Chủ tịch Hà Nội cam kết sẽ xây các khu nhà ở xã hội cho người lao động

Làm thế nào để người lao động có nhà ở, thu nhập ổn định, có vốn, được vay tín dụng ưu đãi... là những vấn đề lãnh đạo Hà Nội đặc biệt quan tâm.

Ngày 23.5, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã gặp gỡ, đối thoại với công nhân, người lao động thủ đô năm 2024.

Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Trần Sỹ Thanh tại cuộc gặp gỡ đối thoại - Ảnh: TN

Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Trần Sỹ Thanh tại cuộc gặp gỡ đối thoại - Ảnh: TN

Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động TP cho biết: Hiện nay, Hà Nội có hơn 270.000 doanh nghiệp với khoảng 2,7 triệu người lao động. Liên đoàn đang quản lý, chỉ đạo hoạt động 45 công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở với tổng số 9.208 công đoàn cơ sở và 664.031 đoàn viên; trong đó khu vực sản xuất kinh doanh có 5.781 công đoàn cơ sở với 470.024 đoàn viên.

Về tiền lương, tiền thưởng: Quý 1/2024, thu nhập bình quân của người lao động là 7 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, mức thu nhập của người lao động như trên vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt tối thiểu, do tình hình lạm phát, người lao động phải chịu nhiều chi phí, như thuê nhà trọ, gửi trẻ, giá hàng hóa tiêu dùng tăng cao... Đặc biệt, cuộc sống còn khó khăn hơn đối với công nhân lao động đang làm việc ở các khu công nghiệp, chế xuất.

Về nhà ở, Hà Nội hiện có 10 khu công nghiệp, chế xuất, khu công nghệ cao Hòa Lạc, với 661 doanh nghiệp và khoảng 167.000 người lao động; trong đó phần lớn là lao động ngoại tỉnh (chiếm trên 80%). Vấn đề nhà ở cho công nhân còn rất thiếu so với sự gia tăng nhanh của lực lượng lao động. Công nhân rất mong được mua nhà ở xã hội với giá cả phù hợp để an cư lạc nghiệp.

Hiện tại, có khoảng trên 70% công nhân đang phải thuê nhà trọ ở các khu dân cư. Trong đó, một số khu nhà trọ diện tích chật hẹp, an ninh trật tự và vệ sinh môi trường chưa đảm bảo, mức giá thuê trọ và tiền điện, tiền nước cao... Ngoài ra, các trường học công lập cho con em họ còn thiếu, điều đó đã gây khó khăn hơn cho người lao động.

Về chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp: Hiện nay, số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là 2.059.803 người, tăng 88.126 người so với cùng kỳ năm 2023; tăng 2.105 người so với thời điểm cuối năm 2023; đạt 88,93% kế hoạch; chiếm 44,3% lực lượng lao động trong độ tuổi. Tuy nhiên, tình trạng nợ đọng, trốn đóng bảo hiểm xã hội tăng cao, nhiều doanh nghiệp cố tình chây ì, nợ đóng, trốn đóng, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động. Tính đến hết tháng 4.2024, toàn TP có 93.539 đơn vị chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, tổng số tiền chậm đóng là 5.821 tỉ đồng, tỷ lệ chậm đóng là 8,24%.

Chị Nguyễn Thị Thanh Huyền giáo viên Trường trung học cơ sở Cổ Đông phản ánh: Hiện nay Liên đoàn Lao động TP đã có quỹ trợ vốn cho công nhân lao động nghèo, phát triển kinh tế gia đình. Tuy nhiên nguồn vốn ít, chưa đáp ứng đủ nhu cầu của đoàn viên, người lao động. Đề nghị UBND TP chỉ đạo Ngân hàng Chính sách xã hội TP triển khai các chương trình cho vay tín dụng ưu đãi đối với người lao động trên địa bàn để vay mua nhà, xây sửa nhà ở. Ngoài ra người lao động có thể tiếp cận thêm nguồn vốn ưu đãi nào từ TP? Thủ tục cho vay vốn có điều kiện và có được linh hoạt về thời gian không? Đề nghị UBND TP tạo điều kiện và hướng dẫn để các đơn vị triển khai đến người lao động.

Anh Nguyễn Văn Nam (Công ty cổ phần Hãng sơn Đông Á, Liên đoàn Lao động huyện Gia Lâm) kiến nghị: "Sau dự án nhà ở xã hội tại khu đô thị Đặng Xá thì huyện Gia Lâm không còn dự án nhà ở xã hội nào được xây dựng. Hiện nay, trên địa bàn có nhiều khu công nghiệp có nhiều công nhân, vợ chồng trẻ phải đi thuê nhà trọ. Tôi đề nghị TP xem xét có thêm các dự án nhà ở xã hội và các chính sách hỗ trợ vay mua nhà ở xã hội".

Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Trần Sỹ Thanh khẳng định: "Trên tinh thần tiếp thu, nếu vướng mắc nào có thể tháo gỡ, lãnh đạo TP, các sở ngành, đơn vị sẽ giải đáp ngay. Chính quyền TP luôn lắng nghe với tinh thần cầu thị nhất, sẽ đáp ứng tối đa những nguyện vọng chính đáng của công nhân, người lao động vì điều đó cũng sẽ là động lực để TP phát triển".

"Nhà ở là vấn đề quan trọng đối với mỗi người lao động nói chung và cán bộ lao động tại các khu công nghiệp nói riêng, bởi an cư mới lạc nghiệp", Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh. Ông khẳng định trong năm 2024 và thời gian còn lại của nhiệm kỳ, UBND TP phải khởi công được các khu nhà ở xã hội theo đúng quy hoạch. Các sở ban ngành phải xác định đây là "món nợ" với người lao động, công nhân TP.

"Tới đây, khi Luật Thủ đô được thông qua, chúng ta có thêm quyền nhất định để ban hành một số cơ chế đặc thù về hỗ trợ cho phúc lợi xã hội nói chung trong đó có chính sách hỗ trợ để người lao động có thể thuê, mua nhà ở xã hội. Bên cạnh các chế độ chính sách của trung ương, TP, UBND TP mong muốn Liên đoàn Lao động TP đồng hành, giúp người lao động được tiếp cận nhà ở xã hội bởi một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các cấp công đoàn là phải làm sao để người lao động khi tham gia vào tổ chức công đoàn cảm thấy được chăm lo, bảo vệ, được quan tâm với những hoạt động thiết thực", Chủ tịch Hà Nội nhấn mạnh.

Tuyết Nhung

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/chu-tich-ha-noi-cam-ket-se-xay-cac-khu-nha-o-xa-hoi-cho-nguoi-lao-dong-217567.html