Chủ tịch CMC Nguyễn Trung Chính: 'Mọi người, mọi thứ phải chuyển đổi'

Lãnh đạo đã hiểu và đi vào đúng bản chất vấn đề. Họ đang muốn giải quyết tất cả những vướng mắc để làm sao kích thích tư liệu sản xuất và lực lượng sản xuất phát triển vì quan hệ sản xuất đang kìm hãm nhiều thứ.

Tuần Việt Nam giới thiệu tiếp phần hai cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Trung Chính - Chủ tịch điều hành Tập đoàn Công nghệ CMC, về những khát vọng phát triển khoa học công nghệ nước nhà khi Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị quyết 57.

Xem lại bài 1: Chủ tịch CMC Nguyễn Trung Chính: “Lẽ ra chúng ta đã có ngành công nghiệp máy tính của Việt Nam”

Thay đổi nhận thức để hành động

Ông biết đấy, lãnh đạo mới của Việt Nam đã thể hiện quyết tâm cao độ trong phát triển khoa học, chuyển đổi số qua Nghị quyết 57 vừa ký và các bài viết trước đó. Ông nhận thấy những điểm gì đáng khích lệ trong đó?

Ông Nguyễn Trung Chính: Đọc Nghị quyết 57 và trước đó là bài viết về chuyển đổi số của Tổng Bí thư Tô Lâm, tôi thực sự xúc động. Nó hay và đúng quá cho chặng đường phát triển tiếp theo của đất nước và, xin thú nhận, nó chạm vào cảm xúc của tôi với đầy đủ những điều tôi đang mong muốn, khát khao.

Chuyển đổi số và chuyển đổi AI sẽ có tác động sâu rộng và mang tính bùng nổ hơn rất nhiều so với những gì con người từng trải qua trước đây. Nếu được tận dụng tốt sẽ tạo sức bật mới cho Việt Nam trong Kỷ nguyên mới.

Tôi thực sự ngỡ ngàng khi đọc những dòng này: “Chúng ta đang đứng trước yêu cầu phải có một cuộc cách mạng với những cải cách mạnh mẽ, toàn diện để điều chỉnh quan hệ sản xuất, tạo động lực mới cho phát triển. Đó là cuộc cách mạng chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ nhằm tái cấu trúc quan hệ sản xuất phù hợp với sự tiến bộ vượt bậc của lực lượng sản xuất”.

Điều này đụng đến hàng loạt vấn đề triết học.

Cần kích thích tư liệu sản xuất và lực lượng sản xuất phát triển. Hiện nay, quan hệ sản xuất đang kìm hãm nhiều thứ. Ảnh: Hoàng Hà

Cần kích thích tư liệu sản xuất và lực lượng sản xuất phát triển. Hiện nay, quan hệ sản xuất đang kìm hãm nhiều thứ. Ảnh: Hoàng Hà

Tôi xin lấy ví dụ. Ngày nay, tư liệu sản xuất của tôi chính là bộ não của tôi và cái máy tính. Bộ não tôi, tức là tư liệu sản xuất mà tôi sở hữu, đưa ra các ý tưởng và tôi có thể bán với khoản tiền rất cao. Tôi có thể làm giàu trên tri thức của mình.

Điều này khác xa so với trước đây: Tư liệu sản xuất và lực lượng sản xuất là khác nhau, người chủ sở hữu tư liệu sản xuất có khuynh hướng bóc lột giá trị thặng dư của giai cấp công nhân.

Hơn nữa, trong quan hệ sản xuất có vấn đề về phân phối. Phân phối phải theo đóng góp chứ tại sao phân phối lại theo nhu cầu? Nếu phân phối theo nhu cầu thì tôi không phải đi làm, phải nỗ lực làm gì. Công nhận quyền sở hữu cũng là vấn đề rất đại sự và không thể né tránh.

Năng lực kỹ sư của chúng ta không kém gì Hàn Quốc, Nhật Bản. Chúng ta lại chuyên cần hơn, chi phí rẻ hơn. Sức mạnh nội lực của mình là có. Ông Nguyễn Trung Chính

Tri thức của mình là sở hữu thuộc về mình. Hay nói cách khác, tri thức là tài sản của mình, thì tri thức phải được bảo vệ. Vì thế, Luật sở hữu trí tuệ phải rất quan trọng. Trí tuệ là tài sản mà không được bảo vệ, không được an toàn thì ai sẽ phát minh, sáng chế, thúc đẩy xã hội phát triển được.

Nói như vậy để thấy, lãnh đạo đã hiểu, đi vào đúng bản chất vấn đề. Họ đang muốn giải quyết tất cả những vướng mắc để làm sao kích thích tư liệu sản xuất và lực lượng sản xuất phát triển. Hiện nay, quan hệ sản xuất đang kìm hãm nhiều thứ.

Bên cạnh đó, tôi cũng rất phấn khởi khi lãnh đạo nói “thể chế là nút thắt của nút thắt”. Tôi tin là cả xã hội đang ủng hộ tư duy này. Các bạn là nhà báo, lại càng cần ủng hộ mạnh mẽ hơn. Thay đổi nhận thức là cực kì quan trọng để dẫn đến hành động tương xứng.

Vậy theo ông, Việt Nam có nền tảng gì để tham dự vào cuộc chuyển đổi này?

Ông Nguyễn Trung Chính: Việt Nam có lợi thế như thế này.

Thứ nhất, người Việt Nam có phẩm chất thích cái mới và cũng tiếp thu cái mới tương đối nhanh, khả năng ứng dụng tốt dù sáng tạo hơi khó một chút. Cứ nhìn tỷ lệ người Việt Nam sử dụng smartphone rất cao, có lẽ cao cỡ hàng đầu thế giới, thì thấy rõ điều này.

Thứ hai, Việt Nam có năng lực cạnh tranh gì để so với các nước? Thực sự Việt Nam chẳng có gì nhiều ngoài năng lực của 100 triệu dân, trong đó có đông đảo những người trẻ yêu thích về công nghệ, về khoa học, về toán. Người Việt Nam chúng ta chịu khó và chăm chỉ.

Ông Nguyễn Trung Chính: Thay đổi nhận thức là cực kì quan trọng để dẫn đến hành động tương xứng. Ảnh: VietNamNet

Ông Nguyễn Trung Chính: Thay đổi nhận thức là cực kì quan trọng để dẫn đến hành động tương xứng. Ảnh: VietNamNet

Người Nhật họ nhận xét với chúng tôi: Chúng tôi thấy các bạn lúc nào cũng hừng hực, lúc nào cũng “máu mê”, lúc nào cũng muốn làm và tìm mọi cách để làm; có những công nghệ khó như thế mà nhân viên người Việt học nhanh hơn hẳn so với nhân viên của chúng tôi.

Năng lực kỹ sư của chúng ta không kém gì Hàn Quốc, Nhật Bản. Chúng ta lại chuyên cần hơn, chi phí lại rẻ hơn. Sức mạnh nội lực của mình là có.

Vấn đề hiện nay là cần có các chính sách để phát huy hết khả năng của họ.

Cần tạo nền tảng pháp lý tốt

Từ những trải nghiệm thực tế của doanh nghiệp, ông nhìn nhận thế nào về thể chế về bản quyền, về quyền tự do sáng tạo?

Ông Nguyễn Trung Chính: Một trong những điểm Việt Nam còn yếu là vấn đề về tôn trọng sở hữu trí tuệ. Luật Sở hữu Trí tuệ phải là luật pháp gốc để đảm bảo cho phát triển kinh tế tri thức nói chung, trong đó có công nghệ.

Một khi các phát minh, sáng chế mà bị sao chép dễ và đơn giản thì không ai muốn phát minh, sáng chế.

Vì thế, chúng ta phải có một chính sách luật pháp chặt chẽ để đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ, quyền tác giả để tạo động lực để phát triển. Việt Nam thực thi bản quyền chưa tốt. Đây là điểm mấu chốt.

Thứ nữa, chúng ta cũng đang bị chậm Luật Dữ liệu cá nhân. Để phát triển công nghiệp nội dung, công nghiệp số cần có nền tảng pháp lý. Nền tảng pháp lý bao gồm 2 yếu tố. Một là, tạo ra được môi trường để phát triển lành mạnh, vì sự tiến bộ và sự phát triển chung của cộng đồng. Thứ hai, phải có hành lang có tính chất chuẩn mực để đảm bảo quyền riêng tư, quyền tác giả, quyền tài sản, tài sản số. Điều đó cũng giống như đời thực.

Chúng tôi đang nghiên cứu Luật Dữ liệu vừa được ban hành và dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số. Trong nhiều trường hợp, do năng lực quản lý của chúng ta yếu, không quản lý được thông tin xuyên biên giới nhưng lại đưa những điều kiện rất ngặt nghèo đối với trong nước. Như vậy là tạo rào cản bất bình đẳng.

Châu Âu rất nghiêm khắc chuyện này. Họ xây dựng những đạo luật từ rất sớm. Họ tập trung bảo vệ lợi ích của con người bao gồm giá trị đạo đức, về bản quyền, sự an toàn của người sử dụng. Singapore cũng là điển hình của một quốc gia xây dựng những đạo luật khá tốt.

Tôi tin Việt Nam có thể học hỏi được nhiều những bài học từ các nước về cách thức xây dựng thể chế để vừa có tính chất kiểm soát nhưng vừa thúc đẩy.

Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Dữ liệu ngày 8/11/2024. Ảnh: Cổng thông tin Quốc hội

Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Dữ liệu ngày 8/11/2024. Ảnh: Cổng thông tin Quốc hội

Câu chuyện ông nói rất đúng. Việt Nam chưa quá quan tâm về vấn đề bảo vệ dữ liệu cá nhân trong khi Hoa Kỳ và Châu Âu lại bảo vệ vệ dữ liệu cá nhân rất tốt. Việt Nam chỉ phạt hành chính với người vi phạm chứ chưa quen với việc mang họ ra tòa?

Ông Nguyễn Trung Chính: Như tôi đã nói, đầu tiên, phải xây dựng khung pháp lý, cụ thể là luật và nghị định. Cơ quan nhà nước phải sử dụng nhiều hơn các công cụ thực thi bao gồm xử phạt, khởi kiện.

Chúng ta phải có một chính sách luật pháp chặt chẽ để đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ, quyền tác giả tạo động lực phát triển. Việt Nam thực thi bản quyền chưa tốt. Đây là điểm mấu chốt. Ông Nguyễn Trung Chính

Tuy nhiên, khởi kiện lại liên quan đến vấn đề dân sự. Nhìn chung các nước Châu Á và đặc biệt ở Việt Nam, người dân ngại đi khiếu kiện. Việc này là một quá trình nhận thức của người dân, đòi hỏi xã hội phải phát triển ở mức cao hơn.

Điều thứ hai, việc tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thức về quyền cá nhân, bao gồm dữ liệu cá nhân chưa được thúc đẩy mạnh.

Trong suốt 31 năm CMC phát triển, không biết bao nhiêu lần các sản phẩm của CMC bị “đánh cắp” về sở hữu trí tuệ. Ở Mỹ, giáo dục phổ thông, giáo viên mà phát hiện các bài luận sao chép là bị loại luôn, vì nó gần như là quy tắc đạo đức. Từ đó ý thức con người tốt lên, điều chỉnh hành vi của họ.

Ông thấy cơ hội của CMC trong cuộc cách mạng số ngày nay như thế nào nếu so với những gì CMC trải qua trong lịch sử?

Ông Nguyễn Trung Chính: Trong cuộc cách mạng số lần này, CMC phải đóng vai trò dẫn dắt và tôi mong muốn hệ thống nội bộ của tôi phải nhận thức điều này. Chúng tôi phải dẫn dắt và đi đầu.

Bản thân tôi đã bỏ lỡ nhiều cơ hội để dẫn dắt và đi đầu, và bây giờ chúng tôi phải khác đi.

Bây giờ chúng tôi phải xây dựng được hình ảnh Việt Nam là một quốc gia công nghệ trong con mắt đối tác quốc tế. Ông Nguyễn Trung Chính

Vừa rồi tôi đã phải “đầu tư” rất nhiều. Ví dụ, Nghị quyết Trung ương mới, tôi cũng được mời tham gia xây dựng nghị quyết. Khác với trước đây là mình chỉ dám đến đóng góp thôi, bây giờ mình tham gia vào xây dựng hai Luật dữ liệu. Tôi đã gửi những góp ý trong quá trình xây dựng Luật Dữ liệu cá nhân.

Tôi cần rút kinh nghiệm trước đây. Thay vì cứ im lặng tuân thủ như trước đây, bây giờ chúng tôi cần chủ động tham gia góp ý, xây dựng chính sách để chính sách tốt lên, thị trường tốt lên. Bên cạnh đó, CMC cũng phải tạo ra những sản phẩm, dịch vụ giá trị cho nhiều người hơn, phải phát triển thương hiệu lớn hơn để nhiều người người biết đến.

Trong 5 năm gần đây, CMC cũng vươn ra nước ngoài và đã gặt hái được thành công về chuyện lợi nhuận. Bây giờ chúng tôi phải xây dựng được hình ảnh Việt Nam là một quốc gia công nghệ trong con mắt đối tác quốc tế.

Chặng đường tới đây của CMC từ năm 2025-2030 rất quan trọng đối với chúng tôi. Đây cũng là một bước chuyển mình mới mà CMC cần phải làm. Chúng tôi cũng đang xây dựng chiến lược chuyển đổi AI. Khẩu hiệu là Everybody Everything: Tất cả mọi người và tất cả mọi việc phải chuyển đổi.

Tư Giang

Lan Anh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/chu-tich-cmc-nguyen-trung-chinh-moi-nguoi-moi-thu-phai-chuyen-doi-2359133.html