Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ đạo xây dựng Bộ Tổng Tham mưu trong kháng chiến chống Pháp
Trong buổi giao nhiệm vụ đối với đồng chí Hoàng Văn Thái, Tổng Tham mưu trưởng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ:
Ta vừa giành được độc lập, tự do, cả nước đang tích cực xây dựng quân giải phóng và tự vệ để cùng toàn dân giữ gìn độc lập, tự do, cho nên Chính phủ lâm thời quyết định tổ chức Bộ Tổng Tham mưu (BTTM) để chỉ huy, điều hành lực lượng vũ trang (LLVT) trong cả nước. Người nhấn mạnh rằng, BTTM có vị trí, vai trò và nhiệm vụ rất quan trọng. Đó không chỉ là cơ quan quân sự cơ mật của đoàn thể, là cơ quan quan trọng của quân đội mà còn là cơ quan có nhiệm vụ tổ chức huấn luyện quân đội cho giỏi, tổ chức nắm địch, nắm ta rõ ràng, bày mưu kế khôn khéo, tổ chức chỉ huy thông suốt, bí mật, nhanh chóng, kịp thời, chính xác để đánh thắng mọi kẻ thù, bảo vệ cách mạng. Để làm tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, BTTM phải cố gắng vừa làm, vừa học, có quyết tâm. Người đã gửi gắm sự tin tưởng tuyệt đối vào thành công của BTTM: "Thế nào ta cũng xây dựng được một ngành tham mưu vững mạnh, tài cán, xứng đáng với dân tộc Việt Nam mưu trí, sáng tạo và anh hùng bất khuất, để bảo vệ độc lập của Tổ quốc, tự do của dân tộc...”.
Ngay chiều ngày 7-9-1945, đồng chí Hoàng Văn Thái đã cùng 7 đồng chí cán bộ đầu tiên của BTTM họp và bàn giải quyết những công việc cần kíp. Trong mỗi giai đoạn, thời kỳ cách mạng, tùy theo tình hình, nhiệm vụ chính trị và quân sự của Đảng mà BTTM có những điều chỉnh, bổ sung nhiệm vụ và phương hướng, giải pháp xây dựng cụ thể. Những tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong buổi ban đầu này luôn là định hướng, kim chỉ nam cho BTTM xây dựng, trưởng thành, phát triển cùng sự phát triển, trưởng thành của cách mạng, quân đội.
Là lãnh tụ của cách mạng và là linh hồn của cuộc kháng chiến, lại là người trực tiếp chỉ đạo tổ chức, xây dựng BTTM, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến sự trưởng thành của BTTM và ngành tham mưu quân đội. Sự quan tâm chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với BTTM không chỉ là tổ chức ra cơ quan này; vạch ra chức năng, nhiệm vụ; chỉ ra con đường vượt qua khó khăn, tấn tới mà còn ở chính những tư tưởng quân sự của Người đã trở thành phương hướng, phương châm chỉ đạo hành động của BTTM trong mọi hoạt động.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, BTTM đã quán triệt sâu sắc quan điểm quân sự Mác-Lênin, tư tưởng đánh giặc giữ nước của dân tộc Việt Nam, đường lối chiến tranh cách mạng của Đảng với hạt nhân cơ bản là vũ trang toàn dân, vừa kháng chiến, vừa kiến quốc, tiến hành chiến tranh nhân dân toàn dân, toàn diện, tự lực cánh sinh, dựa vào sức mình là chính... để vận dụng sáng tạo vào thực tiễn chống Pháp. Nắm chắc, nghiên cứu kỹ và phân tích, đánh giá sát, đúng tình hình địch, ta, tương quan so sánh thế và lực trên chiến trường, tham mưu và đề xuất với Đảng, Chính phủ các chủ trương, chiến lược, kế hoạch quân sự; đồng thời, trực tiếp vận dụng sáng tạo đường lối đó vào điều kiện cụ thể cuộc kháng chiến để tổ chức, quản lý, chỉ đạo, chỉ huy, hiệp đồng tác chiến của các LLVT, giữa các chiến trường, bày mưu, tính kế tạo thế, tạo lực, tiến hành chiến tranh nhân dân, xây dựng và huấn luyện LLVT, quân đội... Những tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về khởi nghĩa vũ trang, chiến tranh cách mạng, về xây dựng LLVT nhân dân và nghệ thuật lãnh đạo, chỉ đạo kháng chiến của Người đã trở thành nền tảng tư tưởng, nghệ thuật quân sự và là kim chỉ nam cho hành động của BTTM trong nghiên cứu, xây dựng, chỉ huy, điều hành LLVT, tác chiến và huấn luyện bộ đội... Nhờ đó, BTTM đã góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân liên tiếp giành những thắng lợi ngày càng to lớn.