Chủ tịch Đỗ Văn Chiến cho ý kiến vào nội dung Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam tỉnh Đắk Lắk

Sáng ngày 29/7, tại Hà Nội, ông Đỗ Văn Chiến, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã chủ trì cuộc làm việc cho ý kiến vào nội dung Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam tỉnh Đắk Lắk lần thứ XV, nhiệm kỳ 2024-2029.

Ông Đỗ Văn Chiến, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát biểu tại cuộc làm việc

Ông Đỗ Văn Chiến, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát biểu tại cuộc làm việc

Tham dự cuộc làm việc có ông Nguyễn Đình Trung, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk; bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; đại diện lãnh đạo Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk cùng lãnh đạo các Ban, đơn vị Cơ quan Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.

“Đoàn kết - Dân chủ - Đổi mới - Phát triển - Sáng tạo - Trách nhiệm”

Trình bày những nội dung liên quan đến công tác tổ chức Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam tỉnh Đắk Lắk lần thứ XV, nhiệm kỳ 2024-20209, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Y Giang Gry Niê Knơng cho biết, với tinh thần “Đoàn kết - Dân chủ - Đổi mới - Phát triển - Sáng tạo - Trách nhiệm”, Đại hội phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, nâng cao vai trò nòng cốt chính trị của MTTQ Việt Nam, mở rộng dân chủ xã hội chủ nghĩa, đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, góp phần xây dựng tỉnh Đắk Lắk giàu đẹp, văn minh, bản sắc.

Đại hội dự kiến hiệp thương cử từ 95 vị tham gia Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2024-2029 với cơ cấu, thành phần theo nội dung hướng dẫn của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam với tỷ lệ tái cử chiếm 46,32%; cơ cấu kết hợp gồm: tỷ lệ nữ chiếm 32,63%; tỷ lệ người ngoài Đảng chiếm 33,68%; tỷ lệ Tôn giáo chiếm 16,84%; tỷ lệ người dân tộc thiểu số chiếm 44,21%. Dự kiến Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đắk Lắk nhiệm kỳ 2024-2029 là 8 vị gồm Chủ tịch, 3 Phó Chủ tịch, 4 Ủy viên Thường trực.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Y Giang Gry Niê Knơng phát biểu tại cuộc làm việc

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Y Giang Gry Niê Knơng phát biểu tại cuộc làm việc

Theo Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đắk Lắk Y Giang Gry Niê Knơng, trong nhiệm kỳ qua, tuy còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng do nhận thức đầy đủ được vai trò, trách nhiệm của mình trước nhân dân, trước Đảng, MTTQ các cấp trong tỉnh đã phát huy những thuận lợi, tận dụng thời cơ, nỗ lực phấn đấu, tổ chức thực hiện có kết quả Chương trình phối hợp thống nhất hành động do Đại hội MTTQ Việt Nam tỉnh lần thứ XIV đề ra, góp phần thiết thực vào việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII.

Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh đã phối hợp với các tổ chức thành viên thực hiện tốt việc đa dạng hóa các hình thức tập hợp nhân dân như: tổ chức các diễn đàn, các hội thảo, hội thi, thông qua các loại hình câu lạc bộ, phát hành các tờ tin của đoàn thể mình, phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng tổ chức tuyên truyền về các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nhằm thu hút, tập hợp các tầng lớp Nhân dân vào Mặt trận và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội.

Công tác vận động đồng bào các DTTS, đồng bào có đạo được chú trọng, qua đó đã phát huy được vai trò người có uy tín tiêu biểu trong công tác tuyên truyền vận động đồng bào các DTTS ở địa phương về phát triển kinh tế - xã hội, phòng, chống tội phạm, tai tệ nạn xã hội, thực hiện có hiệu quả phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; các chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo đều thực hiện tốt phương châm “Sống tốt đời đẹp đạo”tích cực tham giaphát triển kinh tế và công tác an sinh xã hội ở địa phương....

Lãnh đạo Cơ quan Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tại cuộc làm việc

Lãnh đạo Cơ quan Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tại cuộc làm việc

“Để đạt được những kết quả quan trọng như trên trong nhiệm kỳ qua là nhờ có sự quan tâm lãnh đạo sát sao, định hướng thường xuyên của các cấp ủy Đảng, sự hướng dẫn kịp thời của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, sự tạo điều kiện thuận lợi của các cấp chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, các tổ chức thành viên trong việc thực hiện Chương trình phối hợp thống nhất hành động của Đại hội MTTQ Việt Nam tỉnh khóa XIV, cùng với sự nỗ lực, cố gắng của đội ngũ cán bộ Mặt trận các cấp trong tỉnh và sự đồng thuận hưởng ứng của các tầng lớp Nhân dân”, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đắk Lắk nêu rõ.

Trong nhiệm kỳ 2024-2029, Đại hội đề ra một số chỉ tiêu cụ thể như: Hằng năm, phấn đấu hầu hết khu dân cư tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc; Hằng năm, mỗi khu dân cư có ít nhất 1 công trình hoặc phần việc tiêu biểu, điển hình, cụ thể góp phần xây dựng, phục vụ cộng đồng (xanh, sạch, đẹp, an ninh, trật tự, an toàn...), phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nâng cao chất lượng đời sống Nhân dân.

Hằng năm, tổ chức vận động, quyên góp nguồn lực ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” và an sinh xã hội để phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ hỗ trợ xây dựng mới hoặc sửa chữa ít nhất 2.000 nhà Đại đoàn kết. Trong nhiệm kỳ cơ bản xóa xong nhà tạm và nhà dột nát; Phấn đấu trong nhiệm kỳ, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp hướng dẫn, triển khai để mỗi khu dân cư trong toàn tỉnh hình thành ít nhất 1 tổ, nhóm tự quản tại cộng đồng…

Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh phát biểu tại cuộc làm việc

Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh phát biểu tại cuộc làm việc

Tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh đề nghị, báo cáo chính trị cần bổ sung công tác phối hợp giữa MTTQ với các tổ chức thành viên của tỉnh trong triển khai 5 chương trình hành động trong nhiệm kỳ 2019-2024. Đối với nội dung “nhìn lại 40 năm đổi mới của MTTQ Việt Nam theo đường lối của Đảng” cần thể hiện đúng vai trò của MTTQ Việt Nam trong việc phát huy tinh thần đại đoàn kết của nhân dân, tạo thành “sức mạnh mềm” góp phần hoàn thành mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra.

“Đối với chỉ tiêu cụ thể của nhiệm kỳ 2024-2029 cần bổ sung chỉ tiêu của chương trình giám sát hằng năm. Theo đó, ngoài việc triển khai 2 chương trình giám sát lớn mà Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đề ra, MTTQ tỉnh cần bám sát những vấn đề nổi cộm tại địa phương để triển khai giám sát nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân”, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh gợi mở và cho rằng, Báo cáo chính trị cần đề ra phương hướng để nêu bật lên nét riêng của Mặt trận các cấp trong nhiệm kỳ; tiêu đề báo cáo cần khơi dậy mạnh mẽ tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc trong nhiệm kỳ 2024-2029.

Đẩy mạnh tuyên truyền để già làng, trưởng bản và nhân dân trong toàn tỉnh giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa của người Tây Nguyên

Quang cảnh cuộc làm việc

Quang cảnh cuộc làm việc

Phát biểu tại cuộc làm việc, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh, Đắk Lắk là một tỉnh trung tâm của Tây Nguyên, có vị trí chiến lược về chính trị, kinh tế, quốc phòng an ninh và cũng là một tỉnh có truyền thống anh hùng cách mạng. Với ý nghĩa đó, Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam tỉnh Đắk Lắk lần thứ XV chính là biểu tượng của khối đại đoàn kết các dân tộc, là dịp để để các tầng lớp nhân dân trong tỉnh thể hiện tâm tư, tình cảm đối với Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương và cũng là dịp để cấp ủy, chính quyền địa phương truyền tải đến các tầng lớp nhân dân những thông điệp quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong thời gian tới.

Nhắc tới hơn 70% tỷ lệ hòa giải thành mà MTTQ các cấp tỉnh Đắk Lắk đạt được trong nhiệm kỳ 2019-2024, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh, điều này đóng vai trò quan trọng trong việc phát huy mạnh mẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc và đây chính là cơ sở để Ban Thường vụ Tỉnh ủy quan tâm, tạo điều kiện về kinh phí để MTTQ tỉnh tiếp tục triển khai hoạt động ở cơ sở trong nhiệm kỳ tới.

Lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk tại cuộc làm việc

Lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk tại cuộc làm việc

Cũng theo Chủ tịch Đỗ Văn Chiến, Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy cần nâng cao thực chất hoạt động giám sát, phản biện xã hội của tỉnh theo tinh thần Chỉ thị số 18-CT/TW, ngày 26/10/2022 của Ban Bí thư về phát huy vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội; đồng thời ban hành chương trình hành động triển khai Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/11/2023, Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc phù hợp với thực tế triển khai tại địa phương.

“Đại hội cần ban hành quyết tâm thư để hiệu triệu nhân dân trên toàn tỉnh đoàn kết, vượt qua khó khăn, thách thức, chung sức, đồng lòng hoàn thành nội dung 6 chương trình hành động mà Đại hội đề ra; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền để già làng, trưởng bản và nhân dân trong toàn tỉnh giữ gìn bản sắc văn hóa của người Tây Nguyên”, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến gợi mở và cho rằng cần lựa chọn thời điểm phù hợp để Thường trực Tỉnh ủy đối thoại với cán bộ Mặt trận toàn tỉnh nhằm lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và truyền tải quan điểm và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.

Về cơ cấu nhân sự, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến cho rằng, tỉnh Đắk Lắk cần chú ý bố trí cơ cấu đại biểu cấp ủy, HĐND, UBND đảm bảo hài hòa, phù hợp. Đặc biệt, căn cứ Quy định số 146-QĐ/TW ngày 14/5/2024 của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức, mối quan hệ công tác của đảng đoàn, ban cán sự đảng cấp tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cần quan tâm kiện toàn Đảng đoàn MTTQ Việt Nam tỉnh.

Ông Nguyễn Đình Trung, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk phát biểu tại cuộc làm việc

Ông Nguyễn Đình Trung, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk phát biểu tại cuộc làm việc

Trân trọng cảm ơn sự quan tâm của Chủ tịch Đỗ Văn Chiến đối với công tác MTTQ Việt Nam tỉnh Đắk Lắk, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đình Trung đề nghị Đảng đoàn, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tiếp thu và hoàn thiện văn kiện trình Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2024-2029.

Theo ông Nguyễn Đình Trung, hiện tỉnh Đắk Lắk có 49 dân tộc anh em, vì vậy qua các nhiệm kỳ, tỉnh luôn xác định phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc là yếu tố và yêu cầu đặc biệt quan trọng. Thực tế, trong chỉ đạo của Thường vụ Tỉnh ủy luôn nhấn mạnh tới điều này, nhất là thông qua vai trò nòng cốt chính trị của MTTQ Việt Nam.

“Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam tỉnh Đắk Lắk được xác định là một trong những sự kiện tiêu biểu trong năm 2024 và tỉnh dành sự quan tâm tới đội ngũ Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh nhiệm kỳ 2024-2029 và tạo điều kiện để một trong những đồng chí trong Ban Thường trực phải là người dân tộc thiểu số để đảm bảo tính đại diện”, ông Nguyễn Đình Trung thông tin thêm và khẳng định, Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ trực tiếp chỉ đạo để Đại hội MTTQ Việt Nam tỉnh Đắk Lắk diễn ra thành công tốt đẹp.

Hương Diệp

Nguồn Mặt Trận: http://tapchimattran.vn/thoi-su/chu-tich-do-van-chien-cho-y-kien-vao-noi-dung-dai-hoi-dai-bieu-mttq-viet-nam-tinh-dak-lak-57811.html