Chủ tịch EC: Đã đến lúc thực hiện một chương trình nghị sự xuyên Đại Tây Dương mới
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen ngày 10/11 tuyên bố một cuộc bầu cử ở Mỹ sẽ không thể đảo ngược những sự thay đổi trong mối quan hệ Liên minh châu Âu (EU) - Mỹ vốn đã bắt đầu dưới nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump. Bà nêu rõ: 'Đã đến lúc thực hiện một chương trình nghị sự xuyên Đại Tây Dương mới'.
Phát biểu với các đại sứ EU trong một hội nghị trực tuyến, bà von der Leyen nhấn mạnh liên minh phương Tây được xây dựng dựa trên sự hợp tác giữa Mỹ và châu Âu vẫn bền vững "dựa trên những giá trị sẻ chia và lịch sử". Chủ tịch EC cũng gửi lời chúc mừng đến cựu Phó Tổng thống Joe Biden - người được truyền thông Mỹ tuyên bố đã trở thành Tổng thống thứ 46 của nước này - và người liên danh tranh cử cùng ông là bà Kamala Harris.
Mặc dù vậy, khi đề cập đến những tác động trong chính sách của Mỹ đối với châu Âu dưới nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump, trong đó bao gồm vấn đề thuế quan, những căng thẳng thương mại, cũng như việc Mỹ rút khỏi các hiệp định và tổ chức quốc tế..., Chủ tịch EC von der Leyen cho biết mọi thứ không thể trở lại như trước. Bà nhấn mạnh: "Một số sự điều chỉnh về những ưu tiên và nhận thức có tác động sâu sắc hơn nhiều so với sự thay đổi một chính trị gia hoặc một chính quyền. Và những điều đó sẽ không thể biến mất chỉ sau một cuộc bầu cử. Chúng ta không thể quay ngược kim đồng hồ và chúng ta không thể quay lại chính xác như chương trình nghị sự mà chúng ta đã có cách đây 5 năm".
Theo bà von der Leyen, chương trình nghị sự xuyên Đại Tây Dương mới "nên bao trùm mọi vấn đề từ an ninh đến tính bền vững, từ những quy định liên quan công nghệ đến thương mại, từ việc san bằng sân chơi kinh tế trên thế giới để củng cố các thể chế toàn cầu".
Bà von der Leyen đồng thời bày tỏ mong muốn rằng nếu trở thành Tổng thống Mỹ, ông Biden sẽ thực hiện tốt cam kết về việc đưa Washington trở lại với Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015, đảo ngược quyết định của chính quyền tiền nhiệm.
Bên cạnh đó, bà cũng một lần nữa nhắc lại ý định của châu Âu trong việc kiềm chế hoạt động những "người khổng lồ" trong lĩnh vực Internet - mà hầu hết trong số đó là các công ty Mỹ như Google, Amazon và Facebook - để đảm bảo cạnh tranh công bằng ở EU và yêu cầu những công ty này phải trả "những khoản thuế thích đáng".