Chủ tịch Hồ Chí Minh qua các sáng tác của nhạc sỹ trong và ngoài nước
Tài năng và nhân cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là niềm cảm hứng bất tận cho rất nhiều văn nghệ sỹ Việt Nam và quốc tế sáng tác nhiều ca khúc về Bác với giai điệu thiết tha, sâu lắng.
“Thế giới hát về Người, Việt Nam hát về Người. Bao nhiêu năm qua những bài ca hay nhất của Việt Nam, là những bài ca về Người, là những bài ca viết bằng trái tim…” ("Hát về Người" - nhạc sỹ Đoàn Bổng).
Trong lịch sử dân tộc Việt Nam và cả thế giới trước đây và sau này có lẽ chưa từng có vị lãnh tụ nào được yêu mến và ca ngợi nhiều như Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tài năng và nhân cách của Người luôn là niềm cảm hứng bất tận cho rất nhiều văn nghệ sỹ Việt Nam và quốc tế. Từ những tình cảm thiêng liêng, kính yêu vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam, các nhạc sĩ đã viết nên nhiều ca khúc về Bác với giai điệu thiết tha, sâu lắng, tạo cảm xúc thân thương, gần gũi, đi vào lòng người.
Việt Nam hát về Người
Sinh thời, Bác Hồ kính yêu của chúng ta không muốn nói về mình. Người càng không muốn nhiều bài viết về Người. Tuy nhiên, từ những cảm xúc chân thực về vị Cha già kính yêu của dân tộc, nhiều tác phẩm văn học-nghệ thuật vẫn được viết ra, trong đó có rất nhiều ca khúc.
Lúc đất nước còn chia cắt, Người thường nói “Miền Nam luôn ở trong trái tim tôi” và từ câu nói này của Người, nhiều lời ca vang lên như: “Ai yêu miền Nam như tấm lòng của Bác, có mối tình nào thủy chung son sắt như tấm lòng của Bác nhớ tới đồng bào miền Nam…” ("Lời ca dâng Bác" - Trọng Loan).
Chính miền Nam cũng luôn hướng về Người nên “Dẫu núi có mòn, sông kia có cạn, miền Nam ơi, miền Nam nhớ mãi ơn Người thiết tha...” ("Miền Nam nhớ mãi ơn Người" - Lưu Cầu, Trần Nhật Nam), hay mỗi khi hát tên Người, dù giữa ngục tù, súng đạn, tiếng hát người dân miền Nam vẫn vang lên “Trên cánh đồng miền Nam, đau thương mây phủ chân trời, khi ca lên Hồ Chí Minh, nghe lòng phơi phới niềm vui” ("Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người" - Trần Kiết Tường).
Với 26 ca khúc viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh, cho đến nay, nhạc sĩ Thuận Yến vẫn là người giữ “kỷ lục” về nhạc sĩ có nhiều sáng tác về Bác Hồ nhất.
Trong số đó, hai bài hát nổi tiếng là “Bác Hồ một tình yêu bao la” và “Miền Trung nhớ Bác,” trong đó, tác phẩm “Bác Hồ một tình yêu bao la” được nhiều người yêu thích.
Giai điệu thiết tha, sâu lắng, ca từ thấm đẫm cảm xúc, chứa chan tình yêu bao la của Người với nhân dân Việt Nam đã làm lay động biết bao tâm hồn:
“Bác thương các cụ già xuân về gửi biếu lụa
Bác yêu đàn cháu nhỏ Trung thu gửi cho quà
Bác thương đoàn dân công, đêm nay ngủ ngoài rừng
Bác thương người chiến sĩ đứng gác ngoài biên cương…”
Trong ca khúc “Miền Trung nhớ Bác,” nhạc sĩ Thuận Yến lại đưa người nghe theo bước chân Bác đi dọc miền Trung, từ Huế nơi Bác học Trường Quốc học, qua Quảng Nam đến Bình Khê thăm người cha làm tri huyện… trước khi Người đến Bến Nhà Rồng ra tìm đường cứu nước. Để rồi, cuối bài, nhạc sĩ Thuận Yến đã nói hộ tiếng lòng của người dân miền Trung, khi nhớ về Bác “Đất quê tôi đưa Bác suốt dặm trường để bây giờ đất gọi mãi nhớ thương…”
Ngoài hai bài hát rất nổi tiếng này, nhạc sĩ Thuận Yến còn có nhiều bài hát rất hay về Bác Hồ như “Người về thăm quê”, “Vầng trăng Ba Đình...”.
Nhạc sĩ Trần Hoàn cũng là một trong số những nhạc sĩ có những nhạc phẩm để đời về Bác Hồ, trong đó, tiêu biểu hơn cả là ca khúc “Lời Bác dặn trước lúc đi xa” năm 1989 và bài “Thăm bến Nhà Rồng” năm 1990.
Hai ca khúc này cũng đã trở thành những sáng tác bất hủ trong lòng công chúng, bởi mỗi bài hát là sự khắc họa một cách chân thực, gần gũi về hình ảnh của Bác và cũng là một câu chuyện kể bằng âm nhạc giúp người nghe hiểu thêm một phần về cuộc đời của Bác.
Nếu như trong “Thăm bến Nhà Rồng”, nhạc sĩ Trần Hoàn đã miêu tả khá sinh động hình ảnh của Bác Hồ khi còn trẻ, từ Bến Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước, giai điệu mượt mà, tha thiết trong bài hát đưa người nghe ngược dòng quá khứ, mường tượng thời điểm Bác lên tàu ra đi tìm đường cứu nước, để rồi lại bùi ngùi luyến tiếc “Bến Nhà Rồng xa xưa vẫn còn đây/ với chiếc cầu tàu nhưng nay Bác ở đâu…” thì “Lời Bác dặn trước lúc đi xa” là một câu chuyện xúc động, về những giây phút lúc Người lâm chung.
Xuyên suốt bài ca là niềm mong mỏi được nghe những làn điệu dân ca của Bác Hồ, trước khi Người “qua bên kia bầu trời”, bởi “Người muốn đem tận vô cùng, bài ca đất nước theo Bác đến mênh mông...”.
Còn nhiều lắm, những ca khúc viết về Bác Hồ, mà ca khúc nào cũng sống mãi trong lòng người dân Việt Nam.
Có thể kể đến những bài hát như “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng” của nhạc sỹ Nhã Phong, “Em mơ gặp Bác Hồ” của Trương Xuân Giao, “Tiếng hát giữa rừng Pác Bó” của Nguyễn Tài Tuệ, “Tiếng hát từ thành phố mang tên Người” của Cao Việt Bách (thơ Đăng Trung), “Mùa xuân trên Thành phố Hồ Chí Minh” của Xuân Hồng…
Nhạc sỹ Phạm Tuyên có bài hát “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”, được sáng tác ngay trước ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Với ca từ đơn giản, giai điệu rộn ràng, vui tươi, nhạc sỹ Phạm Tuyên như đưa Bác đến chia vui cùng với nhân dân cả nước trong ngày chiến thắng.
Trong số hàng trăm ca khúc viết về Bác, rất nhiều nhạc sỹ đã chọn dòng nhạc mang âm hưởng những làn điệu dân ca.
Nhạc sĩ Đỗ Nhuận với bài “Trông cây lại nhớ đến Người” có câu hát “A ơ, chứ trồng cây tôi lại nhớ Người/chứ rừng bao nhiêu cây mọc/thì tôi ơn Người bấy nhiêu…” khiến người nghe liên tưởng đến một bài dân ca Nghệ An.
Nhạc sĩ An Thuyên cũng đem âm hưởng dân ca Nghệ An vào bài “Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác,” để hình dung về thời niên thiếu của Bác Hồ: “Tuổi ấu thơ Bác đã đi/suốt chiều dài câu đò đưa/Tuổi ấu thơ Bác đã sống/suốt chiều rộng câu dân ca...”
Có lẽ, các nhạc sĩ khi sáng tác những ca khúc ấy, đều bắt nguồn từ tình cảm sâu nặng của Bác Hồ với quê hương Nghệ An, nơi Người đã sống những năm tháng của tuổi ấu thơ, ảnh hưởng sâu sắc đến tư tưởng, tình cảm, tâm hồn của Người.
Thế giới hát về Người
Không chỉ giới âm nhạc trong nước tìm tòi sáng tạo để thể hiện hình tượng Hồ Chí Minh cao đẹp, sinh động mà giới âm nhạc nước ngoài cũng tìm thấy ở Người sự yêu mến, trân trọng và thành kính.
Trong suốt hơn nửa thế kỷ qua, mỗi dịp kỷ niệm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, ca khúc “Bài ca Hồ Chí Minh” (The Ballad of Ho Chi Minh) của nhạc sĩ người Anh Ewan MacColl lại vang lên với điệp khúc “Hồ, Hồ, Hồ Chí Minh.”
Có lẽ, bất kỳ ai khi nghe bài hát này đều không thể kìm được cảm xúc của mình, vì bài hát chứa đựng tình cảm sâu sắc của bạn bè thế giới dành cho Người...
“Miền biển Đông, xa tắp nơi chân trời
Người dân ở đó lầm than đói nghèo
Từ đau thương Người đi khắp năm châu
Lòng tin mặt trời chân lý sáng soi
Rọi chiếu tới dân mình
Hồ, Hồ, Hồ Chí Minh! Hồ, Hồ, Hồ Chí Minh!”
Tác giả bài hát này đã từng phát biểu: “Thưa các bạn, tại sao chiến thắng Điện Biên Phủ rất vĩ đại này lại xảy ra ở Việt Nam, mà không phải một nơi khác. Bởi vì Việt Nam có một nhân vật vĩ đại, đó là Hồ Chí Minh”.
Trong hồi ức của mình, vợ cố nhạc sĩ Ewan MacColl, bà Peggy Seeger nói: “Ewan có một sự đồng cảm lớn với con người Hồ Chí Minh, một nhân cách đáng mến. Hồ Chí Minh luôn ở trong trái tim, suy nghĩ của ông ấy và Bài ca Hồ Chí Minh kể về cuộc đời của Hồ Chí Minh, từ những ngày đầu ra đi tìm đường cứu nước rồi trở về giải phóng quê hương mình. Đó không chỉ là một bài hát lãng mạn, mà còn là một bài hát đầy tính chính trị".
Bài hát đã được dịch ra nhiều thứ tiếng và trở nên thân thuộc trong các sự kiện quốc tế về Bác, đi vào trái tim, thấm vào tâm hồn của biết bao người…
Ở Việt Nam, nhạc sĩ Nguyễn Phú Ân chính là người đặt lời Việt cho bài hát vào khoảng cuối những năm 60 của thế kỷ trước, dựa trên bản dịch của một giảng viên sư phạm thời bấy giờ.
Theo nhạc sĩ Phú Ân, Bác từng nói, Người thích phần lời bài hát này vì nó dung dị và “không tôn vinh một cách quá đáng.”
Viết về Bác Hồ còn có: “Bài ca về đồng chí Hồ Chí Minh” của nhạc sĩ Vladimir Fere (Nga), “Nhật ký trong tù” (phổ nhạc 7 bài thơ của Hồ Chủ tịch) của nhạc sĩ George Feris (Anh).
Đặc biệt, bài “Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ” do nhạc sĩ Vladimir Fere và nhạc sĩ Đỗ Nhuận cùng sáng tác. Sự cộng tác của hai nhạc sĩ đã thể hiện tình cảm chân thành qua phong vị âm nhạc của hai dân tộc Nga-Việt trong một bức tranh chung về lãnh tụ Việt Nam mà nhân dân Nga cùng nhân dân thế giới vô cùng yêu mến và kính trọng.
Còn “Jose Marti Hồ Chí Minh” của nhạc sĩ Armando Cardoso (Cuba), thể hiện tình cảm của nhân dân Cuba và châu Mỹ La tinh đối với hai vị lãnh tụ kính mến.
Cùng với đó là Tổ khúc khí nhạc gồm 5 chương viết cho đàn violon Alto “Ngợi ca Chủ tịch Hồ Chí Minh” của nhạc sĩ Jeans Chourfores (Đức). Đây là một tác phẩm âm nhạc rất công phu và đầy sáng tạo với niềm xúc động ca ngợi Bác Hồ.
Tại Lào, những câu thơ, bài hát về Bác, về Việt Nam rất thân thuộc như một phần không thể thiếu trong các sự kiện văn hóa, từ các làng bản xa xôi đến những cuộc giao lưu, biểu diễn nghệ thuật. Tiêu biểu là bài hát “Hồ Chí Minh kính yêu muôn đời” của nhạc sĩ Buangeun Saphouvong, là bài hát thường được biểu diễn trong các sự kiện kết nối hai nước.
Ca từ nhẹ nhàng như một lời kể, tâm sự đầy ngưỡng vọng, đề cao công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. “Hồ Chí Minh kính yêu muôn đời”, một con người rất vĩ đại mà rất đỗi giản dị, cả nhân loại tiến bộ trên thế giới đều yêu kính Người.
Chân lý của Người là “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, Buangeun đã dùng chủ đề này xuyên suốt bài hát.
Đó còn là bản giao hưởng “Hồ Chí Minh - Mặt trời soi sáng muôn đời” ca ngợi tấm gương cao đẹp, phẩm chất đạo đức cách mạng của Bác, được nhạc sĩ Douangmixay sáng tác và trao tặng Nhà nước và nhân dân Việt Nam ngày 19.5.2016…
Douangmixay tâm sự: "Việt Nam là đất nước cho ông từng giọt nước, từng miếng cơm, đất nước đã có bao thầy, cô giáo coi ông không chỉ là học trò mà là con cháu. Những ngày học tập tại Việt Nam, quê hương thứ hai của mình, ông càng thấu hiểu công lao của Bác Hồ.
Nhạc sĩ Douangmixay có nhiều tác phẩm khác viết về Bác, như bản giao hưởng “Hồng Hà-Mekong,” “Bông sen đỏ,” hay các ca khúc như “Nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh suốt đời”, “Người Bác của chúng ta".
Cứ mỗi dịp tháng 5 về, những ca khúc viết về Bác lại vang lên, khiến người nghe bùi ngùi xúc động xen lẫn niềm biết ơn vô bờ đối với vị Cha già kính yêu của dân tộc. Cũng bởi vậy, nhưng ca khúc đó trở thành những ca khúc đi cùng năm tháng.