Chủ tịch Hồ Chí Minh trong ký ức người Nga

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh dành tình cảm lớn cho đất nước Nga, nhân dân Nga. Ngược lại, nhân dân Nga cũng rất yêu mến Người. Tập hồi ký "Người Nga viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh" (Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông) đã cho thấy tình cảm cao đẹp đó. Đặc biệt, những dòng hồi ức chân thực đó đã vẽ nên chân dung sống động về Chủ tịch Hồ Chí Minh - một con người vĩ đại mà bình dị, chân thành; một trí thức lớn mang tâm hồn cao đẹp kết tinh từ những giá trị truyền thống của dân tộc Việt Nam.

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ tiếp xúc với các nhà lãnh đạo của nước Nga mà còn tiếp đón, gặp gỡ làm việc với các tướng lĩnh, những nhà hoạt động cách mạng, nhiều văn nghệ sĩ của nước Nga. Với nhiều người Nga, được gặp Bác Hồ là khoảnh khắc kỳ diệu trong cuộc đời, không dễ gì quên được như đạo diễn Roman Karmen đã viết: “Có những cuộc gặp gỡ làm người ta ghi nhớ suốt đời, ăn sâu vào trong tiềm thức và trong trái tim những dấu ấn không bao giờ lặp lại”.

Tập hồi ký “Người Nga viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh” với 17 thiên hồi ức đã khắc ghi hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh - một con người vĩ đại, lớn lao mà bình dị, chân thành, từ thuở ra đi tìm đường cứu nước cho đến khi trở thành vị lãnh tụ của dân tộc Việt Nam. Ngay lần đầu tiên gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh (khi đó còn mang tên Nguyễn Ái Quốc) vào năm 1923, nhà thơ Oxip Mandelstam đã ấn tượng với người thanh niên có dáng vẻ gầy gò, giọng nói nhỏ nhẹ, trầm ấm nhưng hết sức linh hoạt, phong cách tao nhã… và một niềm tin sắt đá vào công cuộc giải phóng nhân dân mình khỏi ách ngoại bang, nghèo nàn và lạc hậu. Ngay từ lúc ấy, nhà thơ xứ sở bạch dương đã thấy “Từ Nguyễn Ái Quốc đã tỏa ra một thứ văn hóa, không phải văn hóa châu Âu, mà có lẽ là nền văn hóa tương lai”.

Hơn 30 năm sau (năm 1954), khi sang Việt Nam để thực hiện bộ phim tài liệu Việt Nam, đạo diễn Roman Karmen đã rất ngạc nhiên, khâm phục khi bắt gặp sự bình dị và tính cách khiêm nhường của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Chủ tịch Hồ Chí Minh bình dị và khiêm nhường, chối từ tất cả thư ký, ông tự mình đọc tất cả các tài liệu, tự mình trả lời, tự mình đánh máy bài viết. Ông thực hiện các cuộc hành trình lớn, dài ngày, đi bộ hoặc đi ngựa, giản dị trò chuyện với nông dân ở các làng quê”. Đạo diễn lừng danh nước Nga cũng đã thấy nghị lực, niềm tin sắt đá của Người vào thắng lợi cuối cùng của cách mạng Việt Nam: “Ngồi trước chúng tôi là một con người tràn đầy nghị lực của tuổi trẻ. Trên khuôn mặt sạm gầy của ông là vầng trán cao không một vết nhăn, cặp mắt nâu đen với những tia sáng rạng rỡ luôn thu hút chúng tôi. Thỉnh thoảng, trên cặp mắt thân thiện mỏi mệt của ông đượm buồn. Đó là khi ông nói về những đau khổ ngoài sức tưởng tượng mà nhân dân ông gánh chịu, về vô vàn những hy sinh mất mát, về sự dã man, tàn ác của kẻ thù"; "Đồng chí Hồ Chí Minh đã mang theo suốt cuộc đời mình niềm tin cháy bỏng, rằng nhân dân Việt Nam sẽ giành được tự do và độc lập trong cuộc đấu tranh chống thực dân”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và đoàn làm phim Xô Viết tại Việt Bắc (Đạo diễn Karmen ngồi bìa phải).

Chủ tịch Hồ Chí Minh và đoàn làm phim Xô Viết tại Việt Bắc (Đạo diễn Karmen ngồi bìa phải).

Dịch "Nhật ký trong tù" của Chủ tịch Hồ Chí Minh sang tiếng Nga, nhà thơ Pavel Antokolxki đã bỏ nhiều công sức tìm hiểu về cuộc đời cách mạng của lãnh tụ dân tộc Việt Nam. Và ông đã đi đến nhận định: “Nếu có nhà tiểu thuyết đương thời nào đặt nhiệm vụ miêu tả toàn bộ thế kỷ khốc liệt nhưng cũng tuyệt vời của chúng ta và tìm thấy một nhân vật, tất nhiên là chính diện - một hiệp sĩ chân chính, từ những năm tháng thiếu niên đã bước vào con đường đấu tranh chống phi nghĩa và cái ác - nhà tiểu thuyết ấy có lẽ sẽ tìm thấy trong cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh tài tiệu quý giá và duy nhất”.

Sự hấp dẫn, sức lôi cuốn và khả năng cảm hóa của Người không chỉ ở phong thái ung dung, tự tại; cách ứng xử tinh tế, mực thước của một nhà ngoại giao mà còn ở một trí tuệ uyên bác, mẫn tiệp và vô cùng sâu sắc. Thiếu tướng Grigori Belov (nguyên trưởng đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô tại Việt Nam từ năm 1965 - 1967) kể về ấn tượng lần đầu tiên gặp Người: “Tôi chăm chú lắng nghe và quan sát khi đồng chí Hồ Chí Minh nói. Lời nói giản dị như trò chuyện, bình dị trong cách ăn mặc, cái nhìn tinh anh, không hề có gì dư thừa trong hình ảnh vị lãnh tụ của nhân dân Việt Nam - tất cả những cái đó đã chinh phục tôi ngay trong giây phút khi tôi đứng bên cạnh Người. Ngay cả cái bắt tay cũng ấm áp làm sao, nhiệt tình và thân thiện”. Nhà nghiên cứu văn hóa Nikolai Nikulin, người đã may mắn được nhiều lần gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Cuộc gặp mặt tuyệt vời với Bác Hồ đã đem đến cho tâm hồn tôi sự vui sướng và rạng ngời, một sự cảm nhận tình thân ái và sự quan tâm của một con người vĩ đại, mà tôi quen nhìn trên ảnh chân dung hoặc trong những thước phim tài liệu, một cảm giác biết ơn trào dâng trong tôi”.

Có một điểm chung trong ký ức của những người Nga được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh là tất thảy đều cảm nhận được rằng, trong thẳm sâu trái tim của Người luôn dành cho nước Nga, nhân dân Nga một tình yêu chân thành, sâu sắc. Người sử dụng thuần thục ngôn ngữ Nga, hiểu biết phong tục tập quán Nga, nền văn hóa Nga. Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn trước sau như một nhấn mạnh rằng: Dân tộc Việt Nam không bao giờ quên chiến thắng mà nhân dân Việt Nam có được không tách rời sự giúp đỡ to lớn của nhân dân Liên Xô, của sức mạnh đoàn kết hùng hậu của nhân dân Nga. Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đi, những người Nga rất tiếc thương Người. "Trong ký ức tôi luôn giữ mãi hình ảnh một con người hiền hậu, người chiến sĩ kiên định vì hạnh phúc của nhân dân Việt Nam, dành cả cuộc đời mình cho cuộc đấu tranh đó... Ngày hôm nay, Việt Nam đã được tự do! Sự nghiệp vĩ đại mà Chủ tịch Hồ Chí Minh dâng hiến cả cuộc đời mình đã ca khúc khải hoàn. Nhiều quảng trường ở các thành phố Liên Xô chúng ta mang tên ông... Ký ức về ông sống mãi trong trái tim những người dân Xô Viết”, phi hành gia Gherman Titov (Chủ tịch Hội Hữu nghị Xô - Việt giai đoạn 1966 - 1991) viết.

THÀNH NGUYỄN

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/van-hoa/202505/chu-tich-ho-chi-minh-trong-ky-uc-nguoi-nga-c25395e/