Chư Sê đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi

Mặc dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 cũng như dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi nhưng ngành Nông nghiệp huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) đã hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2021.

Giá trị sản xuất vượt kế hoạch

Theo ông Nguyễn Văn Hợp-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Sê, năm 2021, huyện đã triển khai quyết liệt các giải pháp cấp bách để ngăn chặn, đẩy lùi bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò; xây dựng các kịch bản, kế hoạch phát triển trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp… Nhờ đó, tổng giá trị sản xuất nông-lâm nghiệp và thủy sản năm 2021 (theo giá so sánh 2010) ước đạt gần 4.163 tỷ đồng, tăng 7,59% so với năm 2020 và đạt 101,62% kế hoạch. Trong đó, giá trị sản xuất ngành trồng trọt hơn 2.765 tỷ đồng; chăn nuôi hơn 754 tỷ đồng; dịch vụ nông nghiệp gần 576 tỷ đồng; lâm nghiệp là 16 tỷ đồng và thủy sản hơn 52 tỷ đồng.

Nhiều diện tích lúa thường xuyên bị hạn đã được người dân chuyển sang trồng bắp sinh khối mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Quang Tấn

Nhiều diện tích lúa thường xuyên bị hạn đã được người dân chuyển sang trồng bắp sinh khối mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Quang Tấn

Công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng được đặc biệt chú trọng triển khai và đạt nhiều kết quả khả quan. Điển hình như việc đưa giống lúa Đài Thơm 8 vào gieo trồng trong vụ Đông Xuân 2020-2021 để khai thác hiệu quả nguồn nước từ công trình thủy lợi Plei Keo với diện tích 94,51 ha; năng suất đạt khoảng 6,5 tạ/sào, góp phần giúp người dân xã Ayun phát triển lúa nước 2 vụ để ổn định an ninh lương thực. Hay 89 hộ dân thuộc 3 xã: Bờ Ngoong, Bar Măih, Al Bá đã chuyển đổi 19 ha đất trồng lúa thường xuyên bị hạn sang trồng bắp sinh khối liên kết theo chuỗi giá trị mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ông Puih Tiên (làng Amo, xã Bờ Ngoong) cho biết: “Vụ Đông Xuân năm nào 3 sào lúa của gia đình cũng bị thiếu nước vào cuối vụ, gây thiệt hại, thậm chí mất trắng. Nhờ sự tuyên truyền, vận động của cán bộ xã, tôi quyết định chuyển sang trồng bắp sinh khối. Được hỗ trợ về giống, phân bón và kỹ thuật nên cây bắp phát triển rất tốt, đạt năng suất cao. Sau khi trừ chi phí đầu tư, gia đình tôi lãi hơn 7 triệu đồng”.

Lĩnh vực chăn nuôi tiếp tục có bước phát triển. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 71 cơ sở chăn nuôi theo hình thức trang trại. Trong năm 2021, có 8 dự án đang xin chủ trương đầu tư. Bên cạnh đó, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) được huyện quan tâm thực hiện. Đến nay, huyện đã có 12 xã đạt chuẩn NTM. Trong năm, huyện cũng đã hỗ trợ, hướng dẫn các chủ thể hoàn thiện 3 sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh.

Đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp

Năm 2022, huyện Chư Sê phấn đấu đưa tổng giá trị sản xuất nông-lâm nghiệp và thủy sản lên 4.294,52 tỷ đồng (theo giá so sánh 2010), tăng 131,04 tỷ đồng so với năm 2021. Để đạt được mục tiêu đề ra, theo Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện: Thời gian tới, huyện tập trung triển khai và nhân rộng các mô hình khuyến nông, hỗ trợ phát triển sản xuất có hiệu quả cao. Cùng với đó, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện các đề án khoa học công nghệ; tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; đồng thời, đẩy mạnh xây dựng, hình thành chuỗi liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ.

Thời gian tới, huyện Chư Sê tiếp tục hỗ trợ, hướng dẫn người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng để phát triển kinh tế. Ảnh: Quang Tấn

Thời gian tới, huyện Chư Sê tiếp tục hỗ trợ, hướng dẫn người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng để phát triển kinh tế. Ảnh: Quang Tấn

“Đặc biệt, huyện sẽ hỗ trợ, hướng dẫn người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng hàng hóa. Trong đó, chú trọng đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên diện tích đất trồng lúa, mía, cao su kém hiệu quả sang trồng rau, cây ăn quả, cây dược liệu để đảm bảo nguồn nguyên liệu cung ứng cho các nhà máy, cơ sở thu mua chế biến trên địa bàn. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng-chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm; khuyến khích phát triển chăn nuôi tập trung theo hướng trang trại, gia trại”-ông Nguyễn Văn Hợp nhấn mạnh.

Cùng với đó, huyện tiếp tục lồng ghép có hiệu quả các nguồn vốn để đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM. Huyện phấn đấu đến năm 2022 có thêm 1 xã đạt chuẩn NTM. Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp huyện sẽ chủ động phổ biến, hướng dẫn các chủ thể xây dựng, hoàn thiện sản phẩm tham gia có hiệu quả Chương trình OCOP. Đồng thời, phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện và các ban quản lý rừng phòng hộ triển khai thực hiện tốt công tác trồng rừng thay thế, tập trung và trồng cây phân tán; tăng cường kiểm tra hoạt động chế biến gỗ, phát hiện và xử lý kịp thời những vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp; thực hiện tốt công tác quản lý bảo vệ rừng và chống cháy rừng mùa khô.

QUANG TẤN

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/8208/202112/chu-se-day-manh-chuyen-dich-co-cau-cay-trong-vat-nuoi-5759144/