Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Tiền Giang Ngô Văn Tuấn: Quan tâm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Thời gian qua, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (NTD) tỉnh (viết tắt Hội) luôn phấn đấu trở thành địa chỉ tin cậy trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của NTD. Xoay quanh vấn đề này, phóng viên (PV) Báo Ấp Bắc đã có cuộc trao đổi với đồng chí Ngô Văn Tuấn, Chủ tịch Hội.
* PV: Xin đồng chí cho biết mục đích, ý nghĩa Ngày Quyền của NTD Việt Nam và chủ đề năm nay?
* Đồng chí Ngô Văn Tuấn: Ngày 10-7-2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1035, lấy ngày 15-3 hằng năm là Ngày Quyền của NTD Việt Nam, nhằm khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác bảo vệ quyền lợi NTD với sự phát triển ổn định, bền vững của xã hội và đất nước.
Ngày Quyền của NTD Việt Nam mang ý nghĩa quan trọng, được tổ chức hằng năm với chủ đề khác nhau, cùng với các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật nhằm đưa Luật Bảo vệ quyền lợi NTD và các văn bản liên quan đến công tác bảo vệ quyền lợi NTD đến với mọi đối tượng. Bên cạnh đó, sự kiện này giúp định hướng, xác định trách nhiệm của các tổ chức, doanh nghiệp đối với sản phẩm, hàng hóa dịch vụ cung ứng của mình theo quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi NTD.
Hiện nay, các hoạt động bảo vệ quyền lợi NTD tại Việt Nam đang được thực hiện trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tuy còn diễn biến phức tạp song cơ bản đã được kiểm soát, Việt Nam kiên định thực hiện mục tiêu kép phòng, chống dịch hiệu quả, đồng thời ổn định, phát triển kinh tế, chăm lo đời sống, bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Trong bối cảnh đó, ngày 9-7-2021, Bộ Công thương đã ban hành Kế hoạch 4073, đề xuất hoạt động và lựa chọn chủ đề năm 2022 là: “Tiêu dùng an toàn trong thời kỳ bình thường mới”.
* PV: Những kết quả nổi bật trong công tác bảo vệ quyền lợi NTD ở tỉnh ta thời gian qua?
* Đồng chí Ngô Văn Tuấn: Thứ nhất là, nhận thức của NTD từng bước được nâng lên, NTD ngoài việc quan tâm đến chất lượng và giá cả, họ đã bắt đầu quan tâm đến nguồn gốc, xuất xứ, nhãn hiệu hàng hóa, chế độ bảo hành, thời hạn sử dụng...; có ý thức đấu tranh, tố giác các hành vi gian lận thương mại.
Thứ hai là, các chủ thể sản xuất, kinh doanh đã phần nào nhận thấy vai trò và trách nhiệm của mình đối với NTD, thấy được tầm quan trọng của việc bảo vệ quyền lợi NTD với sự thành công và phát triển của doanh nghiệp, từ đó chú trọng thực thi trách nhiệm của mình theo Luật Bảo vệ quyền lợi NTD.
Thứ ba là, hệ thống tổ chức bảo vệ quyền lợi NTD ngày càng hoàn chỉnh từ tỉnh đến các địa phương, cùng với việc thành lập các tổ hòa giải đặt tại các chợ trên toàn tỉnh, giúp công tác tư vấn, hòa giải và giải quyết khiếu nại của NTD trong thời gian qua thực hiện tốt, là tiền đề để NTD an tâm khi mua sắm hàng hóa, dịch vụ.
* PV: Đâu là những hạn chế trong công tác bảo vệ NTD hiện nay?
* Đồng chí Ngô Văn Tuấn: Tình trạng hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng, gian lận thương mại, hàng không đảm bảo an toàn thực phẩm vẫn còn xảy ra. Thương mại điện tử, giao dịch trực tuyến phát triển nhanh chứa đựng nhiều nguy cơ xâm hại đến quyền lợi NTD, các hình thức vi phạm ngày càng tinh vi rất khó kiểm soát, làm ảnh hưởng, thiệt hại đến sức khỏe, tài sản của NTD.
Hiện nay, vẫn còn nhiều NTD chưa được phổ biến kiến thức pháp luật về tiêu dùng, chưa nhận biết được quyền và trách nhiệm của mình khi mua sắm hàng hóa dịch vụ, kiến thức mà NTD nắm được chưa sâu và còn mơ hồ.
Mặt khác, NTD thường chọn cách im lặng khi quyền lợi bị xâm hại, nguyên nhân là do e ngại thủ tục hành chính, sợ tốn thời gian, mất chi phí đi lại… trong khi giá trị hàng hóa lại không cao; đa số NTD không quan tâm đến hóa đơn chứng từ khi mua sắm hàng hóa dịch vụ, điều này gây thiệt thòi cho NTD nếu có xảy ra tranh chấp. Bên cạnh đó, cũng còn một số ít người dân còn thờ ơ với công tác bảo vệ quyền lợi NTD.
* PV:Làm thế nào để bảo vệ quyền NTD trong môi trường thương mại điện tử, thưa đồng chí?
* Đồng chí Ngô Văn Tuấn: Thời gian tới, chúng ta cần tăng cường công tác quản lý, đảm bảo quyền lợi cho NTD, có chính sách khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp đưa các chính sách, quy định của pháp luật về bảo vệ quyền lợi NTD vào chiến lược, kế hoạch sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp…
Cùng với đó, cảnh báo và hướng dẫn NTD về cách thức mua hàng, các dấu hiệu nhận biết hàng thật, hàng giả; quy trình phản ánh, khiếu nại khi quyền của NTD bị xâm hại hoặc khi phát hiện vi phạm. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá chất lượng hàng hóa, dịch vụ; xây dựng cơ chế phối hợp xử lý vi phạm, bảo vệ quyền lợi NTD; tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn cho cán bộ làm công tác bảo vệ quyền lợi NTD nhằm nâng cao hiệu quả tư vấn, hỗ trợ giải quyết tranh chấp giữa NTD và tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa dịch vụ.
Hội tích cực phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân các thủ tục, biện pháp bảo vệ khi quyền lợi bị xâm phạm. Từ năm 2020 đến nay, Hội đã tiếp nhận 55 ý kiến phản ánh của NTD đề nghị tư vấn, giải quyết khiếu nại liên quan đến mua hàng trực tuyến, mua hàng online nhưng sản phẩm nhận được không đúng theo như mô tả. Hội đã tiếp nhận thông tin, xác minh và lập biên bản yêu cầu bưu cục ngưng chuyển trả tiền cho người bán và đề nghị bưu cục gốc trả lại hàng và hoàn lại tiền cho NTD.
* PV:Đồng chí có lời khuyên nào cho NTD?
* Đồng chí Ngô Văn Tuấn: Hãy là NTD thông minh, lựa chọn sản phẩm của doanh nghiệp có uy tín, nói không với hàng hóa vi phạm, đặc biệt là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu. Khi mua hàng hóa, yêu cầu bên bán hàng cung cấp hóa đơn, cam kết thu hồi, bồi thường trong trường hợp hàng hóa có khiếm khuyết. Đối với loại hàng hóa có bảo hành, yêu cầu bên bán hàng thực hiện đầy đủ quy định về bảo hành hàng hóa, như: Điều kiện bảo hành, thời hạn bảo hành, địa điểm bảo hành và thủ tục bảo hành.
Kiên quyết không mua các loại sản phẩm hàng hóa không đăng ký chất lượng, nhãn hiệu hoặc có nhãn hiệu nhưng không ghi rõ địa chỉ nơi sản xuất, ngày tháng năm sản xuất và thời gian sử dụng.
Ưu tiên mua hàng từ những trang thương mại điện tử uy tín, có đăng ký, thông báo tới Bộ Công thương. Khi mua hàng trên mạng xã hội, lựa chọn những tài khoản uy tín, có lịch sử bán hàng lâu dài. Khi nhận hàng, đối chiếu thông tin trên biên lai giao hàng với đơn hàng cần mua nhằm hạn chế tình trạng thanh toán cho đơn hàng mà mình không đặt cũng như nhận hàng không đúng với sản phẩm đã đặt mua.
Khi phát hiện sản xuất và buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng không đảm bảo chất lượng, hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ thì nhanh chóng báo ngay đến các cơ quan chức năng nơi gần nhất để có biện pháp kiểm tra, xử lý kịp thời.
* PV: Xin cảm ơn đồng chí!
LÝ OANH (thực hiện)