Chủ tịch Agribank: Cam kết cùng hệ thống ngân hàng tích cực hỗ trợ phát triển nền kinh tế
Đó là một trong những chia sẻ của ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch HĐTV Agribank tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024 tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái chủ trì sáng 14/3.
Ông Ấn cho biết, trên tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, Agribank triển khai giảm lãi suất cho vay, tổ chức hội nghị quán triệt trực tiếp và triển khai các cơ chế ưu tiên nội bộ và điều hành rất quyết liệt nhằm khuyến khích, tạo động lực cho các chi nhánh trong toàn hệ thống Agribank tăng trưởng tín dụng ngày từ những ngày đầu, tháng đầu của năm. Chênh lệch thu chi của Agribank sau gần 3 tháng đầu năm 2024 giảm 2.000 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2023.
Ông Ấn thông tin, hiện nay Agribank đang tích cực triển khai các chương trình hỗ trợ của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước. Trong đó, Chương trình cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị quyết 33 của Chính phủ, tính đến 29/02/2024, Agribank đã phê duyệt 8 dự án nhà ở xã hội và 6 khách hàng cá nhân mua nhà tại 1 dự án ở tỉnh Kiên Giang với tổng số tiền phê duyệt là 2.470 tỷ đồng, dư nợ là 420 tỷ đồng.
Ngoài ra, năm 2023, Agribank đã giải ngân vượt quy mô chương trình tín dụng ưu đãi lãi suất đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản 3.000 tỷ đồng và năm 2024, để hỗ trợ cho các khách hàng thuộc các lĩnh vực này, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Agribank tiếp tục kéo dài chương trình với quy mô tăng thêm 5.000 tỷ đồng.
Cũng theo ông Ấn, Agribank cũng đang tích cực phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Ngân hàng Nhà nước để thực hiện chương trình 1 triệu ha lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Về mức giảm tín dụng trong 2 tháng đầu năm 2024 của Agribank cao hơn mức bình quân của toàn hệ thống ngân hàng, theo ông Ấn là do đặc thù, tính chất mùa vụ trong nông nghiệp. Khách hàng đến vụ thu hoạch bán sản phẩm trả nợ ngân hàng, vay bán hàng phục vụ cho dịp Tết Nguyên đán có tiền bán hàng trả nợ, thậm chí gửi tiền vào ngân hàng và chưa vào vụ gieo trồng nên chưa có nhu cầu về giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nên chưa có nhu cầu vay vốn.
“Ngoài ra, với sức cầu yếu cả trong và ngoài nước, người dân thận trọng, thắt chặt chi tiêu, ảnh hướng đến sản xuất và tiêu thụ hàng hóa, từ đó tín dụng cũng không tăng trưởng được”, ông Ấn nói và cho rằng, đây là vấn đề kinh tế mang tính khách quan về quan hệ cung cầu.
Trong báo cáo, Ngân hàng Nhà nước có đề cập tới một trong những nguyên nhân chủ quan khiến tín dụng tăng chậm trong 2 tháng đầu năm là cơ chế tài sản bảo đảm còn thiếu linh hoạt, chủ yếu dựa vào tài sản thế chấp. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp cũng phản ánh việc các doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ không thể tiếp cận được tín dụng.
Về các nguyên nhân này, theo ông Ấn, đây là vấn đề rất lớn, các ngân hàng thương mại vẫn e sợ khi không có được sự bảo đảm nào từ cơ quan bảo vệ pháp luật nếu không thu được nợ mà lại thiếu tài sản bảo đảm, hay giải ngân cho doanh nghiệp đang lỗ.
"Hoạt động của các ngân hàng thương mại cũng đã trải nghiệm trên thực tế nên có tâm lý 'cho vay có thiếu sót nhưng thu hồi được nợ còn hơn cho vay đúng mà không thu hồi đủ nợ'”, ông Ấn nói.
Ông Ấn cho biết, một thực tế đang diễn ra hiện nay là giữa các ngân hàng thương mại đang cạnh tranh rất quyết liệt, giảm lãi suất cho vay rất thấp đối với các khoản vay mới, thậm chí thấp hơn cả lãi suất huy động để thu hút khách hàng tốt và không loại trừ cho vay để trả nợ ngân hàng khác, vì vậy, khả năng doanh nghiệp đang chuyển dịch từ vay ngân hàng này sang ngân hàng khác, hoặc đảo nợ cũ thành nợ mới có lãi suất thấp hơn. Điều này cũng lý giải cho việc, mặc dù doanh số cho vay tăng nhưng dư nợ vẫn giảm.
Ông Ấn nhận định, mặc dầu kết quả kinh tế vĩ mô 2 tháng vừa qua có nhiều điểm sáng, nhưng với tình hình thế giới diễn biến phức tạp nhiều mặt và khó đoán định như hiện nay, trong những tháng tới khó khăn trong xuất khẩu vẫn chưa thể cải thiện nhiều. Vì vậy, động lực cho tăng trưởng căn bản vẫn là giải quyết những vấn đề từ bên trong mà qua các cuộc họp của Thủ tướng, các Phó Thủ tướng và các bộ ngành cũng đã được nhận diện. Đó là vấn đề đầu tư công và chính sách tài khóa, từ đó tạo động lực cho sản xuất kinh doanh. Đồng thời, qua đó kỳ vọng về thu nhập của người dân tăng lên cũng sẽ làm giảm tâm lý phòng thủ, kích thích tiêu dùng, từ đó nhu cầu tín dụng mới tăng lên...
“Tuy nhiên, để xử lý triệt để thì cần có những cuộc khảo sát trực tiếp những vướng mắc điển hình để xử lý, từ đó đưa ra được những giải pháp chung nhằm giải quyết nhanh các bất cập, làm tăng cơ hội giải ngân của hệ thống ngân hàng”, ông Ấn nói.
Ngoài ra, ông Ấn cho rằng, Nhà nước cần sớm có chính sách hỗ trợ, khuyến khích đầu tư phát triển sản xuất đáp ứng yêu cầu cạnh tranh và tiêu chuẩn môi trường ngày càng nghiêm ngặt của các nước nhập khẩu hàng hóa. Agribank sẽ đồng hành, có chính sách tín dụng ưu đãi cho các doanh nghiệp để chuyển đổi xanh thành công.
“Về phía Agribank, là một ngân hàng thương mại nhà nước 100% vốn xin cam kết với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ cùng với hệ thống ngân hàng, đặc biệt là ngân hàng thương mại nhà nước tiên phong, gương mẫu thực thi chính sách, chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, tích cực hỗ trợ, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế”, ông Ấn nhấn mạnh.