Chủ tịch Gỗ Đức Thành: 'Trên thương trường, tôi như một con nhím'
Sau mỗi cuộc khủng hoảng, Gỗ Đức Thành thường nhận nhiều đơn đặt hàng với giá trị cao hơn bình thường và 2020 không phải là lần đầu.
Khủng hoảng đại dịch Covid-19 đã khiến tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp Việt năm 2020 gặp khó khăn, mất dòng tiền, thậm chí phá sản. Tuy nhiên, vẫn có những doanh nghiệp có được kết quả kinh doanh ấn tượng ngay trong đại dịch.
Chia sẻ với TheLEADER, bà Lê Hải Liễu, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Chế biến Gỗ Đức Thành (Gỗ Đức Thành - mã chứng khoán GDT) cho biết, hết quý III công ty đã hoàn thành kế hoạch nhận đơn hàng cho cả năm và dự kiến doanh thu sẽ tăng từ 15 - 20% so với năm ngoái.
Gỗ Đức Thành từng có nhiều lần vượt khó ngoạn mục như vậy?
Bà Lê Hải Liễu: Chúng tôi đã vượt qua nhiều cuộc khủng hoảng một cách ngoạn mục.
Năm 1997, khủng hoảng tài chính khu vực châu Á xảy ra, sức mua của khách hàng giảm sút rõ rệt. Đến lúc này mới thấy chủ trương đa dạng hóa khách hàng, không lệ thuộc vào bất kỳ một khách nào hay một thị trường nào… của công ty từ những ngày đầu mới thành lập là hoàn toàn đúng đắn, vì khi mất khách Á, còn khách Âu và các nước khác.
Đến năm 2009, khủng hoảng kinh tế toàn cầu xảy ra, tình hình kinh doanh rất khó khăn. Thay vì giảm công nhân, dừng sản xuất, tôi đã chọn cách làm khác: Một lá thư với những lời lẽ chân tình, tha thiết kêu gọi mọi người hãy hiến kế, cùng ban điều hành tìm giải pháp được tôi gửi đi.
Chính thái độ trọng thị này đã vực dậy tinh thần của mọi người và chúng tôi đã có những giải pháp tuyệt vời từ cán bộ công nhân viên. Bên cạnh đó tôi lại đi mua nguyên liệu trong thời khủng hoảng (làm cái việc chẳng giống ai), để rồi chính cái quyết định ngược đời đó lại giúp chúng tôi có sẵn tiềm lực để có thể nhận tất cả đơn hàng của các nhà nhập khẩu sau khủng hoảng.
Năm 2020, khi đại dịch Covid-19 xảy ra, dù không phải khủng hoảng kinh tế, nhưng Gỗ Đức Thành lại một lần nữa trăn trở để tìm giải pháp phù hợp. Ban điều hành đã không cắt giảm nhân sự mà vẫn có kế hoạch tuyển thêm, vẫn mua nguyên liệu dự trữ.
Anh chị em trong công ty lo rằng chúng tôi đang đầu tư mạo hiểm. Điều này không sai, vì không ai có thể biết khi nào hết khủng hoảng, nhưng thương trường là thế, là những sự tiên đoán đến bạc đầu, là lúc nào cũng phải ở tư thế chuẩn bị để đón đầu “cơn khát hàng” như những lần trước.
Câu trả lời của lần này đang diễn ra như chúng tôi dự đoán: Chỉ trong một tuần cuối tháng 9/2020, đơn đặt hàng xuất khẩu của Gỗ Đức Thành lên gần 1,5 triệu USD, bằng giá trị cả tháng lúc bình thường và mới hết quý III Gỗ Đức Thành đã xong việc nhận đơn đặt hàng cho cả năm 2020.
Tôi nghĩ Gỗ Đức Thành thành công vì biết phán đoán và biết chuẩn bị nguồn lực sẵn sàng. Mỗi lần đi qua khủng hoảng là một lần công ty đạt đươc doanh thu nhiều hơn, nhưng điều đáng nói nhất là ban điều hành và anh em cũng tích lũy được nhiều bài học quý giá.
Có phải vì Gỗ Đức Thành có lợi thế là doanh nghiệp hiếm hoi sản xuất các mặt hàng đồ dùng nhà bếp và đồ chơi trẻ em bằng gỗ ?
Bà Lê Hải Liễu: Sản phẩm chủ lực của chúng tôi là những vật dụng nho nhỏ, nhưng thiết yếu trong nhà và trong bếp mà người tiêu dùng cần thường xuyên thay đổi và không tốn quá nhiều tiền như cái thớt, cái rế...
Để được khách tin dùng, sản phẩm phải đạt các tiêu chuẩn ngặt nghèo về an toàn vệ sinh thực phẩm.
Đồ chơi trẻ em bằng gỗ thì hầu như không có doanh nghiệp nào dám động đến vì quá chi tiết, lại đòi hỏi tiêu chuẩn cao về an toàn, chưa kể phải mang tính giáo dục, phải đa dạng phong phú….
Việc quản lý, tổ chức sản xuất và kiểm tra chất lượng sản phẩm từ đồ nhà bếp đến đồ chơi trẻ em đều vô cùng phức tạp và tỉ mỉ. Chính vì chọn một chủng loại sản phẩm không hề dễ để tổ chức sản xuất nhưng lại thiết yếu cho đời sống nên gần như Gỗ Đức Thành có rất ít đối thủ cạnh tranh.
Bản tính tôi từ trước đến giờ vốn không thích chạy theo đám đông mà thích tìm những cái gì riêng cho mình. Thời gian đầu, lựa chọn loại hình sản phẩm này có thể là mạo hiểm khi tìm cho mình một ngách riêng nhưng đến nay sau gần 30 năm mới thấy quyết định đó lại hoàn toàn đúng đắn.
Khách hàng nước ngoài của Gỗ Đức Thành đến từ đâu? Bí quyết giữ khách của bà là gì?
Bà Lê Hải Liễu: Gỗ Đức Thành tự hào đã đáp ứng được tiêu chuẩn khắt khe của các thị trường trên thế giới như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc... Những thị trường khó tính này mang doanh thu lớn về cho Gỗ Đức Thành trong thời gian qua.
Riêng Mỹ gần như là thị trường lớn nhất và khó tính nhất, mặc dù là khách hàng mới nhưng khách Mỹ lại có đơn đặt hàng lặp lại nhiều lần, điều này chứng tỏ sản phẩm họ đặt Gỗ Đức Thành được khách hàng ưa chuộng,
Với những khách hàng khó tính này, công ty phải thỏa mãn mọi điều kiện về giá cả, chất lượng, thời gian giao hàng và các tiêu chuẩn về an sinh xã hội ngặt nghèo khác. Bên cạnh đó, có lẽ nhờ chúng tôi có một nguyên tắc là không bao giờ chèn ép khách khi họ cần mình. Khi khách đặt đơn hàng gấp, tôi không thừa cơ tăng giá, không làm cao. Khi khách hàng đang gặp khó, tôi sẵn sàng giảm giá hoặc tìm mọi cách để chia sẻ với họ.
Gỗ Đức Thành đã hứa với khách hàng cái gì là làm đúng cái đó, vì làm sai một lần sẽ không bao giờ có cơ hội làm lại.
Có bao giờ bà phải từ chối một khách hàng nào đó? Lý do vì sao bà từ chối họ?
Bà Lê Hải Liễu: Chuyện đó có nhưng hiếm. Cách đây mấy năm có một khách hàng rất nổi tiếng từ châu Âu tìm đến đặt hàng, đơn hàng có giá trị rất lớn, đủ mê hoặc tất cả nhà máy sản xuất. Tuy nhiện, khi bàn đến giá cả, họ chê giá của Gỗ Đức Thành đắt. Họ tính toán rất giỏi, phân tích tỉ lệ % tiền nguyên liệu, tiền nhà xưởng, tiền lương... và cho rằng họ đặt giá như thế là Gỗ Đức Thành có lời rồi.
Điều đó cũng có thể đúng, nhưng họ quên một điều là phải tính đến những rủi ro trong kinh doanh không thể lường hết, vì vậy kinh nghiệm của chúng tôi là phải có dự phòng, nhưng họ thì không muốn đưa vào. Rốt cuộc hai bên đã không tìm được điểm chung, cuộc thương lượng bất thành.
Tôi cũng từng phải từ chối một khách hàng rất lớn từ Mỹ vì điều kiện thanh toán TTR 30 ngày của họ, nó rất bất lợi so với các khách hàng khác hay so với tiền lệ của Gỗ Đức Thành, mà họ thì cứ khăng khăng không chấp nhận bất cứ phương thức thanh toán nào khác.
Do vậy, thương lượng lại bất thành nhưng thà mất khách hàng chứ chúng tôi không chấp nhận rủi ro, hay ngoài tầm kiểm soát của mình. Rất nhiều người cho rằng tôi quá cẩn trọng, điều này không sai, vì thực lòng tôi không hề muốn mạo hiểm trên đồng vốn của các cổ đông, những người đã tin tưởng giao phó tiền đầu tư của họ cho tôi.
Gỗ Đức Thành đã được gần 30 tuổi, từ một cơ sở sản xuất nhỏ của gia đình và bây giờ là một công ty cổ phần với mã cổ phiếu luôn khó lùng mua vì hiếm nhà đầu tư chịu bán khi cổ tức hàng năm từ 40-70%. Tuy đã chuyển giao quyền điều hành công ty cho lớp trẻ, nhưng tầm ảnh hưởng của bà với Gỗ Đức Thành vẫn rất lớn. Điều mà bà thường nói với ban điều hành và nhân viên dưới quyền là gì?
Bà Lê Hải Liễu: Có 10 điều tôi thường nói với các bạn trong công ty. Đó là: Có đức thì mới thành công; phải luôn giữ uy tín với khách hàng, nhà cung cấp, các cổ đông và cán bộ công nhân viên; thời cơ đến nếu không nhanh nhạy đón nhận thì nó có thể vuột mất; cơ hội đang tốt thì phải tìm cách đẩy mạnh nữa chứ đừng nghĩ theo thói thường tình "tốt rồi, vậy là xong và không làm gì nữa"; phải luôn tính đến nhiều bước tiếp theo, chứ không chỉ tính một hoặc hai bước là đủ; muốn có kết quả tốt, phải đầu tư tâm trí và công sức, dù là việc nhỏ nhất; đi tìm điều khác biệt trong mọi việc để ở thế chủ động; luôn động não suy nghĩ trước khi làm bất cứ việc gì, không làm theo lối mòn; chỉ chấp nhận mạo hiểm để mình học hỏi rút kinh nghiệm còn làm gì cũng phải có kế hoạch, không làm đại, làm dối; làm nhiều hơn nói và làm xong mới nói.
Có một câu nói tôi rất hay sử dụng là: Khi muốn làm thì tìm phương tiện, khi không muốn làm thì tìm lý do.
Nhận trọng trách điều hành công ty từ người cha khi mới ngoài 30 tuổi, có khi nào bà cảm thấy sợ hãi? Nỗi sợ hãi đó là gì và làm sao để bà vượt qua nó?
Bà Lê Hải Liễu: Sợ hãi à? Có chứ, nhiều lắm…. Nếu tìm một biểu tượng cho mình thì tôi sẽ chọn con nhím, vì tôi cũng giống nhím, cũng luôn xù lông lên để tấn công, để tự bảo vệ, để chống chọi trước mọi tình huống. Đó là tôi trên thương trường còn khi trở về nhà và khi sống thật với mình, tôi lại mềm yếu vô cùng.
Tôi từng trải qua nhiều nỗi sợ hãi: Đó là khi nhận tiền ứng đến 90% của khách, tôi thấy trách nhiệm của mình lớn quá, tôi sợ. Khi quỹ đầu tư ngoại quyết định chọn Gỗ Đức Thành để đầu tư một khoản tiền lớn, họ yêu cầu công ty phải tăng trưởng 70% doanh thu trong năm đầu tiên, tôi cũng sợ. Khi quyết định niêm yết trên sàn chứng khoán, bao nhiêu điều mới mẻ phải học hỏi, bao nhiêu là giông bão khi đưa con thuyền ra khơi… tôi sợ lắm.
Nhưng cho dù sợ đến thế nào, tôi không còn con đường nào khác, không thể né tránh, không biết kêu ai, chỉ còn mỗi một cách duy nhất là đương đầu với nó, tìm mọi cách để giải quyết nó và làm cho bằng được những gì mình đã hứa.
Không thiếu những người làm đại, may thì có khi thắng, còn tôi làm bất cứ việc gì cũng suy nghĩ, tìm cách, tìm lý lẽ, tại sao mình làm thế này mà không làm thế kia. Số cực nên vậy đó!
Xin cám ơn bà!