Chủ tịch Hà Nội Chu Ngọc Anh chỉ đạo họp Ban Chỉ đạo phòng chống COVID-19
'Cơ bản là vấn đề nhận thức. Cái gì làm tốt thì giờ làm tốt hơn. Hà Nội đang chuẩn bị nhiều sự kiện quan trọng của đất nước. Tinh thần là không để có làn sóng thứ 3 COVID-19', Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh nói.
Không để xảy ra làn sóng thứ ba
Chiều 2/12, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 trực tuyến tới toàn bộ quận, huyện, xã, phường, thị trấn, các bệnh viện trên địa bàn thành phố.
Ông Chu Ngọc Anh nêu, hiện nay, xuất hiện tình trạng lây nhiễm tại cộng đồng ở TP HCM, đã lây ra địa bàn 3 quận. Các ca F1, F2 thậm chí đã xuất hiện tại Đà Nẵng. “Việc này không chủ quan được. Phải vào cuộc theo tinh thần vừa phát huy kinh nghiệm đã có, vừa có trách nhiệm phòng chống dịch bệnh”, ông Anh nói.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết, tinh thần là các cấp ủy, chính quyền trên địa bàn thành phố phải vào cuộc “khẩn cấp, quyết liệt”, phải kiểm soát từ bên ngoài, ngăn chặn từ bên trong. “Đề cao cảnh giác nhưng không hoang mang”, ông Chu Ngọc Anh nói, đồng thời cho rằng, các quận, huyện, đặc biệt là các quận lõi phải quán triệt việc thực hiện quy tắc 5K trong phòng chống dịch, đảm bảo phát triển thương mại, dịch vụ, không để bùng phát dịch.
“Hà Nội được lãnh đạo Đảng, Nhà nước rất tín nhiệm, vừa qua có nhiều thành tích xuất sắc, bao gồm cả việc phòng chống, kiểm soát COVID-19. Cần phát huy tinh thần này. Đặt trách nhiệm rất nghiêm túc. Phải cảnh giác cao độ, không được chủ quan lơ là vì nếu xảy ra làn sóng thứ 3 thì rất khó khăn. Cần phát huy trách nhiệm từng người, từ cấp thôn, tổ dân phố”, ông Chu Ngọc Anh nói thêm.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cảm ơn việc Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh Lương Ngọc Khuê tham gia họp, “sát cánh, chung sức” cùng với Hà Nội trong phòng chống COVID-19.
“Cơ bản là vấn đề nhận thức. Cái gì làm tốt thì giờ làm tốt hơn. Hà Nội đang chuẩn bị nhiều sự kiện quan trọng của đất nước. Tinh thần là không để có làn sóng thứ 3”, ông Chu Ngọc Anh nói.
Ông Chu Ngọc Anh cũng cho biết, đây là lần đầu tiên ông tham gia họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố. Những cuộc họp trước đây, dưới sự chỉ đạo, điều hành của Ban chỉ đạo đều thực hiện rất tốt.
Lo ngại về công tác cách ly tổ bay
Báo cáo về kết quả kiểm tra của 5 đoàn công tác của thành phố, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho biết, tại các khách sạn phục vụ cách ly, camera giám sát chưa được tốt, không đầy đủ, nhiều khi việc giám sát không được thường xuyên, dẫn đến không biết người thực hiện cách ly có tuân thủ đầy đủ, nghiêm túc hay không. Cùng với đó, việc phân luồng đi lại trong khách sạn cũng chưa rõ ràng; việc phân loại rác thải theo quy định chưa thực hiện nghiêm túc. Tại các nơi công cộng, việc tuân thủ quy định phòng chống dịch chưa nghiêm túc, đặc biệt là việc đeo khẩu trang.
“Cần tiếp tục chấn chỉnh. Với các khu khách ly tập trung, tại các khách sạn cần tuân thủ, chấp hành nghiêm túc tuyệt đối các nguyên tắc. Đặc biệt, người cách ly phải chấp hành nghiêm túc”, ông Hiền nói, đồng thời yêu cầu các quận, huyện tăng cường kiểm tra, xử lý các tồn tại.
Cùng với đó, ông Hiền cho rằng, một số điểm cách ly ở nơi lưu trú còn trong khu vực đông người. “Chúng tôi kiến nghị, khi cho phép cách ly tại khu lưu trú phải riêng biệt thì mới được cách ly, không cho phép cách ly tại nơi lưu trú đông dân cư, khu chung cư”, ông Hiền nêu.
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cũng nêu “rất băn khoăn” với việc cách ly các tiếp viên hàng không. “Với tiếp viên hàng không, phải đảm bảo cách ly đủ 14 ngày. Những người này đi lại nhiều, cách ly tại nhà, tại nơi lưu trú thường hay đi lại. Phải yêu cầu có phòng riêng, nơi cách ly riêng. Nếu không thì yêu cầu cách ly tập trung đủ 14 ngày”, ông Hiền đề nghị.
Cũng theo ông Hiền, các bệnh viện cần tiếp tục duy trì, kiểm soát người ra vào, lấy xét nghiệm với các trường hợp nghi ngờ, có nguy cơ cao. Đặc biệt, thời gian vừa qua, các bệnh viện có dấu hiệu lơi lỏng, các lãnh đạo bệnh viện phải kiểm tra, nếu không chấp hành sẽ chịu trách nhiệm trước Sở Y tế và thành phố. Các sự kiện tập trung đông người phải thực hiện đúng nguyên tắc phòng chống COVID-19.
Liên quan đến công tác cách ly, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung cho biết, hiện nay, Hà Nội có 17 khách sạn phục vụ công tác cách ly, công suất 1.759 phòng, 2.850 chỗ. “Hiện tại đang cách ly 1.453 người. Lũy tích của 17 khách sạn đến nay là 8.796 người”, ông Chung nói.
Về cách ly tổ bay, theo ông Chung, Hà Nội bố trí 3 cơ sở gồm 200 Nguyễn Sơn (Long Biên) của VietnamAirlines; khách sạn Hyatt; khách sạn Hilton, công suất 361 người. Hiện đang thu dung 157 người, lũy tích đến nay đạt 9.521 người. Thời gian qua, tại 17 khách sạn, phát hiện 7 ca dương tính, nhưng không có việc lây nhiễm tại khách sạn.
Ông Chung nhận định, nguy cơ lây nhiễm tại các khách sạn, nơi cách ly tổ bay là rất cao. Ông Chung đề nghị, phải thực hiện cách ly đủ 14 ngày, sau đó về cơ sở phải theo dõi thêm 14 ngày. “Những đối tượng này có thể yên tâm hơn vì đã xét nghiệm 2 lần vào ngày đầu và ngày thứ 14”, ông Chung nói.
Đặc biệt, theo ông Chung, những trường hợp chia ra 7 ngày cách ly tập trung, 7 ngày cách ly ở nơi lưu trú là có nguy cơ cao, vì thế khi chuyển giao về địa phương cần quản lý chặt chẽ.
Ông Chung cũng nêu, vừa qua có một số đoàn chuyên gia diện “dưới 14 ngày” vào làm việc, có yêu cầu lựa chọn khách sạn ngoài danh sách 17 khách sạn cách ly của thành phố. Việc này gây rất nhiều khó khăn cho công tác quản lý, vì các đoàn này được phép làm việc, tổ chức các kỳ cuộc, giám sát rất vất vả.
Ông Chung đánh giá, việc cách ly các tổ bay là rất phức tạp và có nguy cơ vì số lượng rất đông, ra vào nhiều. “Mà diện này cứ về nơi cách ly, xét nghiệm âm tính là cho về nhà cách ly tiếp. Đề nghị xem xét, quan tâm 3 khu cách ly các tổ bay. Chính quyền địa phương khi tiếp nhận các trường hợp là thành viên tổ bay về thì phải giám sát nghiêm ngặt”, ông Chung đề nghị.
Không có vùng trống, không có ngoại lệ
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý cho rằng, đến nay, một bộ phận người dân vẫn không đeo khẩu trang nơi công cộng. Các cơ sở cách ly tập trung cơ bản thực hiện tốt. tuy nhiên, vẫn có nội dung phải chấn chỉnh. Thời gian tới, nguy cơ đối với Hà Nội thường trực xảy ra, nếu không thực hiện tốt việc phòng chống.
Ông Quý cho rằng, trong cộng đồng, vẫn có nguy cơ người khỏi bệnh tái nhiễm lại; các ca cách ly xong 14 ngày mới phát bệnh; hoặc những ca cách ly 7 ngày tập trung, 7 ngày tại nơi lưu trú có thể phát bệnh… Trong khi đó, nguy cơ từ bên ngoài đến từ những người nhập cảnh không thực hiện cách ly theo đúng quy trình; nhập cảnh trái phép qua biên giới…
“Sở Y tế và CDC Hà Nội cần liên hệ thường xuyên với Sở Y tế, CDC thành phố Hồ Chí Minh để xem có trường hợp nào liên quan đến các ca bệnh để thành phố có biện pháp phòng tránh phù hợp”, ông Quý yêu cầu, đồng thời đề nghị tiếp tục tuyên truyền thực hiện quy tắc 5K; đeo khẩu trang nơi công cộng; quản lý chặt chẽ việc cách ly các trường hợp nhập cảnh; thực hiện đầy đủ quy trình đảm bảo an toàn cho bệnh viện…
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho rằng, cần tiếp tục thực hiện nghiêm quy tắc 5K; đảm bảo an toàn cho các bệnh viện. “Bên cạnh các đoàn kiểm tra của Bộ Y tế, Sở Y tế Hà Nội cũng cần thành lập các đoàn kiểm tra để đánh giá các tiêu chí an toàn. Chúng tôi cũng đã ban hành tiêu chí an toàn cho các phòng khám, đề nghị nhanh chóng kiểm tra các tiêu chí này, mục tiêu là đảm bảo an toàn các cơ sở y tế để thực hiện nhiệm vụ chính trị của thành phố Hà Nội”, ông Sơn nói.
Ông Sơn cũng cho rằng, hiện nay, nhiều ý kiến ở Hà Nội đang lo ngại về các khu vực cách ly tại các khách sạn, khu cách ly các tổ bay. Đã có các đoàn kiểm tra các khu vực này rồi, nên cần thực hiện thêm, vì đang rất lo ngại về các vị khách nước ngoài, các tổ bay về cách ly. “Nếu không đảm bảo vấn đề này sẽ bị giống thành phố Hồ Chí Minh. Cần phải hết sức quan tâm. Đối với các tổ bay, Thủ tướng đã yêu cầu cách ly đầy đủ 14 ngày chứ không phải có chuyện cách ly 5 – 7 ngày, sau đó xét nghiệm âm tính là được về nhà”, ông Sơn nói.
Thứ trưởng Bộ Y tế cũng thông tin, hiện nay, có nhiều băn khoăn về việc cách ly, xét nghiệm các đoàn chuyên gia, khách mời vào Việt Nam. Theo ông Sơn, khi vào Việt Nam các thành viên trong đoàn đều phải kiểm tra, xét nghiệm theo tinh thần không có vùng trống, không có ngoại lệ.