Chủ tịch Hà Nội Trần Sỹ Thanh: Đang nghiên cứu biến các bãi chôn lấp rác thành công viên
Chủ tịch Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết Hà Nội đang nghiên cứu, xây dựng chính sách xử lý toàn bộ lượng rác đã chôn lấp ở Nam Sơn (Sóc Sơn), biến nơi đây thành công viên, cây xanh…
Sáng ngày 26-9, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cùng các đại biểu của đoàn ĐBQH TP Hà Nội (đơn vị bầu cử số 10) đã tiếp xúc cử tri huyện Sóc Sơn trước kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV.
Cử tri kiến nghị xử lý ô nhiễm bãi rác Nam Sơn
Tại cuộc tiếp xúc, nhiều cử tri đã kiến nghị với các ĐBQH và lãnh đạo TP Hà Nội về xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường, xử lý rác thải tại Khu liên hiệp xử lý chất thải Nam Sơn (còn gọi là bãi rác Nam Sơn, huyện Sóc Sơn, Hà Nội). Cử tri cũng kiến nghị TP không mở rộng bãi rác Nam Sơn giai đoạn 3.
Cử tri Cù Hồng Dân (xã Nam Sơn) đề nghị TP quan tâm chỉ đạo xử lý nước rỉ rác, có biện pháp che chắn nhằm tránh phát sinh ô nhiễm môi trường, ruồi, muỗi ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống sinh hoạt của người dân xung quanh bãi rác.
“Cử tri mong TP xem xét, sớm chấp thuận chính sách về thu hồi đất, hỗ trợ tái định cư của các hộ dân thuộc dự án di dân vùng ảnh hưởng môi trường bán kính 0-500m theo đề xuất của UBND huyện Sóc Sơn (tại cuộc họp với người dân vào ngày 19-8 vừa qua) nhằm sớm ổn định cuộc sống của bà con nhân dân” - cử tri Dân đề nghị.
Về nội dung này, Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội Nguyễn Huy Cường cho hay hiện TP đang tập trung xử lý dứt điểm các tồn tại, bất cấp ở các bãi chôn lấp, trong đó có khu chôn lấp rác Nam Sơn. “TP đã đưa vào quy hoạch, xây dựng nhà máy rác hiện đại và chỉ đạo sở tiếp tục nghiên cứu phương án xử lý số rác thải đã chôn trước đây”- ông Cường nói.
Theo ông Cường, giai đoạn 1 của dự án bãi rác Nam Sơn đã đầu tư xong, giai đoạn 2 đang tiến hành, còn 1 phần cần giải phóng mặt bằng. Giai đoạn 3 sẽ khoanh vùng quanh bãi rác với bán kính 500m, trồng cây xanh để ngăn ô nhiễm, tránh ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.
“Trong đó có một phần diện tích nhỏ sẽ đầu tư xây dựng nhà máy đốt rác công nghệ hiện đại. TP đã kiểm tra, Bộ TN&MT cũng sẽ kiểm tra đánh giá cụ thể” - ông Cường nói và cho biết thêm các cơ quan của TP đã đang tích cực giải quyết vấn đề nước rỉ rác, bồi thường hỗ trợ giải phóng mặt bằng…
Biến bãi rác thành công viên.
Ghi nhận, giải đáp các kiến nghị của cử tri liên quan đến bãi rác Nam Sơn, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho hay TP đã chỉ đạo địa phương xử lý. Vừa qua, các đơn vị sở ngành chức năng cùng UBND huyện Sóc Sơn đã xây dựng vòng bán kính 500m trong vùng ảnh hưởng của bãi rác Nam Sơn. Tuy nhiên, huyện vẫn cần rà soát lại để tránh sót đối tượng được hưởng chính sách đặc thù, kể cả còn một hộ gia đình cũng phải được giải quyết.
Cũng theo Chủ tịch Hà Nội, dự kiến Hà Nội sẽ hoàn thiện Nhà máy điện rác Thiên Ý (Sóc Sơn) và Nhà máy điện rác Seraphin (Sơn Tây) trong quý I, chậm nhất là quý II-2024. Sau khi hai nhà máy này đi vào vận hành, tổng công suất xử lý rác sẽ đạt 6.500m3/ngày đêm. Ngoài ra có 1 nhà máy xử lý rác do Nhật tài trợ với công suất khoảng 750 m3/ngày đêm.
“Với mức công suất này, thì TP không cần phải chôn lấp rác thải nữa, toàn bộ rác thải sinh hoạt sẽ được xử lý” - ông Thanh nói.
Đặc biệt, Chủ tịch Hà Nội thông tin hiện một vài nhà đầu tư còn quan tâm đến việc "móc" toàn bộ rác cũ được chôn lấp ở bãi rác Nam Sơn lên để đốt. Trong đó, nhà đầu tư đã sẵn sàng nhưng vì chưa có định mức, căn cứ để xây dựng cơ chế đấu thầu, lựa chọn nhà thầu nên thành phố chưa thực hiện được.
"Tôi cũng mong muốn đẩy sớm việc xây dựng một nhà máy tiêu thụ toàn bộ rác đã chôn trong quá khứ để xử lý, còn chỗ cũ sẽ biến thành công viên công cộng để người dân hưởng lợi. Tính dần như vậy, khó đến mấy chúng ta cũng phải làm", Chủ tịch Hà Nội nói.
Theo đó, ông Thanh yêu cầu các sở, ngành liên quan báo cáo lại phương án để đấu thầu vận hành các nhà máy sắp hoàn thiện. Sau đó, sẽ tìm một vài vị trí phù hợp ở các quận huyện còn lại, phù hợp với quy hoạch để xây thêm một nhà máy khác nhằm phân tán lượng rác, không để tập trung ở Xuân Sơn (thị xã Sơn Tây) và Nam Sơn (huyện Sóc Sơn).