Hà Nội ra chỉ thị tăng cường quản lý, kiểm soát giết mổ động vật

Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh vừa ký ban hành Chỉ thị số 07/CT-UBND về việc tăng cường công tác quản lý, kiểm soát giết mổ động vật bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm.

Công tác quản lý, kiểm soát giết mổ động vật, vận chuyển, kinh doanh sản phẩm động vật giữ vai trò then chốt trong công tác phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, bệnh lây từ động vật sang người; đồng thời góp phần bảo đảm vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm và sức khỏe cộng đồng.

Thời gian qua, công tác này đã được các cấp, ngành triển khai với nhiều nỗ lực. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số bất cập, hạn chế. Việc triển khai mạng lưới giết mổ tập trung theo Quyết định số 761/QĐ-UBND ngày 17/2/2020 của UBND Thành phố Hà Nội chưa đạt yêu cầu.

Cụ thể, hiện mới có 5 cơ sở giết mổ công nghiệp đang hoạt động ổn định, 2 cơ sở tạm dừng; 3/8 cơ sở giết mổ tập trung được đầu tư và vận hành; 13/13 cơ sở giết mổ tập trung quy mô nhỏ đã phê duyệt chưa triển khai xây dựng.

Trong số 718 cơ sở giết mổ trên toàn Thành phố, chỉ có 140 cơ sở được chính quyền địa phương cho phép hoặc tạm thời cho phép hoạt động và được cơ quan chuyên ngành kiểm soát.

Trước thực trạng trên và nhằm triển khai hiệu quả chủ trương, chính sách của Trung ương về công tác quản lý, kiểm soát giết mổ động vật bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh yêu cầu tập trung chỉ đạo, triển khai đồng bộ các nội dung sau:

Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã, tiếp tục chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ, nghiêm túc công tác quản lý, kiểm soát giết mổ, vận chuyển, kinh doanh động vật sản phẩm động vật theo đúng quy định tại Luật Thú y, Luật An toàn thực phẩm, các văn bản chỉ đạo liên quan của Bộ Nông nghiệp và Môi trường và UBND Thành phố Hà Nội.

UBND các huyện, thị xã có các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm đã được UBND Thành phố Hà Nội phê duyệt tại Quyết định 761/QĐ-UBND ngày 17/2/2020, tập trung triển khai quyết liệt các giải pháp để thực hiện Mạng lưới cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn; xây dựng lộ trình đưa các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ vào các cơ sở giết mổ tập trung có kiểm soát; đồng thời có giải pháp tổ chức thực hiện quyết liệt.

Chỉ đạo UBND cấp xã tăng cường công tác quản lý, kiểm tra cơ sở giết mổ động vật nhỏ lẻ trên địa bàn; xử lý nghiêm các trường hợp giết mổ trái pháp luật, không đáp ứng vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm, môi trường.

Tăng cường thực hiện quản lý hoạt động của các cơ sở giết mổ tập trung theo quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 76 của Luật Thú y; quản lý, kiểm soát chặt chẽ công tác giết mổ, vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn theo quy định và theo phân cấp về quản lý an toàn thực phẩm;

Bảo đảm sản phẩm động vật kinh doanh được kiểm soát về nguồn gốc, vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm; tập trung xử lý việc giết mổ gia súc, gia cầm tự phát gây ô nhiễm môi trường, không đảm bảo an toàn thực phẩm theo thẩm quyền, quy định của pháp luật.

Thông tin, tuyên truyền, thông báo công khai, phổ biến rộng rãi nội dung chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 08/2023/NQ-HĐND ngày 4/7/2023 của HĐND Thành phố Hà Nội.

Cùng với đó, tuyên truyền, nâng cao ý thức trách nhiệm của các cơ sở giết mổ, sơ chế, chế biến, kinh doanh sản phẩm động vật khi hoạt động phải tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật trong lĩnh vực vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm và môi trường; đồng thời, tuyên truyền nâng cao nhận thức người tiêu dùng, không sử dụng các sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, không đảm bảo vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm.

Sở Nông nghiệp và Môi trường tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đặc biệt là thanh tra, kiểm tra đột xuất về thú y, an toàn thực phẩm đối với cơ sở giết mổ động vật; giải quyết kịp thời các sự cố mất an toàn thực phẩm; xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân vi phạm và các cơ quan, nhân viên thú y thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý đối với cơ sở giết mổ động vật; cơ sở sơ chế, chế biến sản phẩm động vật sử dụng làm thực phẩm.

Tiếp tục tập trung, tăng cường hướng dẫn UBND các huyện, thị xã quản lý hoạt động của cơ sở giết mổ động vật theo quy định tại điểm b, khoản 2 và điểm b, khoản 3, Điều 76 của Luật Thú y.

Chủ trì tham mưu UBND Thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch Quản lý giết mổ, vận chuyển, kinh doanh động vật và sản phẩm động vật trên địa bàn Thành phố.

Và tuyên truyền nâng cao nhận thức của người tiêu dùng, người kinh doanh, giết mổ động vật bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm.

Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội giao Sở Công thương chỉ đạo các đơn vị quản lý chợ, trung tâm thương mại, siêu thị và các cơ sở có kinh doanh sản phẩm từ động vật chấp hành nghiêm các quy định, điều kiện về an toàn thực phẩm và nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, không kinh doanh sản phẩm từ động vật không rõ nguồn gốc, chưa được kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, không đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm.

Tăng cường kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật về an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tại trung tâm thương mại, chợ truyền thống, các siêu thị, cửa hàng kinh doanh theo phân công, phân cấp về an toàn thực phẩm; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về an toàn thực phẩm.

Đồng thời, tăng cường, chủ động đấu tranh phòng, chống tội phạm về việc buôn lậu, kinh doanh vận chuyển, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật chết, bệnh, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm đưa ra tiêu thụ trên địa Thành phố.

Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội giao Công an Thành phố Hà Nội chỉ đạo lực lượng Công an phối hợp với các sở, ngành chức năng liên quan kiểm tra, kiểm soát việc lưu thông, vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật từ các tỉnh, thành phố đưa vào Hà Nội tại các cửa ngõ giao thông và ngăn chặn việc nhập lậu thực phẩm từ biên giới về Hà Nội.

Chỉ đạo lực lượng Cảnh sát môi trường, Công an các địa phương tăng cường, chủ động đấu tranh phòng, chống tội phạm về việc buôn lậu, kinh doanh vận chuyển, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật chết, bệnh, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm.

Bố trí lực lượng tham gia các Chốt kiểm dịch động vật liên ngành để kiểm soát, phúc kiểm động vật, sản phẩm động vật ra, vào Thành phố.

Giao Sở Y tế tăng cường giám sát phát hiện sớm những trường hợp nhiễm, nghi nhiễm các loại bệnh từ động vật sang người, bệnh truyền qua thực phẩm có nguồn gốc động vật, chủ động giám sát tại cộng đồng; phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh trên người, cách ly, khoanh vùng xử lý triệt để, không để dịch bệnh lây lan; sẵn sàng thu dung, điều trị bệnh nhân.

Chủ trì, phối hợp với các đơn vị chức năng có liên quan, tổ chức kiểm tra các cơ sở thực hiện quy định về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm theo phân công, phân cấp.

Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội cũng giao các Sở, ban ngành liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ chủ động phối hợp với Sở Nông nghiệp và Môi trường, UBND các huyện, thị xã và các đơn vị liên quan trong quá trình triển khai thực hiện Quyết định số 761/QĐ-UBND ngày 17/2/2020 của UBND Thành phố Hà Nội.

Phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và Môi trường, UBND các huyện, thị xã tăng cường công tác kiểm tra, phòng ngừa, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong lĩnh vực vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm tại các cơ sở giết mổ, sơ chế, chế biến, kinh doanh sản phẩm động vật nhằm đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm.

Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội yêu cầu Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã, Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan quán triệt, thực hiện nghiêm Chỉ thị này.

Minh Thắng

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/ha-noi-ra-chi-thi-tang-cuong-quan-ly-kiem-soat-giet-mo-dong-vat-d269069.html