Chủ tịch Hội Nhà báo: Nhà báo là 'chiến sĩ biên phòng' trên không gian mạng

Theo Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, nhà báo hôm nay phải trở thành ''chiến sĩ biên phòng'' trên không gian mạng, bảo vệ độc giả khỏi làn sóng xâm lăng văn hóa.

Ngày 20/4, Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Chương trình “Về nguồn” tại các khu di tích lịch sử, văn hóa thuộc cụm di tích An toàn khu Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên.

Chương trình được tổ chức nhằm hướng tới kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Hội Nhà báo Việt Nam (21/4/1950 - 21/4/2025), hướng tới kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2025).

Tham dự chương trình có ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, Ủy viên Đảng ủy Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; đại biểu nhà báo lão thành, lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam qua các thời kỳ; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam; đại biểu đại diện thường trực hội nhà báo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các liên chi hội, chi hội trực thuộc Hội Nhà báo Việt Nam…

Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh cùng các đại biểu dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh (Khu di tích Đèo De, xã Phú Đình, thuộc An toàn khu Định Hóa, Thái Nguyên). Ảnh: Phong Lâm

Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh cùng các đại biểu dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh (Khu di tích Đèo De, xã Phú Đình, thuộc An toàn khu Định Hóa, Thái Nguyên). Ảnh: Phong Lâm

Phát biểu tại chương trình, ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương cho biết, việc Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Chương trình “Về nguồn" có ý nghĩa rất lớn nhằm kỷ niệm 135 năm ngày sinh cụ Huỳnh Thúc Kháng - người đã khởi nguồn và cũng là một trong những người đầu tiên xây nền móng cho báo chí cách mạng Việt Nam; 95 năm thành lập chi bộ Đảng đầu tiên tại miền núi phía Bắc; 80 năm Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo; 49 năm Ngày thống nhất đất nước; 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam; 75 năm thành lập Hội Nhà báo Việt Nam…

“Hôm nay, trong giờ phút thiêng liêng, Đoàn “về nguồn” của người làm báo cả nước và đại diện lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên thành kính về Di tích lịch sử quốc gia Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng, dâng hương kính cẩn tưởng nhớ và biết ơn các nhà báo tiền bối đã cống hiến hết mình, đã tận tụy phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, trung thành với Đảng, góp phần dựng xây sự nghiệp báo chí cách mạng to lớn mà Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã gây dựng.

Mái trường này, ngày hôm nay, đã trở thành di tích lịch sử cấp quốc gia, nhưng tinh thần Huỳnh Thúc Kháng, tinh thần những nhà báo chiến sĩ năm xưa sẽ mãi trường tồn cùng sự nghiệp báo chí cách mạng của chúng ta”, ông Lê Quốc Minh nói.

 Các đại biểu tham quan không gian trưng bày tại Khu di tích nơi thành lập Hội Nhà báo Việt Nam (thôn Roòng Khoa, xã Điềm Mặc, thuộc An toàn khu Định Hóa, Thái Nguyên). Ảnh: Phong Lâm

Các đại biểu tham quan không gian trưng bày tại Khu di tích nơi thành lập Hội Nhà báo Việt Nam (thôn Roòng Khoa, xã Điềm Mặc, thuộc An toàn khu Định Hóa, Thái Nguyên). Ảnh: Phong Lâm

Cũng theo Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, thế hệ nhà báo hôm nay may mắn hơn thế hệ cha anh khi không phải viết báo trong bom đạn, nhưng lại đối mặt với một mặt trận mới đầy cam go.

"Mỗi ngày, chúng ta phải vượt qua hàng ngàn, hàng vạn “tin giả”, đối mặt với “bão" thông tin hỗn loạn từ mạng xã hội. Mỗi nhà báo hôm nay phải trở thành “chiến sĩ biên phòng” trên không gian mạng, bảo vệ độc giả khỏi làn sóng xâm lăng văn hóa, những luận điệu xuyên tạc tinh vi từ bên ngoài biên giới; phải liên tục chạy đua với tốc độ internet, học cách sử dụng những công cụ mới mỗi ngày, trong khi vẫn giữ vững cốt cách người làm báo chân chính.

Chúng ta phải giữ vững phẩm chất kiên trung của người làm báo cách mạng, nguyện tiếp bước cha anh, viết tiếp những trang sử vẻ vang của báo chí cách mạng Việt Nam, xứng đáng với niềm tin của Đảng, Nhà nước và Nhân dân", Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh.

Các đại biểu tham quan Khu di tích Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng (xã Tân Thái, Đại Từ, Thái Nguyên). Ảnh: Phong Lâm

Các đại biểu tham quan Khu di tích Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng (xã Tân Thái, Đại Từ, Thái Nguyên). Ảnh: Phong Lâm

Mở đầu Chương trình “Về nguồn”, các đại biểu đã thành kính dâng hương, dâng hoa tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Nhà Tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh (Khu di tích Đèo De, xã Phú Đình, thuộc An toàn khu Định Hóa, Thái Nguyên).

Tiếp đó, tham quan, tìm hiểu thông tin tư liệu truyền thống tại Khu di tích lịch sử, văn hóa quốc gia - nơi thành lập Hội Nhà báo Việt Nam (thôn Roòng Khoa, xã Điềm Mặc, thuộc An toàn khu Định Hóa, Thái Nguyên); tham quan Khu di tích lịch sử, văn hóa quốc gia - Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng (xã Tân Thái, An toàn khu Đại Từ, Thái Nguyên).

Chương trình “Về nguồn” nhằm tưởng niệm, ghi nhớ, tri ân Chủ tịch Hồ Chí Minh và những nhà báo, chiến sĩ cách mạng tiền bối của Đảng; đồng thời giúp cán bộ, hội viên Hội Nhà báo Việt Nam các cấp, ngành tìm hiểu tư liệu, nhận thức sâu sắc hơn truyền thống lịch sử vẻ vang của Báo chí Cách mạng Việt Nam và tổ chức Hội Nhà báo Việt Nam qua các thời kỳ. Đồng thời, ghi nhớ, tri ân công lao, cống hiến của các thế hệ nhà báo đàn anh đi trước đối với sự nghiệp cách mạng. Từ đó, nhân lên niềm tự hào, tự tin và quyết tâm đóng góp công sức, trí tuệ xây dựng nền báo chí và tổ chức hội nhà báo ngày càng phát triển vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

Phong Lâm

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/chu-tich-hoi-nha-bao-nha-bao-la-chien-si-bien-phong-tren-khong-gian-mang-384000.html