Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người ươm mầm khát vọng Việt Nam

Xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh, hùng cường là khát vọng ngàn đời của các thế hệ người Việt Nam. Đó cũng chính là khát vọng, hoài bão, tâm nguyện duy nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh - lãnh tụ vĩ đại của Đảng, của toàn dân tộc. Cuộc đời và sự nghiệp của Người là hiện thân sinh động cho khát vọng Việt Nam.

Hát múa ca ngợi Bác Hồ. Ảnh: MINH NGUYỆT

Hát múa ca ngợi Bác Hồ. Ảnh: MINH NGUYỆT

Khát vọng Việt Nam là khái niệm nói về sự khao khát, quyết tâm xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, hiện đại, dân chủ, văn minh. Cụm từ này là cách nói vắn tắt và mang tính khái quát cao lần đầu tiên được thể hiện rõ trong các văn kiện tại Đại hội XIII của Đảng. Khát vọng Việt Nam được nhắc tới ngay từ đầu tại chủ đề của Báo cáo chính trị tại đại hội “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy ý chí, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc…”. Nghị quyết Đại hội XIII đã ghi rõ: Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc với các cột mốc cụ thể: 100 năm thành lập Đảng (năm 2030), 100 năm thành lập nước (năm 2045). Ước mơ muôn đời cháy bỏng của dân tộc về một đất nước phồn vinh, hạnh phúc chỉ đến khi Đảng ta ra đời, lãnh đạo Nhân dân vượt qua bao gian khổ, hy sinh mới từng bước trở thành hiện thực.

Ươm mầm từ hơn 110 năm trước

Ngược dòng lịch sử, có thể thấy khát vọng Việt Nam đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh ươm mầm từ hơn 110 năm trước. Cụ thể hơn là ngày 5/6/1911, anh thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành với ý chí mãnh liệt, lòng yêu thương dân tộc sâu sắc đã quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước, thực hiện hoài bão giải phóng nước nhà khỏi ách nô lệ của thực dân, đế quốc. Người bước lên tàu Đô đốc Latouche Tresville trên bến cảng Nhà Rồng với khát vọng cháy bỏng: “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, đấy là tất cả tôi hiểu”. Tâm tư ấy thể hiện khát vọng lớn mang tầm nhìn thời đại của vị lãnh tụ.

Được tư tưởng Hồ Chí Minh soi rọi, lớp lớp thế hệ người Việt Nam đang vững bước trên con đường mà Người đã chọn. Đó là con đường của độc lập dân tộc và CNXH. Con đường mang tầm nhìn vượt thời đại của vị lãnh tụ kính yêu, đưa đất nước và dân tộc ta vượt qua biết bao khó khăn, thử thách, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác - là khát vọng giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước; thực hiện công cuộc đổi mới, tiến hành CNH-HĐH đất nước và tích cực hội nhập quốc tế. Tất cả đang từng bước trở thành hiện thực.

Hơn 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, cuộc sống đầy gian khổ càng tôi luyện, hun đúc lòng yêu nước nồng nàn với mục tiêu giải phóng dân tộc kiên định của Người. Người đã tranh thủ mọi thời cơ để học hỏi, nghiên cứu các học thuyết cách mạng, hòa mình vào thực tiễn đấu tranh của giai cấp công nhân và Nhân dân lao động ở các nước tư bản và thuộc địa. Để rồi Người đã đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, trở thành nhà hoạt động quốc tế xuất sắc Nguyễn Ái Quốc, bắt đầu sự nghiệp giải phóng dân tộc với những mốc son chói lọi. Khát vọng Việt Nam chỉ có thể thực hiện khi nước nhà độc lập với cuộc Cách mạng Tháng Tám lịch sử, và Nhà nước công nông đầu tiên của Việt Nam ra đời ngày 2/9/1945.

Cách mạng Tháng Tám vừa thành công, Bác đã thể hiện khát vọng cháy bỏng của mình trong Thư gửi học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 15/9/1945. Bác căn dặn học sinh: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”.

Hát múa mừng sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: MINH NGUYỆT

Hát múa mừng sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: MINH NGUYỆT

Đầu năm 1946, sau thắng lợi của cuộc tổng tuyển cử đầu tiên, Bác Hồ trở thành Chủ tịch chính thức của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Dịp này, Bác đã trả lời phỏng vấn các nhà báo nước ngoài: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Và để cho “đồng bào trong nước và các nhân sĩ nước ngoài đều biết” tâm nguyện của mình, Bác đã cho công bố nội dung những câu trả lời ấy trên Báo Cứu Quốc ngày 21/1/1946.

Tháng 7/1966, đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh bằng không quân đánh phá miền Bắc. Trong tình huống cả nước chìm trong khói lửa chiến tranh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi đồng bào, chiến sĩ cả nước quyết tâm chiến thắng giặc Mỹ xâm lược. Lời kêu gọi của Người càng toát lên một khát vọng cháy bỏng về một nước Việt Nam độc lập, ấm no: “Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song Nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập, tự do. Đến ngày thắng lợi, Nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn!”.

Thổi bùng khát vọng cho cả dân tộc

Suốt cuộc đời mình, Người đã cống hiến trọn vẹn cho hoài bão, khát vọng về một nước Việt Nam độc lập, thống nhất và giàu mạnh. Trước lúc đi xa, Bác để lại Di chúc cho toàn Đảng, toàn dân những trăn trở về khát vọng chưa hoàn thành, nhắn nhủ các thế hệ đi sau phải ra sức phấn đấu: “Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.

Đọc sách viết về Bác tại Bảo tàng Hồ Chí Minh (Hà Nội). Ảnh: MINH NGUYỆT

Đọc sách viết về Bác tại Bảo tàng Hồ Chí Minh (Hà Nội). Ảnh: MINH NGUYỆT

Người đã ươm mầm cho khát vọng Việt Nam, thổi bùng lên khát vọng cho cả dân tộc. Và các thế hệ Việt Nam đang nỗ lực phấn đấu biến khát vọng ấy trở thành hiện thực. Như phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và đã trở thành nội dung của Nghị quyết của Đại hội XIII: “Qua 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH, lý luận về đường lối đổi mới, về CNXH và con đường đi lên CNXH ở nước ta ngày càng được hoàn thiện và từng bước được hiện thực hóa. Chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện hơn so với những năm trước đổi mới. Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.

Chúng ta tự hào đang được sống trong thời đại Hồ Chí Minh. Được tư tưởng Hồ Chí Minh soi rọi, lớp lớp thế hệ người Việt Nam đang vững bước trên con đường mà Người đã chọn. Đó là con đường của độc lập dân tộc và CNXH. Con đường mang tầm nhìn vượt thời đại của vị lãnh tụ kính yêu, đưa đất nước và dân tộc ta vượt qua biết bao khó khăn, thử thách, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác - là khát vọng giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước; thực hiện công cuộc đổi mới, tiến hành CNH-HĐH đất nước và tích cực hội nhập quốc tế. Tất cả đang từng bước trở thành hiện thực.

TRẦN DUY

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/76/292289/chu-tich-ho-chi-minh-nguoi-uom-mam-khat-vong-viet-nam.html