Chú rể gãy chân vì một 'hủ tục' trong đám cưới

Bạn bè 'náo hôn' khiến chú rể phải tổ chức đám cưới trong tình huống vô cùng éo le.

Sự việc hy hữu này đã xảy ra trong đám cưới của chú rể họ Tôn, ở Từ Châu, Giang Tô, Trung Quốc.

Theo đó, vào đêm hôm trước khi rước dâu thì chú rể đã bị bạn bè đùa quá, trong đó một người bạn nặng gần 100kg đã đè lên chân của anh Tôn. Điều này khiến anh Tôn bị gãy chân, buộc phải băng bó ngay trong đêm.

Hình ảnh chú rể phải rước dâu với bên chân bị băng bó do gãy trong ngày cưới chỉ vì trò đùa ác của bạn bè.

Hình ảnh chú rể phải rước dâu với bên chân bị băng bó do gãy trong ngày cưới chỉ vì trò đùa ác của bạn bè.

Sau khi thông tin về vụ việc chú rể bị gãy chân được đăng tải, rất nhanh đã nhận được sự chú ý của dư luận.

Đa số mọi người đều cho rằng nên bỏ hẳn tục "náo hôn" hoặc phải quy định rõ ràng về mức độ, nghiêm cấm những trò thô tục, bạo lực, không để những biến tướng tiếp tục xảy ra, tạo ra hậu quả đáng tiếc. Cũng có người chỉ trích bạn bè của chú rể là bạn xấu, bạn bè như vậy nên bớt liên lạc.

Dẹp bỏ hủ tục

Được biết, "náo hôn" (naohun) là tục lệ xuất hiện từ thời nhà Hán và tồn tại ở Trung Quốc hàng nghìn năm nay. Theo tục này, những khách bên nhà trai sẽ khuấy động hôn lễ bằng cách trêu chọc cô dâu, chú rể và cả các phù dâu.

Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại, tục náo hôn bị biến tướng và không còn phù hợp, gây nên nỗi ám ảnh cho không ít cô dâu trong ngày đám cưới, theo What's On Weibo.

Năm 2016, bức ảnh cô dâu, chú rể bị trói lên cây trong một đám cưới ở Hồ Bắc từng gây nên cuộc tranh luận gay gắt về việc xóa bỏ hủ tục náo hôn.

Cô dâu chú rể bị trói trên cây, ảnh chụp tại một đám cưới ở Hồ Bắc đầu năm 2016.

Cô dâu chú rể bị trói trên cây, ảnh chụp tại một đám cưới ở Hồ Bắc đầu năm 2016.

Theo một cuộc khảo sát của Xinlang Entertainment, hơn 78% cư dân mạng Trung Quốc cho rằng trêu chọc cô dâu trong đám cưới là không tôn trọng phụ nữ.

Theo CCTV, tục náo hôn không còn phù hợp và có 70% người dân Trung Quốc thấy xấu hổ với tục lệ này. Không ít người thậm chí còn phải chạy trốn trong đêm tân hôn. Có những chú rể bị bạn bè mình lột đồ diễu phố, ném đồ ăn vào người, nhiều cô dâu bị sờ soạng, ôm ấp, xé váy áo đến mức phải khóc gào kêu cứu.

Jiang Yuxiang, giáo sư tại Đại học Tứ Xuyên, nói rằng trò chơi trong hôn lễ như trên không phải phong tục truyền thống. "Nếu có ai đó nói rằng nó là phong tục truyền thống thì cũng là một phong tục thô tục, cần phải dừng lại".

Hu Guangwei, giáo sư tại Học viện Khoa học Xã hội Tứ Xuyên, cho rằng những trò "náo hôn" là thiếu văn minh, "là sự xúc phạm đối với cô dâu, chú rể".

"Một số cô dâu, chú rể có thể tỏ ra vui vẻ trong một số trường hợp, nhưng có thể bản thân họ bị ép buộc bởi đám đông. Nếu trò đùa này gây thương tích, người tham gia có thể bị buộc tội", Hu nói.

Cô dâu nổi điên, chống trả quyết liệt khi bị họ hàng nhà trai sàm sỡ. Ảnh cắt từ clip quay cảnh náo động phòng được tung lên mạng Weibo tháng 7/2021

Cô dâu nổi điên, chống trả quyết liệt khi bị họ hàng nhà trai sàm sỡ. Ảnh cắt từ clip quay cảnh náo động phòng được tung lên mạng Weibo tháng 7/2021

Tháng 4/2021, Bộ Nội vụ Trung Quốc đã chỉ định 15 khu vực thí điểm để cải cách tục lệ hôn nhân ở nước này, bao gồm quận Vũ Hầu của Thành Đô.

Quy định yêu cầu tập trung vào cải cách hủ tục kết hôn, tích cực tu dưỡng và thực hành các giá trị cốt lõi, ủng hộ việc hình thành một định hướng giá trị hôn nhân và gia đình đúng đắn trong toàn xã hội.

Một số địa phương cũng ban hành quy định cụ thể nhằm dẹp bỏ hành vi thiếu văn hóa trong đám cưới như cưỡng hôn, ôm hay lăng mạ cô dâu, chú rể.

Ngày 17/3/2021, Văn phòng Ủy ban Xây dựng Văn minh Tinh thần, Liên đoàn Phụ nữ thành phố Zouping, Cục Công an thành phố và Cục Nội vụ Châu Bình (Sơn Đông) đã phối hợp ban hành tuyên bố nhằm ngăn chặn tục náo hôn.

Các hành vi bị cấm bao gồm: Ép cô dâu và chú rể cởi quần áo; bắt chú rể cùng đoàn nhà trai mặc các trang phục chứa ký hiệu không đứng đắn; cưỡng hôn, ôm, lăng mạ, quấy rối cô dâu và các phù dâu bằng những hình thức khác nhau; bôi bẩn lễ vật và cô dâu, chú rể; quấy rối hôn lễ.

Quy định này của Châu Bình được dư luận ủng hộ nhiệt liệt, cư dân mạng hy vọng sẽ có nhiều địa phương khác đưa ra lệnh cấm tương tự.

Nhận biết một số bệnh lý từ sự thay đổi màu sắc nước tiểu

Thư Di (t/h)

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/chu-re-gay-chan-vi-mot-hu-tuc-trong-dam-cuoi-172230612151440357.htm