dung cốt lõi của hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa Việt Nam mà Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã chỉ rõ: “Giữ vững độc lập, tự chủ trong việc xác định chủ trương, đường lối, chiến lược phát triển kinh tế đất nước. Phát triển doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh trở thành nòng cốt của kinh tế đất nước, giữ vững các cân đối lớn, chú trọng bảo đảm an ninh kinh tế, không ngừng tăng cường tiềm lực kinh tế quốc gia”.
Việc xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn bó mật thiết với giữ vững các cân đối lớn đi đôi với bảo đảm an ninh kinh tế, đặt trong mối quan hệ biện chứng, tạo tiền đề và bổ sung lẫn nhau, với nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, đặt ra yêu cầu sớm thể chế hóa các chủ trương quan trọng này của Đảng kể cả trong trước mắt cũng như lâu dài.