Chủ tịch Hồ Chí Minh: 'Các cơ quan tư pháp phải thật sự là chỗ dựa của nhân dân…'

Quan điểm của Lãnh tụ Hồ Chí Minh về ngành Tòa án và công tác Tòa án là sự kết hợp giữa truyền thống đạo lý, pháp lý của dân tộc với những giá trị tư tưởng tiến bộ về thể chế chính trị và hệ thống pháp luật để bảo vệ cách mạng, bảo vệ nhân dân.

Kế thừa quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về Tòa án và hoạt động tư pháp, Đảng và Nhà nước ta đang tập trung xây dựng một nền tư pháp trong sạch, vững mạnh dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, trong đó Tòa án có vai trò trung tâm. Ngay từ những ngày mới giành được chính quyền (1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặc biệt chú trọng đến công tác Tòa án. Người coi Tòa án là cơ quan trọng tâm của ngành tư pháp, tư pháp là một hệ thống trọng yếu của chính quyền.

Khi mới thành lập, ngành Tòa án gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngành Tòa án nhân dân đã nhanh chóng thực hiện tốt nhiệm vụ xét xử, trừng trị nghiêm khắc các phần tử phản động, dập tắt âm mưu nổi loạn, cướp chính quyền của địch, góp phần cùng các lực lượng khác bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền, bảo vệ nhân dân.

Sau Cách mạng Tháng Tám, Chủ tịch Hồ Chí Minh bận trăm công nghìn việc do phải lãnh đạo toàn quốc tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp, nhưng Người luôn chăm lo, quan tâm đến mọi hoạt động của Tòa án và chỉ đạo ban hành nhiều đạo luật quan trọng. Dưới sự chỉ đạo của Người, Sắc lệnh 13 ngày 24/1/1946 quy định Tòa án Tư pháp độc lập đối với các cơ quan hành chính. “Các vị Thẩm phán sẽ chỉ trọng pháp luật và công lý. Các cơ quan khác không được can thiệp vào việc Tư pháp”. Đồng thời Điều 63 Hiến pháp 1946 quy định: “Cơ quan tư pháp của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa gồm có: Tòa án tối cao; Các tòa án phúc thẩm; Các tòa án đệ nhị cấp và sơ cấp”…

Theo Hiến pháp năm 1946 và các sắc lệnh đầu tiên của nhà nước dân chủ nhân dân thì Tòa án là cơ quan thực hiện quyền tư pháp trong bộ máy nhà nước. Tòa án có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ chế độ Nhà nước, chế độ xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân; bảo vệ công lý và công bằng xã hội.

Tháng 2/1948, Hội nghị tư pháp toàn quốc được triệu tập, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh không đến dự Hội nghị được. Bác đã gửi một bức thư đến Hội nghị, ân cần căn dặn: Các bạn là những người phụ trách thi hành pháp luật. Lẽ tất nhiên các bạn phải nêu cao gương "Phụng công, thủ pháp, chí công vô tư" cho nhân dân noi theo.

Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Các cơ quan tư pháp phải thật sự là chỗ dựa của nhân dân…”

Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Các cơ quan tư pháp phải thật sự là chỗ dựa của nhân dân…”

Đã là người cán bộ Tòa án, thì phải "Phụng công", là phải biết trách nhiệm của mình được Nhà nước và nhân dân giao cho quyền thực thi pháp luật, làm việc để phụng sự đất nước, phụng sự nhân dân.

Là người cầm cân nảy mực, cán bộ Tòa án phải "Thủ pháp" là lẽ đương nhiên và cần phải thực thi pháp luật cho rõ ràng, minh bạch, khách quan, theo đúng quy định của pháp luật; “Chí công” là rất mực công bằng, công tâm; “vô tư” là không được có lòng riêng, thiên tư đối với người, với việc. “Khi làm bất cứ việc gì cũng đừng nghĩ đến mình trước, khi hưởng thụ thì mình nên đi sau”, “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”. Muốn chí công vô tư thì phải chiến thắng được chủ nghĩa cá nhân.

Tại Hội nghị cán bộ ngành tư pháp năm 1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: Trong công tác xử án phải công bằng, liêm khiết, trong sạch. Như thế cũng chưa đủ. Không thể chỉ hạn chế hoạt động của mình trong khung Tòa án. Phải “Gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân”. Giúp dân, học dân để giúp mình thêm liêm khiết, thêm công bằng. Thêm nữa là phải luôn luôn cố gắng học tập lý luận, học tập đường lối, chính sách của Chính phủ.

Theo Bác, người cán bộ Tòa án cũng là con người nên không thể tránh được những thiếu sót. Muốn làm tốt công tác xử án thì ngoài phải liêm khiết, trong sạch thì người cán bộ Tòa án phải hiểu được tâm tư, nguyện vọng, khúc mắc của người dân, qua đó sẽ giúp dân, cảm hóa dân và học ở dân những đức tính tốt đẹp, những kinh nghiệm nhằm giúp cho công tác xét xử tốt hơn.

Đối với đội ngũ cán bộ làm tư pháp, Người yêu cầu phải cần - kiệm - liêm - chính, bởi đó vừa là chuẩn mực đạo đức, vừa là chuẩn mực pháp lý. Cán bộ tư pháp phải vô tư, không thiên vị, không tư thù, tư oán, không được cho mình đứng trên, đứng ngoài pháp luật. Việc xét xử phải kịp thời, công minh, đúng người, đúng tội.

Bác dạy cần xét xử nghiêm minh để nhân dân tin vào chính quyền, vào Đảng; cần kết hợp giữa phòng và chống, lấy ngăn ngừa, răn đe, giáo dục làm chính. Xét xử đúng là tốt, nhưng nếu không phải xét xử thì càng tốt hơn. Với những quan điểm đó, ngày 22/5/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 85 về cải cách bộ máy tư pháp, xây dựng nên những nguyên tắc tiến bộ đầu tiên cho nền tư pháp non trẻ của sau hòa bình lập lại.

Ngày 22/3/1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến dự và nói chuyện tại Hội nghị Tư pháp toàn quốc lần thứ 10. Bác nói: Cần thực hiện đúng đắn nền pháp chế XHCN của nước ta, bảo vệ chế độ dân chủ nhân dân, quyền lợi của nhân dân; đồng thời phải ngăn ngừa, trừng trị những kẻ âm mưu phá hoại chế độ, phá hoại lợi ích của nhân dân, phá hoại công cuộc đấu tranh thống nhất Tổ quốc...

Bước vào công cuộc đổi mới đất nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Tòa án nhân dân từng bước trưởng thành. Nghị quyết 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược Cải cách tư pháp đến năm 2020, Đảng ta đã khẳng định: “Các cơ quan tư pháp phải thật sự là chỗ dựa của nhân dân trong việc bảo vệ công lý, quyền con người, đồng thời phải là công cụ hữu hiệu bảo vệ pháp luật và pháp chế xã hội chủ nghĩa, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm” và mục tiêu cơ bản và xuyên suốt của Chiến lược là: “Xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý”.

Hiến pháp 2013 quy định "Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước CHXHCN Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp". Hiến pháp quy định nhiệm vụ của Tòa án nhân dân là cơ quan bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ XHCN, bảo vệ lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Thực hiện Nghị quyết 49, Việt Nam đã từng bước xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, trong đó Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp, được tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc dân chủ, công khai, minh bạch, bảo đảm nguyên tắc của nhà nước pháp quyền, đã và đang trở thành biểu tượng của công lý, là chỗ dựa, nơi gửi gắm niềm tin của nhân dân.

Chặng đường 74 năm đã qua, tiến tới Kỷ niệm 75 ngày Truyền thống Tòa án nhân dân (13/9/1945-13/9/2020) các thế hệ Thẩm phán, cán bộ, công chức ngành TAND đang nỗ lực phấn đấu, đoàn kết một lòng, xây dựng đội ngũ ngày càng lớn mạnh nhằm đáp ứng mọi nhiệm vụ. Học tập lời dạy của Bác, hệ thống Tòa án nhân dân đang tích cực đổi mới tổ chức và xây dựng ngành, trong đó đẩy mạnh việc đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức phẩm chất, nâng cao tinh thần trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ, công chức. Dưới sự lãnh đạo của Ban cán sự đảng, đội ngũ Thẩm phán, cán bộ, công chức Tòa án nhân dân, Tòa án quân sự các cấp đã và đang tiếp tục học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh với khẩu hiệu thi đua "Phụng công, thủ pháp, chí công vô tư", với phương châm "Gần dân, học dân, hiểu dân, giúp dân" để Tòa án nhân dân thật sự là biểu tượng của công lý, là công cụ sắc bén của Nhà nước pháp quyền XHCN, là chỗ dựa tin cậy của nhân dân.

Quang Minh

Nguồn CL&XH: https://conglyxahoi.net.vn/toa-an/chu-tich-ho-chi-minh-cac-co-quan-tu-phap-phai-that-su-la-cho-dua-cua-nhan-dan-34219.html