Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Kinh Bắc bị tố sử dụng bằng không hợp pháp

Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Kinh Bắc Đoàn Xuân Tiếp bị tố sử dụng văn bằng không hợp pháp.

Khuôn viên Trường Đại học Kinh Bắc (trụ sở tại Bắc Ninh).

Khuôn viên Trường Đại học Kinh Bắc (trụ sở tại Bắc Ninh).

Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Kinh Bắc Đoàn Xuân Tiếp bị tố sử dụng văn bằng không hợp pháp, trong khi bản thân ông tỏ ra bất ngờ về tấm bằng đại học của mình...

Trường Đại học Mỏ - Địa chất đã có xác nhận

Trong đơn gửi cơ quan chức năng, bà Nguyễn Thị Tuyết Hồng, Phó Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Kinh Bắc (phường Đội Cấn, quận Ba Đình, Hà Nội) phản ánh, bằng tốt nghiệp Trường Đại học Mỏ - Địa chất (khóa học từ 2005 – 2010) hệ vừa làm vừa học cấp cho ông Đoàn Xuân Tiếp - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Kinh Bắc là bất hợp pháp.

Bà Tuyết Hồng lý giải, giai đoạn đó bà đang cùng ông Tiếp làm việc tại Công ty TNHH Chân Thiện Mỹ, trụ sở ở xã Châu Phong, huyện Quế Võ (tỉnh Bắc Ninh). Hiện cũng là đơn vị chủ đầu tư của Trường Đại học Kinh Bắc.

Nghi ngờ ông Tiếp không đi học mà lại được cấp bằng đại học, bà Tuyết Hồng đã đề nghị Trường Đại học Mỏ - Địa chất xác minh bằng tốt nghiệp đại học số hiệu 00107535, số vào sổ cấp bằng SĐ50-76 ngày 4/5/2010 mang tên Đoàn Xuân Tiếp.

Ngày 12/6/2023 Trường Đại học Mỏ - Địa chất có văn bản số 455/MĐC- ĐTĐH xác nhận: “Ông Đoàn Xuân Tiếp, sinh ngày 19/5/1950 không có thời gian học tập tại Trường Đại học Mỏ - Địa chất và không có tên trong sổ gốc cấp bằng tốt nghiệp đại học của nhà trường với các thông tin được ghi trên bằng tốt nghiệp đại học đính kèm phía công ty (Công ty TNHH Mỹ nghệ Hồng Ngọc) cung cấp…”.

Trước đó, bà Nguyễn Thị Tuyết Hồng - dưới chức danh Giám đốc Công ty TNHH Mỹ nghệ Hồng Ngọc có văn bản số 68 gửi Trường Đại học Mỏ - Địa chất về việc đề nghị kiểm tra bằng tốt nghiệp đại học được cho là của ông Đoàn Xuân Tiếp - cổ đông sáng lập, góp vốn và cùng điều hành, hoạt động của công ty.

Xin thôi chức vì sức khỏe

Ông Đoàn Xuân Tiếp trao đổi với Báo GD&TĐ.

Ông Đoàn Xuân Tiếp trao đổi với Báo GD&TĐ.

Liên quan đến sự việc trên, trao đổi với Báo GD&TĐ, ông Đoàn Xuân Tiếp - Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Kinh Bắc cho biết, đã có đơn gửi Công an tỉnh Bắc Ninh đề nghị tìm ra sự thật về bằng tốt nghiệp có mang tên ông mà Trường Đại học Mỏ - Địa chất đã cấp.

Bởi theo ông Tiếp, ông không có thời gian học tập tại Trường Đại học Mỏ - Địa chất, vì vậy ông không có văn bằng trên.

“Tôi chưa một lần được nhìn thấy các loại văn bằng này, việc bà Hồng (Nguyễn Thị Tuyết Hồng - PV) tố cáo kèm theo các văn bằng thì bà Hồng phải có trách nhiệm giải trình và chịu trách nhiệm trước pháp luật. Bản thân tôi không kê khai các văn bằng này trong hồ sơ Đảng và tôi không theo học. Tôi cũng không lợi dụng các văn bằng trên để mưu cầu chính trị và dùng để hiệp y chức danh Chủ tịch Hội đồng trường…”, ông Đoàn Xuân Tiếp nói.

Ông Tiếp cũng cho biết, sau khi phục viên về địa phương ông có thành lập cơ sở dạy nghề miễn phí cho thương binh, con liệt sỹ và người khuyết tật.

Do có thành tích đặc biệt xuất sắc trong công tác đào tạo dạy nghề và bố trí việc làm cho người khuyết tật, thương binh, liệt sĩ, ông được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.

Khi được hỏi về văn bằng để được kiện toàn chức danh Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Kinh Bắc, ông Đoàn Xuân Tiếp tiết lộ, ông có theo học thạc sỹ tại Philippines và tiến sĩ tại Malaysia. Ông cũng cho biết đã làm đơn xin thôi giữ chức Chủ tịch Hội đồng trường.

“Do tuổi cao, sức yếu, mắc nhiều bệnh nền huyết áp, tim mạch, tiểu đường 26 năm… và áp lực, tôi đã viết đơn xin thôi giữ chức Chủ tịch Hội đồng trường và Bí thư Đảng ủy…”, ông Tiếp thông tin.

Lý giải về việc bị tố cáo sử dụng văn bằng giả, vị Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Kinh Bắc cho rằng: “Vợ tôi (bà Nguyễn Thị Tuyết Hồng - PV) đang làm thủ tục ly hôn tại Tòa án nhân dân quận Ba Đình (Hà Nội) và bức xúc thông tin với bạn đọc”.

Liên quan đến sự việc trên, ông Nguyễn Đức Cường - Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT cho biết, Thanh tra Bộ có nhận được đơn thư của bà Nguyễn Thị Tuyết Hồng trú ở phường Đội Cấn (quận Ba Đình, Hà Nội).

Trong đơn bà Nguyễn Thị Tuyết Hồng nêu việc ông Đoàn Xuân Tiếp - Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Kinh Bắc sử dụng văn bằng không hợp pháp.

Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT cũng cho hay, theo Luật Giáo dục Đại học, Chủ tịch hội đồng trường là cán bộ cơ hữu hoặc cán bộ kiêm nhiệm của trường đại học theo quy định tại quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học, do hội đồng trường bầu và được hội nghị nhà đầu tư hoặc chủ sở hữu trường đại học công nhận.

“Thanh tra Bộ GD&ĐT đã có văn bản trả lời và đề nghị bà Nguyễn Thị Tuyết Hồng gửi đơn đến nhà đầu tư hoặc chủ sở hữu của Trường Đại học Kinh Bắc để đề nghị xem xét giải quyết theo quy định...”, Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT thông tin.

Trước thềm năm học mới 2023 - 2024, PGS.TS Nguyễn Văn Hòa - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh Bắc cũng bày tỏ, thông tin đơn thư liên quan đến Chủ tịch Hội đồng nhà trường cũng sẽ ảnh hưởng đến công tác tuyển sinh.

“Trường Đại học Kinh Bắc là một pháp nhân hoạt động theo Luật Giáo dục đại học, mọi hoạt động dạy và học của nhà trường diễn ra đúng quy định. Nhà trường cam kết đảm bảo chất lượng, quyền lợi của sinh viên theo học và đã sẵn sàng cho năm học mới 2023 - 2024…”, PGS.TS Nguyễn Văn Hòa nói.

Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh Bắc cũng nhấn mạnh, việc đơn thư có cơ quan chức năng điều tra làm rõ, nhà trường đã và đang làm tốt công tác giáo dục và đào tạo. Vì vậy, tân sinh viên, sinh viên yên tâm về chất lượng giáo dục và đào tạo tại nhà trường.

Năm 2023, Trường Đại học Kinh Bắc đào tạo 18 ngành trình độ đại học và 2 ngành sau đại học. Nhà trường tuyển sinh theo phương thức xét tuyển (sử dụng kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển theo kết quả học bạ THPT).

Đăng Chung

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/chu-tich-hoi-dong-truong-dai-hoc-kinh-bac-bi-to-su-dung-bang-khong-hop-phap-post650998.html