Chủ tịch Hội đồng liên ngành nêu nguyên nhân khiến các ứng viên GS, PGS bị loại
Theo Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Hồ Đắc Lộc, tỷ lệ 50% ứng viên bị loại là không bất thường và cũng tương đương với các năm trước.
Hội đồng Giáo sư nhà nước vừa công bố danh sách ứng viên được Hội đồng Giáo sư ngành, liên ngành đề nghị xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2021.
Theo đó, so với danh sách ứng viên được Hội đồng giáo sư cơ sở đề nghị xét công nhận tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư, số lượng ứng viên bị loại ở ngành Toán chiếm tỉ lệ cao nhất (14/25 ứng viên bị loại). Xếp thứ hai là liên ngành Điện – Điện tử - Tự động hóa với 13/26 ứng viên giáo sư, phó giáo sư bị loại, trong đó có 4 ứng viên giáo sư và 9 ứng viên phó giáo sư.
Nói về số lượng ứng viên bị loại, trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Hồ Đắc Lộc – Chủ tịch Hội đồng Giáo sư liên ngành Điện – Điện tử - Tự động hóa cho rằng: “Hội đồng Giáo sư liên ngành Điện – Điện tử – Tự động hóa công tâm, khách quan và minh bạch trong việc đánh giá ứng viên đạt hay chưa đạt chuẩn theo quy định hiện hành.
Năm 2021 có 13 ứng viên chưa đạt chuẩn, chiếm tỷ lệ 50%. Tỷ lệ 50% các ứng viên chưa đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn giáo sư, phó giáo sư là không bất thường và cũng tương đương với các năm trước".
Giáo sư Lộc cũng thông tin, năm 2019 có 17/31 ứng viên đạt chuẩn (hơn 45% ứng viên chưa đạt); năm 2020 có 14/24 ứng viên đạt chuẩn (42% ứng viên chưa đạt).
Đánh giá về chất lượng ứng viên giáo sư, phó giáo sư liên ngành Điện – Điện tử - Tự động hóa năm 2021, Giáo sư Hồ Đắc Lộc cho biết, về tổng thể, chất lượng ứng viên cũng tương đương các năm trước. Riêng các ứng viên được Hội đồng liên ngành đề nghị Hội đồng Giáo sư Nhà nước công nhận đạt chuẩn giáo sư, phó giáo sư năm nay có thành tích công bố khoa học tốt; số lượng phát minh, sáng chế và giải pháp hữu ích có tăng hơn so với năm 2020.
Chủ tịch Hội đồng giáo sư liên ngành Điện – Điện tử - Tự động hóa cũng chia sẻ 2 nguyên nhân chính khiến một nửa ứng viên bị loại là do ứng viên chưa đạt các điều kiện cứng theo quy định và chưa chuẩn bị tốt cho phiên báo cáo và trả lời chất vấn của Hội đồng nên không đạt đủ số phiếu tín nhiệm theo quy định .
Cụ thể, mỗi hồ sơ ứng viên được thẩm định bởi 3 giáo sư cùng chuyên ngành. Mỗi ứng viên đủ điều kiện cần phải báo cáo khoa học tổng quan và trả lời chất vấn của Hội đồng bằng tiếng Anh.
Tùy thuộc vào kết quả thẩm định hồ sơ, kết quả trao đổi công khai, chi tiết trên từng hồ sơ của ứng viên và chất lượng phiên báo cáo khoa học tổng quan của ứng viên mà hội đồng có kết luận cụ thể cho từng trường hợp, dựa theo quy định hiện hành.
Đặc biệt các ủy viên, các giáo sư phản biện cũng hết sức quan tâm và lưu ý về tiêu chí liêm chính trong khoa học của ứng viên trong khi thẩm định hồ sơ; chất vấn trực tiếp ứng viên trong phiên báo cáo khoa học.
“Tiêu chí đánh giá của năm 2021 cơ bản giống như tiêu chí năm 2020. Chúng tôi không cho rằng tiêu chí hiện hành là quá cao”, Giáo sư Hồ Đắc Lộc khẳng định.
Cũng theo Giáo sư Lộc, chức năng, việc thực hiện xét duyệt ở Hội đồng Giáo sư ngành, liên ngành có những điểm khác so với Hội đồng Giáo sư cơ sở.
Theo Quyết định 37/2018/QĐ-TTg, chức năng cơ bản của Hội đồng Giáo sư cơ sở là xem xét về công tác pháp lý của hồ sơ ứng viên và giúp cung cấp thông tin của ứng viên cho Hội đồng giáo sư ngành/liên ngành.
Hội đồng Giáo sư cơ sở có thể có chấm điểm để tham khảo, nên khâu chấm điểm có thể không chi tiết như ở Hội đồng Giáo sư ngành/liên ngành.
Trong quá trình thẩm định, nếu có những điểm chưa rõ trong hồ sơ ứng viên, Hội đồng Giáo sư ngành/liên ngành có thể yêu cầu Hội đồng Giáo sư cơ sở cung cấp thêm thông tin. Hội đồng Giáo sư ngành/liên ngành tập trung thẩm định và đánh giá về các tiêu chí (đào tạo, nghiên cứu,…) thuộc chuyên môn của ứng viên.
Giáo sư Hồ Đắc Lộc cũng cho biết thêm, cho đến thời điểm hiện tại, Hội đồng Giáo sư liên ngành Điện – Điện tử – Tự động hóa chưa nhận được phản ánh gì về kết quả xét duyệt năm 2021.
Mỗi ứng viên chưa đạt chuẩn, Hội đồng Giáo sư liên ngành đều có gửi thông tin trực tiếp cho ứng viên một cách rõ ràng, minh bạch về các điểm yếu để ứng viên tiếp tục cải thiện cho đợt xét duyệt tiếp theo.