Chủ tịch các tỉnh nói gì về đón khách quốc tế bằng 'hộ chiếu vaccine'?
Chủ tịch UBND một số tỉnh có ngành du lịch phát triển cho biết nếu được Chính phủ cho phép sẽ sẵn sàng mở cửa cho khách quốc tế. Tuy vậy, nguyên tắc mở cửa phải đảm bảo an toàn.
Lãnh đạo Tổng cục Du lịch cho biết đang nghiên cứu việc mở cửa lại cho du khách du lịch quốc tế giữa bối cảnh nhiều quốc gia trong khu vực xem xét việc tiếp nhận khách thông qua “hộ chiếu vaccine”. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiên cứu về vấn đề này.
Tuy vậy, Tổng cục Du lịch cho rằng cái khó của việc mở cửa lại cho khách quốc tế là địa phương nào sẽ tiên phong đi đầu. Zing đã trao đổi với lãnh đạo một số tỉnh, nơi từng đón nhiều khách quốc tế trước khi dịch Covid-19 xảy ra.
Mở cửa trở lại phải có sự đồng thuận của người dân
Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành cho biết quan điểm của tỉnh là thực hiện theo chủ trương của Chính phủ. Ông nhấn mạnh nếu Chính phủ đồng ý cho một số địa phương đón khách quốc tế, đồng thời Bộ Y tế cũng xây dựng được một bộ tiêu chí, quy trình đảm bảo an toàn, khi đó Kiên Giang mới có thể thực hiện.
Ông Thành cho rằng hiện vẫn chưa thể đánh giá việc người đã tiêm phòng vaccine Covid-19 có thực sự đảm bảo an toàn hay không. Do đó, rất cần Bộ Y tế có những đánh giá cụ thể về “hộ chiếu vaccine”, sau đó hướng dẫn cho các địa phương quy trình đảm bảo an toàn.
“Chúng tôi rất thận trọng với việc mở cửa đón khách quốc tế trở lại, nguyên tắc đầu tiên là phải đảm bảo an toàn”, ông Thành chia sẻ.
Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cũng cho biết để đón được khách quốc tế, cần có sự đồng thuận của chính người dân địa phương. Nếu không có sự đồng thuận này thì kế hoạch không thể thành công. Do đó, nếu triển khai thí điểm mở cửa cho khách quốc tế, cần có sự tuyên truyền, tạo sự đồng thuận.
Ông Thành cũng nhắc đến việc nếu đón khách quốc tế chưa thực sự đảm bảo an toàn, có thể gây ảnh hưởng đến chính nguồn khách nội địa, tạo tâm lý e dè khi đi du lịch.
Theo số liệu thống kê của Sở Du lịch Kiên Giang, ngành du lịch của tỉnh này chịu ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19 trong năm 2020. Tình trạng hủy tour lên đến 60-80%; có 339 doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh du lịch tạm thời đóng cửa, giải thể hoặc chuyển nhượng kinh doanh.
Trong năm 2020, Kiên Giang đón 5,2 triệu lượt khách, giảm 40,7% so với năm 2019. Trong đó khách quốc tế là gần 185.000 lượt, giảm 74,1% so với cùng kỳ. Tổng doanh thu ngành du lịch ước đạt 7.867 tỷ đồng, giảm 57,7% so với cùng kỳ.
Ông Thành nhấn mạnh tỉnh Kiên Giang luôn sẵn sàng các phương án đảm bảo an toàn cho khách du lịch. Nếu Chính phủ có chủ trương đón khách quốc tế, tỉnh cũng sẽ sẵn sàng các phương án.
Cần nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế
Nói với Zing, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Ngọc Thọ cho biết nghiên cứu vấn đề “hộ chiếu vaccine” là việc nên làm, có thể giúp ngành du lịch phục hồi tích cực. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh phải có chủ trương từ Chính phủ về vấn đề này.
“Nếu Chính phủ có chủ trương, Thừa Thiên - Huế sẵn sàng thực hiện”, ông Thọ nói.
Người đứng đầu UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng đánh giá đây là vấn đề quốc gia, không phải là vấn đề của riêng địa phương nào muốn là có thể làm được. Trước hết, nếu Chính phủ đồng ý mở chuyến bay thương mại quốc tế, thì mới có khách quốc tế.
Ông Thọ cũng đồng tình việc Chính phủ cần đưa ra giải pháp, tiêu chí đảm bảo an toàn cho khách du lịch và cộng đồng. Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho rằng việc mở cửa và nghiên cứu về “hộ chiếu vaccine” cần phải tiến hành sớm, nhất là trong bối cảnh nhiều nước trong khu vực đã khởi động nghiên cứu về vấn đề này. Việt Nam có thể tận dụng cơ hội để sớm mở cửa lại ngành du lịch.
Ông cũng cho rằng phải nghiên cứu rất kỹ thông lệ quốc tế về vấn đề an toàn, quy trình, thủ tục, vấn đề xét nghiệm…
Ngành du lịch Thừa Thiên - Huế cũng chịu ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19. Năm 2020, tỉnh này chỉ đón khoảng 1,8 triệu lượt khách, giảm mạnh từ con số 4,8 triệu lượt năm trước đó. Khách quốc tế giảm 75%, chỉ còn khoảng 556.000 lượt. Doanh thu du lịch giảm 66%, đạt khoảng trên 3.800 tỷ.
Vẫn ưu tiên kích cầu du lịch nội địa
Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh cho biết quan điểm của Đà Nẵng là ủng hộ việc mở cửa lại cho khách quốc tế, nhưng phải cẩn trọng và đảm bảo an toàn tuyệt đối.
Ông Chinh nói rằng việc đón khách quốc tế trong bối cảnh hiện tại sẽ là “bài toán không đơn giản”. Ông đồng tình với việc nếu đón khách quốc tế, chỉ đón biệt lập ở một số khu nghỉ dưỡng nhất định, có ranh giới rõ ràng, không để khách tản mát đi các nơi.
“Khách muốn vào Đà Nẵng, nguyên tắc đầu tiên là phải an toàn”, ông nói.
Đà Nẵng cũng đã tính đến việc cho phép khách chơi golf có thể đến các khu vực biệt lập, được kiểm soát an toàn chặt chẽ.
Ông Lê Trung Chinh khẳng định TP Đà Nẵng đang rất an toàn. Trong thời gian tới, thành phố sẽ vẫn ưu tiên kích cầu khách du lịch nội địa. Hiện tại, Đà Nẵng đang tích cực chuẩn bị cho mùa du lịch hè năm nay bắt đầu từ tháng sau.
Là địa phương có kinh tế phụ thuộc nhiều vào du lịch, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, năm 2020, Đà Nẵng lần đầu tiên có mức tăng trưởng GDP âm, kể từ khi trở thành thành phố trực thuộc trung ương. Năm ngoái, Đà Nẵng chỉ đón khách 881.000 lượt khách quốc tế (giảm 69,2%).
Trong cuộc trả lời phỏng vấn Zing, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Thị Thanh Hương cho biết một trong những vấn đề khó khăn nhất của kế hoạch mở cửa lại cho khách quốc tế là có được sự đồng thuận của địa phương.
Theo bà Hương, Chính phủ đề cao trách nhiệm cho người đứng đầu các địa phương trong việc phòng, chống dịch Covid-19. Do đó, nhiều địa phương rất muốn phát triển du lịch, đón khách quốc tế và nội địa, nhưng vẫn rất e dè với dịch bệnh.
Để mở cửa, ngành y tế cần xây dựng một quy trình an toàn đón khách du lịch, để hướng dẫn cho các địa phương. Ngành ngoại giao sẽ hỗ trợ việc đàm phán mở cửa với một số nước đối tác. Bà Hương dự báo Việt Nam có thể mở cửa cho du khách quốc tế từ quý IV.