Chủ tịch ASEAN 2020: Dành thêm thời gian cho COC, nỗ lực ký RCEP

Trả lời phóng viên tại buổi họp báo quốc tế về Năm Chủ tịch ASEAN 2020, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia ASEAN 2020 nhấn mạnh nỗ lực của Việt Nam đối với Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) và về Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).

Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng trả lời phóng viên tại buổi họp báo. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Thực hiện tốt vai trò “kép”

Theo Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng, việc đảm nhiệm vai trò “kép”, bao gồm Chủ tịch ASEAN 2020 và thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021 đương nhiên sẽ khiến ASEAN vất vả hơn với khối lượng công việc lớn hơn nhưng hai vai trò này có sự bổ trợ cho nhau rất tốt. Theo Thứ trưởng, đây là cơ hội rất đáng quý đối với Việt Nam.

Theo Thứ trưởng, là Chủ tịch ASEAN, với tư cách đại diện cho khu vực ASEAN tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và các cơ quan liên quan, Việt Nam sẽ làm cầu nối của Liên hợp quốc với ASEAN để thực hiện, triển khai các chương trình, kế hoạch của ASEAN đồng bộ với những mục tiêu của Liên hợp quốc.

Với 2 tư cách trên, vai trò, vị thế và tiếng nói của Việt Nam có trọng lượng, được nhiều nước quan tâm hơn. Song với Việt Nam, thách thức cũng lớn vì Việt Nam cần quan tâm tới lợi ích, lập trường, quan điểm đa dạng của nhiều nhóm nước cũng như cần bảo vệ lợi ích của ASEAN.

Thứ trưởng nhấn mạnh, Việt Nam chắc chắn sẽ phải phối hợp chặt chẽ với các quốc gia, các nước thành viên ASEAN cũng như với các nước thành viên Hội đồng Bảo an và các nước khác trong Liên hợp quốc để đảm bảo sự cân bằng, quan tâm thích đáng lợi ích của các bên, phù hợp với xu hướng chung của thế giới. Đây là nhiệm vụ rất nặng nề nhưng Việt Nam sẽ cố gắng để hoàn thành tốt.

Nỗ lực hoàn tất vòng đàm phán COC

Về vấn đề Biển Đông, Thứ trưởng nhấn mạnh, vấn đề này được các nước trong khu vực và quốc tế quan tâm. Các nước trong khu vực và quốc tế quan tâm tới Biển Đông với khoảng 5 nội dung: Hòa bình ổn định; Tự do, an toàn đi lại hàng hải, hàng không; Tuân thủ pháp luật, tuân thủ Tuyên bố về ứng xử các bên ở Biển Đông (DOC), xây dựng COC; Tình hình trên thực địa; Tình hình hoạt động của ngư dân, cả về hoạt động đánh cá của ngư dân và công tác bảo hộ cho ngư dân.

Do vậy, trong thời gian tới, nếu xuất hiện vấn đề liên quan tới 5 nội dung nói trên thì vấn đề quan tâm đó sẽ được phản ánh trên bàn hội nghị, có thể tại cả ASEAN và Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Phóng viên đặt câu hỏi tại buổi họp báo. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Trả lời câu hỏi của phóng viên về tiến triển trong đàm phán COC, được bắt đầu từ tháng 3/2018. Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng cho biết, đến nay, ASEAN và Trung Quốc đã kết thúc vòng rà soát thứ nhất. Vừa qua, tại các cuộc họp tại Đà Lạt, COC đã đạt được kết quả tốt, chuẩn bị bước vào vòng đàm phán thứ hai.

“Có thể nói, COC đang là một chương trình nghị sự ưu tiên của ASEAN và Trung Quốc. Hai bên đều xác định muốn đẩy nhanh tiến trình COC nhất có thể. Tuy nhiên, các ưu tiên, lợi ích và sự quan tâm của các bên còn có sự khác biệt, do vậy, cần thêm thời gian để thương lượng. Các bên đều nhận thức được tầm quan trọng của COC. Với tư cách là Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam cũng sẽ đóng góp vào đẩy nhanh tiến trình COC, dành thêm thời gian cho đàm phán cũng như tìm ra cách thức phù hợp để đàm phán một cách hiệu quả hơn, đạt được chất lượng cao hơn trong năm 2020. Hiện nay, Philippines, nước điều phối quan hệ ASEAN – Trung Quốc, chủ trì đàm phán với Trung Quốc về COC. Do đó, Việt Nam sẽ phối hợp chặt chẽ với Philippines để đẩy nhanh tiến trình này trong năm 2020. Chúng tôi hy vọng và sẽ nỗ lực để có thể hoàn tất vòng đàm phán thứ 2 trong năm nay”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Tiến tới ký kết RCEP

Về RCEP, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng cho biết, tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 35 vừa qua ở Bangkok, Thái Lan, 15/16 nước đã đạt được thống nhất và tuyên bố kết thúc đàm phán RCEP. Đây là một kết quả đáng khích lệ. Hội nghị cũng đã dành thêm thời gian cho Ấn Độ để cân nhắc xem có tham gia RCEP hay không. Việt Nam rất mong Ấn Độ xem xét và có quyết định phù hợp với lợi ích chung và với lợi ích của Ấn Độ.

Theo Thứ trưởng, với tư cách là Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam sẽ làm tất cả những gì có thể để thúc đẩy các bên hoàn tất RCEP, tiến hành các công việc tiếp theo như rà soát pháp lý, các vấn đề kỹ thuật còn lại, đồng thời phối hợp, trao đổi thêm với Ấn Độ về quyết định của nước này.

Thứ trưởng khẳng định, Việt Nam rất quan tâm tới RCEP. Đây là lợi ích chung và cũng là quan điểm nhất quán của Việt Nam trong ủng hộ xu thế tự do hóa thương mại và các cơ chế thương mại đa phương. Nếu RCEP được thực hiện sẽ mang lại nhiều lợi ích cho cả khu vực cũng như cho xu thế tự do hóa thương mại toàn cầu, đóng góp chung vào xu hướng chung, loại bỏ tư tưởng về chủ nghĩa bảo hộ. Việt Nam rất ủng hộ và sẽ làm hết sức mình để RCEP có thể ký kết năm 2020.

Trả lời phóng viên về các quan hệ đối tác theo lĩnh vực của ASEAN, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng cho biết, hiện ASEAN được nhiều nước quan tâm và đặt vấn đề trở thành đối tác theo lĩnh vực của ASEAN. Đây là tín hiệu tốt và ASEAN đánh giá rất cao những đề nghị này.

Theo Thứ trưởng, trong những năm qua, ASEAN đã có thêm các đối tác hợp tác theo lĩnh vực. Số lượng các đối tác theo lĩnh vực ngày càng tăng lên và Việt Nam cũng sẽ tiếp tục thúc đẩy để mở rộng thêm quan hệ đối tác. Quá trình này sẽ được đánh giá kỹ lưỡng, và cần phải có sự đồng thuận của tất cả các thành viên ASEAN. Đây cũng là một nhiệm vụ của nước Chủ tịch ASEAN, do vậy, Việt Nam sẽ phối hợp với Ban thư ký ASEAN để hoàn tất các công việc mang tính kỹ thuật, đánh giá đề nghị của các nước, xem các cam kết có phù hợp với tôn chỉ, mục đích của ASEAN hay không cũng như những cam kết hợp tác hai bên thời gian tới. Nếu phù hợp, ASEAN cũng sẽ đẩy nhanh để các nước chính thức là đối tác theo lĩnh vực của ASEAN trong năm 2020.

Thu Hiền

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/chu-tich-asean-2020-danh-them-thoi-gian-cho-coc-no-luc-ky-rcep-104659.html