Chủ tịch Hồ Chí Minh: Người đặt nền móng cho khoa học, công nghệ Việt Nam
Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt nền móng cho khoa học, công nghệ Việt Nam, xem đó là động lực then chốt để phát triển đất nước, phục vụ sản xuất và nhân dân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Khu công nghiệp dầu khí Bacu (Liên Xô) năm 1959. (Ảnh tư liệu)
Chủ tịch Hồ Chí Minh là người luôn quan tâm đến lĩnh vực khoa học, kỹ thuật. Người cho rằng, khoa học và công nghệ có ảnh hưởng rất lớn trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng phát triển đất nước.
Người không ngừng chăm lo bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học, kỹ thuật để phục vụ cho nước nhà. Hiểu và đánh giá đúng về vai trò, sức mạnh của khoa học, công nghệ và biết cách phát huy tối đa sức mạnh đó trong sự nghiệp cách mạng, chính là cốt lõi của Tư tưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ.
Tư tưởng lớn về khoa học, kỹ thuật phục vụ sản xuất và nhân dân
Tại Đại hội lần thứ nhất của Hội phổ biến Khoa học và kỹ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến dự và phát biểu. Người nói: “Khoa học phải từ sản xuất mà ra và phải trở lại phục vụ sản xuất, phục vụ quần chúng, nhằm nâng cao năng suất lao động, không ngừng cải thiện đời sống của nhân dân, bảo đảm cho chủ nghĩa xã hội thắng lợi”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ I Hội phổ biến khoa học, kỹ thuật Việt Nam, ngày 18/5/1963. (Ảnh tư liệu)
Đáng nói, Người còn phân tích và thẳng thắn nêu ra những yếu kém của khoa học: “Chúng ta đều biết rằng trình độ khoa học, kỹ thuật của ta hiện còn thấp kém. Lề lối sản xuất chưa cải tiến được nhiều. Cách thức làm việc còn nặng nhọc. Năng suất lao động còn thấp kém. Phong tục tập quán lạc hậu còn nhiều…
Vì vậy, nhiệm vụ khoa học là ra sức cải tiến những cái đó. Khoa học là tổng kết những kinh nghiệm đấu tranh giữa giai cấp bị bóc lột và giai cấp bóc lột và đấu tranh giữa con người với thiên nhiên, ở đây chỉ nói riêng về khoa học tự nhiên và kỹ thuật”.
Từ đó, Người khẳng định: “Nhiệm vụ của khoa học, kỹ thuật là cực kì quan trọng, cho nên mọi ngành, mọi người đều phải tham gia công tác khoa học, kỹ thuật, để nâng cao năng suất lao động, sản xuất ra nhiều của cải vật chất, để xây dựng chủ nghĩa xã hội thắng lợi” và căn dặn: “…các cô, các chú phải ra sức đem hiểu biết khoa học, kỹ thuật của mình truyền bá rộng rãi trong nhân dân lao động, để nhân dân thi đua sản xuất nhiều, nhanh, tốt, rẻ, ….”.
Lời căn dặn ngắn gọn, súc tích của Người trải qua hơn 50 năm nhưng vẫn còn nguyên giá trị, thể hiện tầm nhìn chiến lược sâu rộng, tư tưởng lớn đối với định hướng phát triển lâu dài của nền khoa học và công nghệ nước nhà.
Tầm nhìn về vai trò then chốt của khoa học, kỹ thuật
Trong bài viết “Vấn đề dân bản xứ” đăng trên báo L’Humanité, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra luận điểm rằng, khoa học và công nghệ là nhân tố quyết định phát triển kinh tế.
Người khẳng định: “là phi lý nếu nghĩ rằng hai dân tộc láng giềng như dân tộc An Nam và dân tộc Nhật Bản lại có thể cứ tồn tại biệt lập đối với nhau. Người đã thấy được sự tương phản trong lĩnh vực kinh tế giữa dân tộc Nhật Bản với dân tộc An Nam, người Nhật đã du nhập và học hỏi từ phương Tây về khoa học, kỹ thuật hiện đại để tăng khả năng cạnh tranh về kinh tế, chiếm lợi thế tuyệt đối trong so sánh kinh tế.
Bài viết trên của Người đánh dấu sự hình thành tư tưởng về vai trò của khoa học, công nghệ đối với phát triển kinh tế.

Bác Hồ thăm xưởng cơ khí Nhà máy ô tô 1-5 tháng 12/1963. (Ảnh tư liệu)
Cùng với việc xem khoa học, công nghệ là nhân tố quyết định phát triển kinh tế, Người còn coi khoa học, công nghệ là căn cứ để xây dựng đường lối, chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế; khoa học, công nghệ phải gắn kết chặt chẽ với sản xuất và đặc biệt phải tích cực tiếp thu các thành tựu mới nhất về khoa học, công nghệ của thế giới để thúc đẩy phát triển kinh tế trong nước.
Người luôn ngăn ngừa khuynh hướng chủ quan nóng vội, gò ép phát triển kinh tế bất chấp cơ sở khoa học, bất chấp quy luật khách quan.
Trong bài “Xây dựng những con người của chủ nghĩa xã hội” đăng trên báo Nhân dân ra ngày 27/3/1961, Người viết: “Tiến nhanh, tiến mạnh không phải là phiêu lưu, làm ẩu. Phải thiết thực đi từng bước, phải tiến vững chắc. Phải nắm vững quy luật phát triển của cách mạng, phải tính toán cẩn thận những điều kiện cụ thể, những biện pháp cụ thể. Kế hoạch phải chắc chắn, cân đối. Chớ đem chủ quan của mình thay cho những điều kiện thực tế. Phải chống bệnh chủ quan, tác phong quan liêu, đại khái. Phải xây dựng tác phong điều tra, nghiên cứu trong mọi công tác cũng như trong khi định ra mọi chính sách của Đảng và của Nhà nước”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh còn xem khoa học, công nghệ là tài sản chung của nhân loại. Theo Người, mỗi người, mỗi dân tộc đều có thể hưởng thụ tất cả những khoa học, những hiểu biết của thời đại. Khoa học, công nghệ mở ra cơ hội để mọi người, mọi dân tộc xích lại gần nhau, thi đua phát triển kinh tế.
Do vậy, việc tiếp thu các thành tựu mới nhất về khoa học, công nghệ nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế không chỉ giới hạn trong hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa mà còn ở tất cả các nước dân chủ khác trên thế giới. Chính điều này đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định trong “Lời kêu gọi Liên hợp quốc” vào tháng 12/1946.
Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới
Quán triệt quan điểm của Bác về vai trò của khoa học và công nghệ, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm phát triển khoa học, công nghệ, coi khoa học, công nghệ là quốc sách hàng đầu, giữ vai trò then chốt trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Qua các kỳ đại hội, Đảng luôn xác định khoa học, công nghệ không chỉ là động lực phát triển kinh tế - xã hội, mà còn là động lực quan trọng của công cuộc đổi mới toàn diện của đất nước.

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại Hội nghị toàn quốc lần thứ hai về khoa học, công nghệ. (Nguồn: VGP)
Đại hội XIII của Đảng xác định “Trong bối cảnh mới, để thực hiện được mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, cần phải tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên nền tảng của tiến bộ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo”.
Khoa học, công nghệ đến nay đã đóng góp quan trọng, toàn diện trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, bảo đảm quốc phòng và an ninh quốc gia, từng bước khẳng định vai trò động lực trong phát triển kinh tế - xã hội.
Nhờ vào khoa học, công nghệ, chất lượng tăng trưởng được cải thiện, năng suất lao động nâng lên rõ rệt. Tỷ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao trong tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa liên tục tăng (từ 19% năm 2010 lên khoảng 50% năm 2020), đánh dấu sự chuyển biến mạnh mẽ trong đóng góp xã hội, nhất là khu vực doanh nghiệp thông qua hoạt động chú trọng đầu tư nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao và đổi mới công nghệ.
Năm 2025 đánh dấu một sự kiện quan trọng của ngành khoa học, công nghệ khi Hội nghị toàn quốc lần thứ hai về khoa học, công nghệ được tổ chức.
Như vậy, sau hơn sáu thập kỷ, kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh dự và phát biểu tại Đại hội lần thứ nhất của Hội phổ biến Khoa học và kỹ thuật Việt Nam (ngày 18/5/1963), hội nghị lần này tạo dấu ấn về sự đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Trong bài phát biểu của mình, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhắc lại lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu: “Khoa học phải gắn với sản xuất, phục vụ nhân dân”, đồng thời nhấn mạnh, Đại hội lần thứ nhất đặt nền móng cho những bước phát triển ứng dụng khoa học để phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước sau này.
Cũng trong bài phát biểu, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định “Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị đã chỉ ra những định hướng chiến lược và được đông đảo cán bộ, đảng viên, nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước đồng thuận, xem đây như một khoán 10 trong lĩnh vực khoa học và công nghệ.
Sự ủng hộ này thể hiện khát vọng phát triển mãnh liệt và quyết tâm vươn lên của dân tộc. Hội nghị hôm nay thể hiện tinh thần trách nhiệm, sự đồng lòng của toàn Đảng và hệ thống chính trị. Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, chúng ta có niềm tin mạnh mẽ rằng đột phá trong khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số sẽ là chìa khóa đưa đất nước tiến xa trên con đường hiện thực hóa khát vọng phát triển”.
Và người đứng đầu Đảng còn nhấn mạnh: “Đất nước đang đứng trước cơ hội lớn để vươn mình, nhưng thách thức cũng vô cùng to lớn. Chúng ta phải quyết tâm thực hiện cuộc cách mạng phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, không để lỡ thời cơ thêm lần nữa. Tôi kêu gọi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đoàn kết, sáng tạo, thực hiện thành công các nhiệm vụ, đưa Nghị quyết 57 nhanh chóng vào cuộc sống, xây dựng một Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, như mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh”.
63 năm đã trôi qua, song những căn dặn của Bác Hồ về khoa học, công nghệ đã trở thành kim chỉ nam cho hoạt động khoa học và công nghệ nước nhà. Thấm nhuần lời dạy của Bác, trong suốt chiều dài lịch sử, dù trong thời chiến hay thời bình, tinh thần “khoa học và công nghệ phải từ sản xuất mà ra và phải trở lại phục vụ sản xuất, phục vụ quần chúng, nhằm nâng cao năng suất lao động và không ngừng cải thiện đời sống của nhân dân” tiếp tục tỏa sáng, đóng góp to lớn trong quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước, đưa đất nước vững bước vào kỷ nguyên mới.