Chủ tịch Hồ Chí Minh với Ngày Toàn quốc kháng chiến
Trước dã tâm và những hành động gây hấn nhằm thôn tính nước ta của thực dân Pháp, để bảo vệ Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa non trẻ và nền độc lập mà cả dân tộc vừa giành được, ngày 19-12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, cả nước bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống quân xâm lược.
ĐƯỜNG LỐI ĐỐI NGOẠI SÁNG SUỐT CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH TRƯỚC NGÀY TOÀN QUỐC KHÁNG CHIẾN
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nhân dân Việt Nam được hưởng niềm vui độc lập chưa được bao lâu thì với dã tâm thôn tính nước ta một lần nữa, ngày 23-9-1945, thực dân Pháp với sự trợ giúp của quân đội Anh đã gây hấn ở Sài Gòn, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam lần thứ hai. Trước tình thế này, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ Việt Nam đã có những nỗ lực cao nhất nhằm giữ vững hòa bình, nhưng đều bị chính quyền thực dân Pháp ở Đông Dương làm ngơ.
Ngày 6-3-1946, tận dụng cuộc đụng độ quân sự giữa quân Tưởng và quân Pháp ở Hải Phòng, Chính phủ ta chấp nhận ký bản Hiệp định sơ bộ. Theo đó, 15.000 quân Pháp ra miền Bắc Việt Nam thay thế cho 180.000 quân Tưởng giải giáp khí giới quân đội Nhật và số quân này phải rút hết trong 5 năm. Điều này đã góp phần quan trọng làm giảm áp lực quân sự của quân Pháp đối với lực lượng kháng chiến còn non trẻ ở Nam bộ khi đó.
Song Hiệp định sơ bộ ngày 6-3-1946 chưa ráo mực, phía Pháp đã tìm mọi cách phá hoại. Trước sức ép của dư luận Pháp, sự phản đối mạnh mẽ của nhân dân Việt Nam và đường lối đối ngoại sáng suốt, khôn khéo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chính phủ Pháp buộc phải chấp nhận đàm phán chính thức với Việt Nam và mời Chủ tịch Hồ Chí Minh sang thăm nước Pháp với tư cách là thượng khách. Nhưng để đến được hội nghị chính thức, Pháp còn bày ra chuyện họp hội nghị trù bị ở Đà Lạt mà Hiệp định sơ bộ không quy định.
Hội nghị trù bị họp ở Đà Lạt từ ngày 19-4 đến 10-5-1946 không đạt kết quả nào do phía Pháp không chịu ngừng bắn, âm mưu tách Nam bộ ra khỏi nước ta. Ngày 31-5-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Phái đoàn Chính phủ ta do đồng chí Phạm Văn Đồng dẫn đầu vẫn lên đường sang thăm chính thức và đàm phán với Chính phủ Pháp. Cuộc đàm phán được bắt đầu ngày 6-7-1946 ở lâu đài Fontainebleau, nhưng cũng không đạt được kết quả nào do thái độ thiếu thiện chí của phía Pháp.
Tình hình đó đặt ra hai khả năng: Hoặc là đoàn ta về nước mà không có bất cứ thỏa thuận nào; hoặc tạm thời nhân nhượng thêm một bước về những vấn đề không vi phạm độc lập, chủ quyền quốc gia, tiếp tục duy trì tình hình hòa hoãn, dù rất mong manh với Chính phủ Pháp; đồng thời tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân Pháp và thế giới.
Sau những trăn trở, cân nhắc, Hồ Chủ tịch đã đi đến một quyết định đầy táo bạo: Ngày 14-9-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký với Bộ trưởng Bộ Pháp quốc hải ngoại Moutet bản Tạm ước Việt - Pháp, gồm 11 điều, khoản, có hiệu lực từ ngày 30-10-1946. Đây là một quyết định ngoại giao kịp thời, đúng đắn, khai thác được những khả năng ít ỏi nhất nhằm duy trì được điều kiện hòa hoãn với chính quyền Pháp. Nhờ đó, ta có thêm khoảng thời gian 3 tháng cực kỳ quý giá để chuẩn bị cho một cuộc đụng đầu không cân sức, không thể tránh khỏi với thực dân Pháp.
KHẨN TRƯƠNG CHUẨN BỊ KHÁNG CHIẾN
Cuối tháng 10-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh cử cán bộ lên Việt Bắc chuẩn bị mọi mặt cho việc di chuyển các cơ quan lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, các xí nghiệp, kho tàng, máy móc khi cần thiết. Ngay sau sự kiện thực dân Pháp bội ước đánh chiếm Lạng Sơn, Hải Phòng, chuẩn bị tiến hành cuộc chiến tranh quy mô lớn chống lại Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa non trẻ, trong buổi họp Thường vụ Trung ương Đảng để ra nghị quyết cả nước chuẩn bị nhất tề đứng lên chiến đấu chống quân xâm lược, Người nhấn mạnh: “Trong khi hết sức tích cực, khẩn trương chuẩn bị kháng chiến, tuyệt đối không sa vào âm mưu khiêu khích để địch lợi dụng đánh ta sớm. Ở thành thị, biến mỗi đường phố thành một chiến hào. Ở nông thôn, mỗi làng thành một pháo đài. Kháng chiến của ta sẽ là toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến, trường kỳ kháng chiến”.
Ở Hà Nội, kẻ thù tìm mọi cách khiêu khích ta, chúng theo dõi sát sao những hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thậm chí bố trí cả súng máy chĩa vào cửa sổ Bắc Bộ phủ, nơi Người thường làm việc. Sau khi nắm được tin mật của địch chỉ thị cho quân đóng ở các địa phương lập ra những đội biệt kích sẵn sàng bắt cóc và thủ tiêu cán bộ cốt cán của ta, Thường vụ Trung ương Đảng quyết định đưa Bác ra ngoại thành.
Ngày 29-11, Đảng ta ra Lời kêu gọi: “Hỡi toàn quốc đồng bào! Những hành động của Pháp xâm phạm chủ quyền Việt Nam rất có thể lan rộng. Tình thế vô cùng nghiêm trọng. Hãy sẵn sàng chiến đấu để tự vệ bất cứ nơi nào và chỗ nào…”. Nhân dân Hà Nội được lệnh tản cư về các vùng nông thôn. Ngày 3-12, đồng chí Trần Đăng Ninh đưa xe đón Người đi thẳng vào làng Vạn Phúc (TX. Hà Đông), đến nhà ông Nguyễn Văn Dương, một cơ sở của ta từ trước cách mạng.
Do nhà ông Dương có xưởng dệt lụa lớn, thường xuyên có khách đến giao thương nên che mắt được bọn mật thám. Bản thân ông Dương cũng thường xuyên tham gia nhiều công việc phục vụ cách mạng. Vì thế, nhà ông Dương được chọn làm nơi ở, làm việc của Bác suốt 16 ngày đêm (từ ngày 3 đến 19-12-1946). Trong thời gian ở đây, Người cùng các đồng chí lãnh đạo của Đảng và Chính phủ đã giải quyết các nhiệm vụ cách mạng quan trọng.
Ngày 5-12, tại Bắc Bộ phủ, Người gặp và giao nhiệm vụ cho kỹ sư Trần Đại Nghĩa chuẩn bị quân dụng, vũ khí cho cuộc kháng chiến. Tinh thần chiến đấu của nhân dân ta lên rất cao, gần 1 triệu thanh niên nam nữ đã xung phong vào các đội du kích, cùng bộ đội và dân quân đêm ngày luyện tập. Các làng chiến đấu cũng được xây dựng khẩn trương.
Ngày 18-12, địch yêu cầu phía ta phá các ụ chiến đấu. Quân địch còn dùng xe tăng chiếm Nha Tài chính, đưa tối hậu thư cho ta đòi đến ngày 20 sẽ đảm nhận việc giữ gìn trị an ở Hà Nội. Đêm hôm đó, ở Vạn Phúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc rất khuya để hoàn thành Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến lịch sử. Ngày 19-12, quân Pháp gửi tiếp tối hậu thư đòi phía ta phải đình chỉ mọi hoạt động kháng chiến, giao nộp vũ khí và đe dọa trong vòng 24 giờ không thực hiện thì chúng sẽ hành động. Chính phủ ta bác bỏ tối hậu thư ấy, Trung ương ra chỉ thị: Tất cả hãy sẵn sàng!
HỒNG LÊ (tổng hợp)