Chủ shop đồ tập pickleball: 'Tôi không bán trang phục hở hang'

Các hãng trang thiết bị thể thao được hưởng lợi từ 'làn sóng' pickleball. Phần lớn tập trung vào đồ tập chất liệu thoải mái, thiết kế ấn tượng, thay vì chú trọng kiểu dáng gợi cảm.

 Các thương hiệu thời trang thể thao tấn công thị trường pickleball. Ảnh: NVCC.

Các thương hiệu thời trang thể thao tấn công thị trường pickleball. Ảnh: NVCC.

Ebuchi Shinya (TP.HCM), giám đốc đại diện một công ty Nhật Bản chuyên sản xuất các sản phẩm ngăn ngừa chấn thương và tăng cường hiệu suất thể thao tại Việt Nam, cho biết doanh thu công ty tăng gấp 4 lần so với năm ngoái, sau khi pickleball du nhập và trở nên phổ biến.

Các sản phẩm của công ty có giá cao hơn so với mặt bằng chung trên thị trường, chẳng hạn một cặp đai bó gối cao cấp có giá hơn 4 triệu đồng. Song, người chơi vẫn sẵn sàng chi trả.

“Nhiều tay vợt pickleball chi tới 10 triệu đồng để mua phụ kiện bảo vệ, tránh chấn thương”, ông Shinya chia sẻ với Tri Thức - Znews.

Trong khi nam giới thường quan tâm đến các sản phẩm cho bóng đá, tennis, cầu lông, thì nữ giới lại là nhóm khách hàng chính mua phụ kiện bảo vệ khi chơi pickleball tại công ty do ông Shinya đại diện.

 Các thương hiệu kinh doanh trang thiết bị luyện tập pickleball ra đời, hưởng lợi từ môn thể thao mới nổi. Ảnh: NVCC.

Các thương hiệu kinh doanh trang thiết bị luyện tập pickleball ra đời, hưởng lợi từ môn thể thao mới nổi. Ảnh: NVCC.

Theo báo cáo Tổng quan nhóm sản phẩm pickleball từ ngày 8/6-5/9 của công ty nghiên cứu thị trường Metric, chỉ trong quý III, thị trường pickleball ở Việt Nam ghi nhận tổng doanh thu 22,7 tỷ đồng ở 5 sàn TMĐT, tăng gần 150% so với quý trước.

Tương tự, báo cáo Xu hướng thảo luận của người dùng về các môn thể thao hot nhất MXH 2024 của YouNet Media cũng cho thấy sự quan tâm đặc biệt của công chúng với trang thiết bị chơi pickleball. 52,78% cuộc trò chuyện liên quan đến bộ môn này nhắc về quần áo, giày và vợt.

Khi pickleball trở nên thịnh hành tại Việt Nam từ tháng 4, nhiều thương hiệu trang phục, bóng, vợt tập luyện bộ môn này bắt đầu được thành lập, đón “sóng” kinh doanh. Cùng với đó, các nhãn hàng kinh doanh trang thiết bị thể thao nói chung cũng hưởng lợi từ môn thể thao “gây sốt”.

Đón sóng, ‘hốt bạc’ từ pickleball

Ly Nguyễn (Hà Nội), chủ shop thời trang thể thao tại quận Đống Đa, cho biết lượng khách mua sắm trang phục tập pickleball tại cửa hàng bắt đầu gia tăng từ 6 tháng trước. Sự đông đúc này kéo theo doanh thu tăng lên 50% so với trước đó.

Cô nhận định rằng trào lưu check-in trên mạng xã hội đã góp phần đáng kể vào sự tăng trưởng này.

“Mùa hè, các tay vợt nữ rộn ràng ra sân, giúp trang phục chơi pickleball ‘lên ngôi’”, Ly Nguyễn chia sẻ.

Theo cô, khách hàng hiện nay không quan tâm nhiều đến hoa văn, mà ưu tiên chất liệu, sự thoải mái và kiểu dáng. Kiểu dáng phổ biến của trang phục chơi pickleball cho nữ là váy liền hoặc chân váy, đa số đều có quần bảo hộ bên trong để người chơi thoải mái tập luyện và di chuyển.

Bên cạnh đó, chủ shop cũng cho biết cửa hàng của cô tập trung vào những kiểu dáng tinh tế, nhã nhặn và đơn sắc, thay vì các thiết kế gợi cảm, khiến người chơi bị hiểu lầm mục đích ra sân.

"Tôi không bán trang phục tập luyện cắt xẻ hở hang", cô chia sẻ.

 Thương hiệu thời trang thể thao của Ly Nguyễn gia tăng doanh thu nhờ pickleball. Ảnh: NVCC.

Thương hiệu thời trang thể thao của Ly Nguyễn gia tăng doanh thu nhờ pickleball. Ảnh: NVCC.

Đức Trung (Hà Nội) sáng lập thương hiệu trang thiết bị luyện tập Maisse từ tháng 4 năm nay. Đây cũng là thời điểm bộ môn pickleball nở rộ tại Việt Nam.

Theo quan sát và ghi nhận của Đức Trung, phần lớn người chơi pickleball hiện nay đều tập trung ở các đô thị lớn, có thu nhập tốt, sẵn sàng chi trả 5-7 triệu đồng cho thiết bị luyện tập và nhiều tiền hơn nữa cho trang phục ra sân.

Đây cũng là nhóm khách hàng mục tiêu mà thương hiệu của Đức Trung nhắm đến. Người tiêu dùng tiềm năng của anh là những tay vợt nghiệp dư, không chỉ muốn chơi bóng tốt, mà còn yêu thích việc thể hiện cá tính, phong cách cá nhân thông qua bóng, vợt, phụ kiện và quần áo.

Họ là những đối tượng sẵn sàng mua sắm, có khả năng chi trả khoảng 2,6 triệu đồng cho một chiếc vợt của thương hiệu do anh sáng lập. Chủ hãng trang thiết bị pickleball này cho rằng mức giá trên phù hợp với ngân sách của phần lớn người tiêu dùng Việt Nam.

Trong tương lai, khi pickleball trở nên phổ biến hơn, tiếp cận các nhóm người chơi khác như học sinh, sinh viên, trẻ em, người lớn tuổi, nhiều dòng sản phẩm ở phân khúc giá khác sẽ xuất hiện.

Theo đánh giá của Đức Trung, pickleball là bộ môn dễ tiếp cận, có tính đại chúng, phù hợp với tình trạng thể lực của người Việt, vì vậy có khả năng tồn tại lâu dài, đặc biệt trong bối cảnh nhiều người quan tâm đến sức khỏe, rèn luyện thể chất hơn sau Covi-19.

“Tôi chưa thấy môn thể thao nào hội tụ đủ yếu tố thành công ở Việt Nam như pickleball. Đây dễ dàng trở thành môn thể thao ‘quốc dân’”, chủ shop cho biết.

Do đó, dù thị trường trang thiết bị pickleball đang “sốt”, song vẫn chỉ ở giai đoạn đầu của hành trình phát triển. Số lượng người chơi mới vẫn gia tăng đều, tạo dư địa cho các đơn vị kinh doanh.

Chông gai của các thương hiệu

Dù nhanh chóng bắt “sóng” pickleball, Đức Trung cũng phải đối mặt với một số thách thức khi kinh doanh trang thiết bị luyện tập bộ môn mới nổi này. Một trong những khó khăn lớn nhất của nhãn hàng trong nước là tâm lý sính ngoại của người tiêu dùng Việt.

Nhiều sản phẩm nội địa chứng minh được chất lượng tốt, sở hữu giá thành phải chăng, nhưng vẫn khó cạnh tranh với hàng ngoại.

 Tâm lý sính ngoại của người Việt là trở ngại đối với các thương hiệu pickleball nội địa. Ảnh: NVCC.

Tâm lý sính ngoại của người Việt là trở ngại đối với các thương hiệu pickleball nội địa. Ảnh: NVCC.

Đức Trung cho biết pickleball là môn thể thao mới du nhập, trên đà phát triển, vì vậy đánh giá của người chơi, huấn luyện viên về trang phục, thiết bị luyện tập vẫn tương đối cảm tính, không dựa trên phân tích thực tế.

Định kiến “vợt đắt tiền của thương hiệu nước ngoài thì tốt hơn” trở nên phổ biến trong cộng đồng người chơi Việt. Để thay đổi quan điểm của các tay vợt, thương hiệu trong nước cần xây dựng chiến lược truyền thông, giáo dục khách hàng hiệu quả.

Ngoài ra, Đức Trung cũng nhận định rằng trong khi thị trường pickleball bùng nổ, ngành hàng tennis, golf đã đạt độ “chín”, duy trì ở mức ổn định.

“Câu hỏi liệu doanh thu từ trang thiết bị pickleball có thể sánh ngang với golf hay tennis không chỉ có thể để thời gian trả lời”, Trung nói.

Trong khi đó, công ty của Ebuchi Shinya gặp khó khăn khi định giá cao trong thị trường cạnh tranh. Mặc dù sản phẩm đến từ Nhật Bản có chất lượng cao, thị trường vẫn có nhiều mặt hàng sở hữu chất lượng gần bằng với giá thành thấp hơn đáng kể.

“Chúng tôi tin rằng chất lượng và sự an toàn của sản phẩm là yếu tố thuyết phục khách hàng lựa chọn chúng tôi, dù giá thành có cao hơn”, ông Shinya khẳng định.

Hiện tại, công ty hợp tác với nhiều KOL để tiếp cận khách hàng trẻ, nữ giới, nhằm khẳng định giá trị thương hiệu và tăng khả năng cạnh tranh.

Linh Vũ - Như Phương

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/chu-shop-do-tap-pickleball-toi-khong-ban-trang-phuc-ho-hang-phan-cam-post1504541.html