Chủ tịch CLB Cần Thơ Nguyễn Đắc Văn: Tôi sẽ không đi xin tiền làm bóng đá
Nhận vai trò Chủ tịch CLB bóng đá Cần Thơ, ông Nguyễn Đắc Văn tự tin có thể nâng tầm đội bóng miền Tây.
Vốn được biết đến với vai trò đại diện cho nhiều cầu thủ như: Nguyễn Quang Hải, Hà Đức Chinh, Bùi Tiến Dũng, Đoàn Văn Hậu… ông Nguyễn Đắc Văn lại bất ngờ trở thành Chủ tịch CLB bóng đá Cần Thơ, đội đang thi đấu tại giải hạng Nhất Quốc gia.
Vị doanh nhân dành cho Báo Giao thông cuộc trò chuyện cở mở về mối lương duyên này và kế hoạch đưa bóng đá Cần Thơ trở lại vị thế vốn có.
3 tuần chạy đua giải
Cơ duyên nào đưa ông đến với bóng đá Cần Thơ?
Thời gian dịch bệnh tại TP.HCM lên tới đỉnh điểm, tôi cùng một số người bạn tập hợp nhau lại thành Hội những người yêu Sài Gòn, kêu gọi hỗ trợ tuyến đầu chống dịch. Tới ngày 30/9 thì Hội dừng hỗ trợ bởi dịch bệnh cơ bản được kiểm soát.
Sau đó, chúng tôi được liên lạc nhờ hỗ trợ cho miền Tây vốn đang là vùng đỏ. Quá trình qua lại, lãnh đạo TP Cần Thơ biết tôi hoạt động trong lĩnh vực bóng đá nên đã ngỏ ý muốn mời tôi về vực dậy đội bóng. Tìm hiểu kỹ càng, tôi đã nhận lời.
Tôi là Chủ tịch CLB nhưng Tập đoàn Tây Đô của chúng tôi đầu tư vào đội bóng có nhiều cổ đông chung tay.
“
Tôi là người thích cuộc sống tự do, thoải mái nên khi sinh hoạt cùng đội bóng tôi vẫn mặc quần soóc, áo phông. Tôi nghĩ mặc ra sao không quan trọng, quan trọng nói được phải làm được và tạo ra một môi trường cạnh tranh lành mạnh, công bằng để mọi cá nhân đều có động lực phấn đấu.
Ông Nguyễn Đắc Văn
”
Ông phải bắt tay vào những việc gì đầu tiên khi làm công việc mới này?
CLB Cần Thơ trước kia thuộc quyền quản lý của Công ty Xổ số kiến thiết Cần Thơ. Tuy nhiên, quy chế của VFF, VPF sau đó buộc các công ty điều hành đội bóng phải hoạt động trong lĩnh vực thể thao.
Trải qua hai lần chuyển giao, đội gần như bị tê liệt, không có bất cứ hoạt động gì, không có lương thưởng, không đăng ký thi đấu. Thậm chí, đồ ăn cầu thủ tự bỏ tiền túi để mua.
Việc đầu tiên khi tôi về đội là phải lo cho anh em cầu thủ có chỗ ăn, ở đàng hoàng rồi mới tiến hành ổn định bộ máy và bắt tay vào chuẩn bị cho mùa giải mới.
Ông và ê-kíp chỉ có chưa đầy một tháng để chuẩn bị cho mùa giải mới, đâu là thứ khiến ông cảm thấy áp lực nhất?
Chính xác là chúng tôi có 3 tuần và thời gian là thứ khiến tôi cảm thấy áp lực nhất. Tôi nhận đội ngày 15/2 trong khi ngày 25/2 là chốt đăng ký thi đấu. Chúng tôi có 10 ngày để xử lý mọi việc từ thành lập công ty, chuyển giao và hoàn thiện bộ máy vận hành.
Gấp gáp là vậy nhưng tôi hoàn toàn không lo lắng bởi về cơ bản tình trạng của đội không thể xấu hơn được nữa! Tôi luôn nghĩ mình phải làm mọi thứ trong tâm thế quyết liệt.
Đến thời điểm này, ông đã cảm thấy hài lòng về CLB?
Tôi rất vui vì cầu thủ nhiều tháng không có lương nhưng vẫn bám trụ để tập luyện, sinh hoạt cùng nhau. Ngày đầu gặp, tôi thấy trong ánh mắt họ tinh thần sẵn sàng thi đấu và tôi trân trọng điều này.
Tôi hoàn toàn không có gì phải băn khoăn bởi tất cả những việc đặt ra đều được hoàn thành trong khoảng thời gian ngắn không tưởng. Đương nhiên, chúng tôi vẫn cần thêm thời gian để gọt giũa nhưng cơ bản tôi hài lòng với những gì đã làm.
Ngay cả về mặt chuyên môn, dù đội chỉ giành 1 điểm ở trận ra quân gặp Bình Phước hôm 5/3 nhưng tôi thấy lối chơi có đường nét và hi vọng.
Mục tiêu lên chơi ở V-League
Bóng đá Cần Thơ những năm qua đi xuống không phanh, ông có tự tin sẽ đưa đội bóng trở lại vị thế đầu tàu của bóng đá miền Tây?
Tôi tự tin tôi mới làm. Tôi tin vào những hiểu biết, trải nghiệm của mình ở các nền bóng đá phát triển cũng như bóng đá Việt Nam. Từ tiền đề này, tôi mong muốn xây dựng đội bóng thực sự chuyên nghiệp.
Tôi đã có những kế hoạch của riêng mình và đã sẵn sàng từ trước khi nhận lời về làm Chủ tịch CLB Cần Thơ.
Ông làm cách nào thuyết phục các cổ đông chung tay với mình?
Những cộng sự của tôi tin tưởng vào quyết định và kế hoạch tôi vạch ra. Chúng tôi hoàn toàn đủ khả năng vận hành đội bóng. Nhưng trong tương lai chúng tôi vẫn cần sự chung tay của nhiều doanh nghiệp, tổ chức.
Đội bóng phải được xã hội hóa triệt để, như vậy mới phát triển bền vững. Tất nhiên, chúng tôi là doanh nghiệp, bỏ tiền ra thì cũng phải tính toán để làm sao sinh lời, mà trước mắt ít nhất phải để bóng đá tự nuôi được bóng đá.
Làm bóng đá để kiếm tiền như với môi trường V-league, ông có tính đến khả năng thua lỗ?
CLB Cần Thơ bản chất là đội bóng của người dân Cần Thơ, thành phố Cần Thơ mà nơi đây lại là thủ phủ của Tây Đô, một vùng kinh tế rất năng động.
Tôi tin nếu làm tốt, chúng tôi sẽ kêu gọi được sự góp sức của nhiều doanh nghiệp địa phương và cả các tỉnh lân cận. Tôi không đi xin họ tiền mà thuyết phục họ bằng kế hoạch.
Muốn làm được như vậy thì trước hết phải khiến cho bóng đá Cần Thơ sống lại sau thời gian dài trì trệ, phải khiến người dân quan tâm tới đội bóng, tới đời sống bóng đá. Mỗi trận đấu trên sân nhà của CLB Cần Thơ phải như một ngày hội với nhiều hoạt động bên lề.
Thay vì tới sân trước 30 phút, chúng tôi sẽ có các hoạt động để kéo người hâm mộ tới sân trước 2 - 3 tiếng. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm, dịch vụ của mình. Chỉ cần nhận thấy việc gắn mình với bóng đá Cần Thơ mang lại lợi ích, doanh nghiệp sẽ tham gia đầu tư.
Về góc độ quản lý, ông thấy đâu là sự khác biệt lớn nhất giữa quản lý một đội bóng và quản lý cầu thủ? Ông vấp phải những khó khăn ra sao?
Quản lý cầu thủ đơn thuần chỉ làm việc giữa cá nhân với cá nhân, còn đội bóng là doanh nghiệp. Mà đã là doanh nghiệp thì cần đầy đủ các ban bệ, có giám đốc điều hành, marketing, bán hàng…
Tôi chưa từng quản lý một đội bóng nhưng tôi đã từng điều hành các doanh nghiệp khác nhau. Không có chủ doanh nghiệp nào tự tay làm hết mọi việc, mà phải mời được những nhân sự giỏi để phân công, để họ phát huy tối đa năng lực.
Ở CLB Cần Thơ, Giám đốc điều hành Lê Minh Dũng có kinh nghiệm, khả năng xử lý mọi việc nhanh chóng, kết nối tốt với VFF và VPF. Về chuyên môn, HLV Nguyễn Việt Thắng tuy lần đầu nắm vai trò HLV trưởng nhưng cậu ấy có sự máu lửa, khát khao khẳng định mình, điều này rất cần cho đội trong giai đoạn hiện tại.
Mục tiêu ngắn hạn và dài hạn của ông cùng CLB Cần Thơ là gì?
Làm bóng đá không thể vội mà phải tiến từng bước vững chắc theo lộ trình dài hơi. Nếu định hướng một, hai năm tôi sẽ không làm, đã làm thì phải theo đuổi từ 5 tới 10 năm.
Tôi đặt mục tiêu năm nay đội trụ hạng, năm sau sẽ củng cố để cạnh tranh lên chơi tại V-League. Ngay từ lúc này, tôi cũng sẽ chuẩn bị mọi thứ từ tài chính cho tới nhân sự, sẵn sàng tham gia sân chơi cao nhất bóng đá Việt Nam.
Cảm ơn ông!
Ông Nguyễn Đắc Văn sinh năm 1971 tại Hà Nội, sống và làm việc tại CHLB Đức từ năm 1989 tới năm 2017. Từ năm 2017, ông Văn về Việt Nam sáng lập Công ty V-Sports Consulting hoạt động trong lĩnh vực tư vấn thể thao; hiện là Tổng giám đốc Tập đoàn Tây Đô, đơn vị quản lý CLB bóng đá Cần Thơ.