Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ: Thay đổi mô hình đầu tư giúp bán lẻ duy trì tăng trưởng
Việc đầu tư công nghệ và thay đổi mô hình đầu tư kịp thời đã giúp doanh nghiệp bán lẻ tăng trưởng trong bối cảnh kinh tế khó khăn.
Kinh tế khó khăn, lợi nhuận bán lẻ suy giảm
Trong một báo cáo được SSI Research công bố gần đây, tính đến nửa đầu năm 2023, trong khi chỉ số VN-Index đã tăng 11,2% thì các cổ phiếu bán lẻ lại giảm 1,3%. Nguyên nhân giá cổ phiếu khu vực bán lẻ kém tích cực là do các công ty trong ngành lần lượt công bố kết quả lợi nhuận suy giảm.
Trong đó, Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động (mã MWG: HoSE) công bố doanh thu mảng công nghệ thông tin và điện tử gia dụng của MWG đạt 35 nghìn tỷ đồng trong 5 tháng đầu năm, giảm 27% so với cùng kỳ.
Một doanh nghiệp bán lẻ khác là Công ty cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (mã FRT: HoSE) cũng ghi nhận doanh thu trong quý I giảm 20% so với cùng kỳ. Hay Công ty cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (mã PNJ: HoSE) ghi nhận sự suy yếu về tiêu thụ trang sức thể hiện rõ hơn từ quý 2 với doanh thu bán lẻ và bán buôn lần lượt giảm 22% và 39% trong tháng 4 và 5/2023 so với cùng kỳ.
Còn Công ty cổ phần Thế giới số (mã DGW: HoSE), lợi nhuận báo cáo trong quý 1 giảm 61% so với cùng kỳ và thu hẹp dần trong quý hai là âm khoảng 34%.
Trên thực tế, kể từ quý 4/2022, lợi nhuận của các doanh nghiệp bán lẻ đã giảm sút đáng kể do chịu ảnh hưởng từ những khó khăn của kinh tế vĩ mô. Đặc biệt là xuất khẩu sụt giảm khiến nhiều công nhân mất việc cộng thêm lạm phát leo thang càng gây áp lực lên thu nhập khả dụng của người tiêu dùng, do đó người tiêu dùng phải cắt giảm chi tiêu không thiết yếu.
Ngoài ra, môi trường lãi suất cao và tín dụng thắt chặt bởi các công ty tài chính tiêu dùng càng đè nặng lên tiêu dùng không thiết yếu, nhất là các mặt hàng ICT và CE (công nghệ thông tin và điện tử gia dụng).
Đổi mới công nghệ duy trì tăng trưởng
Trong bối cảnh khó khăn chung, thị trường bán lẻ vẫn có doanh nghiệp duy trì tăng trưởng nhờ đầu tư vào công nghệ và thay đổi mô hình đầu tư kịp thời. Chia sẻ tại Diễn đàn Kinh doanh lần thứ 11 (Business Forum 2023) do Forbes Việt Nam tổ chức mới đây, ông Nguyễn Anh Đức, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam (AVR), Tổng giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP. Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) cho biết: Trong khi thị trường giảm tốc ở những tháng đầu năm 2023 thì Saigon Co.op vẫn tăng trưởng.
Kết quả này theo ông Đức là do: Đầu tư vào trí tuệ nhân tạo (AI), chuyển đổi số là những đầu tư ‘không hối tiếc’ song song với thay đổi mô hình đầu tư không chỉ giúp các doanh nghiệp nói chung và Saigon Co.op nói riêng vượt qua khủng hoảng mà tạo đà cho tăng trưởng giai đoạn lâu dài về sau. “Mỗi doanh nghiệp tham gia vào thương mại điện tử, số hóa cần phải có sự lựa chọn về lối đi riêng phù hợp của mình dựa trên thế mạnh của mình, áp dụng nhanh chóng để theo kịp sự thay đổi và cập nhật liên tục của công nghệ hiện đại”, ông Nguyễn Anh Đức nhấn mạnh.
Cũng theo ông Đức, có 2 khía cạnh rất lớn ảnh hưởng trong vòng 2 năm qua và đặc biệt là 6 tháng đầu năm 2023. Thứ nhất, đó chính là bức tranh tăng trưởng kinh tế mang tông màu trầm buồn xám đen của đa phần các quốc gia có mối quan hệ giao thương rất mật thiết với Việt Nam, có ảnh hưởng trực diện rất lớn với ngành bán lẻ. Thứ hai, tại Việt Nam, Quốc hội, Chính phủ, Bộ ngành, Chính quyền địa phương liên tục ban hành nhiều Nghị quyết, thông tư, nghị định cùng vực dậy nền kinh tế, từ đó Saigon Co.op đã nắm bắt và chủ động đưa ra những giải pháp phù hợp.
Bên cạnh đó, Saigon Co.op đã tập trung tăng trưởng theo chiều sâu, hy sinh những điểm bán, mặt hàng, dịch vụ chưa thật sự hiệu quả tốt. Nhờ vậy, giữ tốc độ tăng trưởng trong sáu tháng đầu năm tương đối khả quan. Đồng thời, doanh nghiệp cũng phải cải tổ hiệu suất bên trong, tiết kiệm theo phương châm “Do more with less” (Làm nhiều hơn với ít công hơn) - tận dụng nguồn lực sẵn có, xây dựng văn hóa doanh nghiệp vững vàng, vượt qua những giai đoạn khó khăn, tạo sự tăng trưởng theo chiều sâu và thực hiện nghiên cứu sâu để tận dụng những lợi ích của các chính sách hỗ trợ gần đây nhằm tạo cú hích cho các sản phẩm, ngành hàng và địa bàn kinh doanh.
Ngay như ở thời điểm hiện tại, nhà bán lẻ này luôn trong tâm thái lạc quan, chủ động và sẵn sàng đón nhận các chính sách trong nước như tăng tốc đầu tư công, giảm thuế VAT hay Nghị quyết 98 cho TP. Hồ Chí Minh.
Đổi mới mô hình tăng trưởng là bài toán lớn mang tính thời sự hiện nay. Ở góc độ doanh nghiệp, đó là bài toán huy động và phân bổ nguồn lực hợp lý, kinh doanh hiệu quả và bền vững, đón bắt được các xu hướng công nghệ mới và các mô hình kinh doanh thay đổi. Ở góc độ kinh tế vĩ mô, là việc chuyển đổi cách thức tăng trưởng từ khai thác tài nguyên sẵn có sang tăng trưởng theo chiều sâu với hàm lượng chất xám cao.