Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh: 'Báo chí hãy không ngừng sáng tạo!'

Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh trò chuyện cùng phóng viên Chuyên đề ANTG Giữa tháng - Cuối tháng.

Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh trò chuyện cùng phóng viên Chuyên đề ANTG Giữa tháng - Cuối tháng.

PV:Còn nhớ, tại Hội nghị Báo chí toàn quốc 2018, ông đã có tham luận khá ấn tượng về chủ đề sử dụng trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence - AI) trong hoạt động báo chí. Cùng thời điểm này, ở diễn đàn Vietnam Journalism do ông làm quản trị trên mạng xã hội Facebook, ông có post một status nói về việc một số hãng thông tấn trên thế giới sử dụng robot để sản xuất tin. Tuy nhiên, lúc ấy có vẻ như báo chí trong nước còn khá xa lạ và ơ hờ với câu chuyện này. Thậm chí, còn có người comment (bình luận) đại ý rằng, ông đang có ý "đe dọa" các nhà báo...

Nhà báo Lê Quốc Minh:AP là hãng thông tấn đầu tiên trên thế giới sử dụng robot để tự động viết tin từ đầu năm 2015. Đến giữa năm 2016, Washington Post tung ra ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo Heliograf để tạo ra các bản tin do robot viết. Sau đó, hàng loạt cơ quan báo chí lớn trên thế giới ứng dụng AI. Hãng Kyodo của Nhật Bản sản xuất thông tin chứng khoán tự động, BBC trình diễn dịch thuật video tự động. Hãng thông tấn STT của Phần Lan dùng trí tuệ nhân tạo có thể dịch tin tức sang tiếng Anh và tiếng Thụy Điển trong thời gian tính bằng giây. Đến tháng 11/2018, Tân Hoa Xã của Trung Quốc giới thiệu những người dẫn chương trình thời sự đầu tiên trên thế giới sử dụng trí tuệ nhân tạo, có thể “đưa tin không mệt mỏi” suốt ngày.

Quả thực là không điều gì khiến cánh nhà báo chúng ta hãi hùng bằng nguy cơ bị robot thay thế (cười...). Nhưng, tôi nghĩ, khi các phóng viên, biên tập viên bỏ lại đằng sau cái viễn cảnh một ban biên tập chỉ toàn là robot và nghe về tất cả những công việc tẻ nhạt mà robot có thể gánh vác giúp họ, nỗi kinh hoàng sẽ được thay thế bằng sự tò mò và chấp nhận một cách thận trọng.

"

PV: Tôi thì lại nghĩ, còn hơn cả sự "thận trọng" như cách nói nhẹ nhàng của ông, việc chấp nhận chuyển đổi từ thủ công sang hiện đại trong phương thức tác nghiệp, sản xuất, tổ chức thông tin... có vẻ như khá chậm chạp. Nguyên do cũng một phần từ sự sợ hãi máy tranh việc của người. Vì thế, rất cần sự tiên phong, lan tỏa và thúc đẩy tinh thần chuyển đổi số mà ông chính là nhân vật quan trọng đã đeo đuổi một cách bền bỉ suốt nhiều năm qua trong lĩnh vực báo chí, truyền thông...

Nhà báo Lê Quốc Minh:Đầu những năm 2000, thời điểm chúng ta còn chưa biết đến thuật ngữ "chuyển đổi số", tôi và các đồng nghiệp lúc đó ở Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) đã xác định khi công chúng dịch chuyển lên nền tảng số thì công nghệ rõ ràng là một phần quan trọng của báo chí và việc tận dụng công nghệ để chuyển tải thông điệp truyền thông một cách hấp dẫn hơn, trúng đích hơn và lan tỏa rộng hơn rõ ràng là có ích với công chúng.

Sự xuất hiện của công nghệ số đang ảnh hưởng trực tiếp đến sự vận hành, sản xuất và phân phối tin tức của các cơ quan báo chí. Đừng nghĩ AI chỉ là cái máy viết bài. Các tòa báo hiện đại trên thế giới tận dụng AI để phân tích hành vi người đọc, từ đó gợi ý các bài báo phù hợp nhất với sở thích và hứng thú quan tâm của họ. AI còn được sử dụng để phát hiện tin nóng, tương tác với độc giả, kiểm duyệt comment, sản xuất video, giúp thẩm định sự chính xác của thông tin (fact-check). Thậm chí, Serenata de Amor, một nhóm tập hợp những người say mê công nghệ và nhà báo của Brazil còn sử dụng một robot tên là Rosie để theo dõi các khoản chi tiêu đáng ngờ của các nghị sĩ.

Trở lại câu chuyện "tiên phong" mà chị hỏi, tôi nhớ là giữa tháng 11/2018, báo điện tử VietnamPlus của TTXVN là cơ quan báo chí đầu tiên ở Việt Nam sử dụng chatbot, đánh dấu bước tiến mới trong việc ứng dụng cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong lĩnh vực báo chí. Chatbot tự động tương tác với độc giả, đề xuất nội dung theo nhu cầu của người đọc và có khả năng cá nhân hóa cao tùy theo lịch sử trao đổi giữa người và máy. Sản phẩm này đã đoạt giải thưởng xuất sắc chất lượng thông tấn của Tổ chức Thông tấn châu Á-Thái Bình Dương (OANA), trao trong kỳ Đại hội đồng lần thứ 17.

PV: Được biết, năm 2002, ông làm việc tại Ban Biên tập Tin đối ngoại và là một trong những người đầu tiên xây dựng website thông tin đối ngoại cho TTXVN. Rồi sau đó là hàng loạt những sản phẩm báo chí ứng dụng công nghệ số đình đám được bắt đầu tại VietnamPlus. Có vẻ như những bước đi đầu tiên trên con đường chuyển đổi số là những ngày ông ở TTXVN?

Nhà báo Lê Quốc Minh: Tôi làm việc ở TTXVN chính xác là 30 năm, 6 tháng, 18 ngày. Tôi đi từ biên tập viên, rồi dần dần phó phòng, trưởng phòng, Tổng Biên tập VietnamPlus... rồi đến Phó Tổng Giám đốc, Bí thư Đảng ủy. Tôi là người thích mày mò làm cái nọ cái kia nên ở vị trí nào cũng loay hoay tạo ra các sản phẩm mới. Việc đến với công nghệ và sau này nghiên cứu sâu về nó có khởi nguồn rất đơn giản. Năm 1996, từ TTXVN, tôi bắt đầu nhiệm kỳ 4 năm với vị trí Chuyên gia tiếng Việt của Đài Phát thanh Nhật Bản NHK World. Khi làm việc tại đây, có lần được tiếp cận website của Ban Tiếng Việt, cá nhân tôi thấy nó chưa được đẹp và tiện ích nên nêu ý kiến nhưng một đồng nghiệp người Nhật có nói đại ý, lập trình là công việc rất khó khăn và có lẽ Minh không hiểu được đâu. Thực tế thì đúng như thế, tôi chẳng biết gì về công nghệ cả nhưng dẫu vậy vẫn tự ái lắm. Thế là tôi ra cửa hàng mua mấy cuốn sách tiếng Anh hướng dẫn lập trình HTML cho người mới bắt đầu rồi về nhà tự nghiên cứu để thiết kế ra một trang web.

Sau khi kết thúc nhiệm kỳ tại NHK World về lại TTXVN, tôi tiếp tục đeo đuổi con đường sáng tạo các sản phẩm báo chí trên nền tảng digital. Website thông tin đối ngoại cho TTXVN chỉ là sản phẩm ban đầu. Sau đó, với cương vị là Tổng Biên tập báo điện tử VietnamPlus, tôi có cơ hội đưa nhiều công nghệ truyền thông mới vào áp dụng, cũng như khởi xướng hàng loạt dự án kết hợp giữa nội dung, công nghệ và thương mại như dự án thông tin đồ họa bắt đầu từ năm 2004, ứng dụng tin tức mobile vào năm 2010, bản tin bằng nhạc rap với tên gọi RapNewsPlus nhằm đưa tin tức đến với giới trẻ bắt đầu vào tháng 11/2013... RapNewsPlus sau đó đã giành Giải nhất ở thể loại Digital First trong khuôn khổ Giải thưởng Độc giả trẻ Thế giới, giải thưởng thường niên của Hiệp hội Các nhật báo và nhà xuất bản tin tức Thế giới (WAN-IFRA) vào năm 2014. VietnamPlus trở thành tờ báo tiên phong tại Việt Nam về các công nghệ truyền thông mới, bao gồm báo chí di động (mobile journalism), báo chí dữ liệu (data journalism), báo chí sử dụng mạng xã hội (social journalism), tin tức qua trò chơi (News Game), ảnh/video 360 độ, flycam, mega-story.

PV: Tôi cũng là một fan của RapNewsPlus ngay từ khi dự án này bắt đầu. Sau này, tôi mới được biết, công chúng đích của dự án này là công chúng trẻ. Tôi thì không còn trẻ nữa nhưng vẫn thích. Nhiều đồng nghiệp kể RapNewsPlus có được là nhờ Tổng Biên tập Lê Quốc Minh rất chịu khó bỏ tiền túi ra đi dự các hội thảo về báo chí hiện đại ở nước ngoài...

Nhà báo Lê Quốc Minh: Kinh phí để được tham dự các hội thảo ở nước ngoài không phải cuộc nào cũng rẻ. Có những cuộc chỉ riêng đăng ký đã mất mấy trăm đến cả ngàn đô, đó là chưa kể chi phí ăn ở, đi lại. Nhưng, lợi ích thu được thì lớn lắm. Đến đó được gặp những chuyên gia báo chí hàng đầu thế giới, được nghe họ thuyết trình, được trao đổi, được giải đáp nếu có thắc mắc. Tất nhiên, trong rất nhiều những thứ mới mẻ được tiếp thu, không phải cái nào cũng ứng dụng được ngay nhưng có khi nó lại gợi mở cho mình nhiều ý tưởng để ứng dụng. Ví dụ như RapNewsPlus mà chị nói đến. Lúc đó, tôi đi dự hội nghị ở Marseille, Pháp. Có một nhóm của châu Phi giới thiệu một mô hình chính trị và âm nhạc, biểu diễn trên đường phố, sau đó đưa lên Internet. Từ mô hình của họ, tôi cải biên, sáng tạo thành bản tin nhạc rap của mình trên VietnamPlus.

Hay như chuyện làm các bài long-form. Năm 2016, lần đầu tiên trong lịch sử, xạ thủ Hoàng Xuân Vinh lập được kỳ tích giành Huy chương Vàng tại Olympic, khi chiến thắng ở nội dung 10m súng ngắn hơi nam. VietnamPlus muốn làm một bài long-form về sự kiện này. Ngày đó, việc làm các sản phẩm phức tạp như vậy phải trông chờ vào đội ngũ kỹ thuật, thời gian sản xuất lâu, mất vài ngày hoặc có khi cả tuần, lên bài rồi mà cần chỉnh sửa một chữ thôi là cũng phải cậy nhờ các bạn kỹ thuật chứ biên tập viên không làm được. Mà thời gian sản xuất lâu thế, sự kiện "nguội" mất. Tôi bèn lên mạng tìm xem có cách nào đơn giản hơn không thì đọc được một bài viết giới thiệu một số công cụ online giúp trình bày các bài đa phương tiện một cách dễ dàng. Thử đăng nhập vào một công cụ gọi là Atavist thì hóa ra tôi từng biết tới khi dự hội thảo báo chí ở Đức và từng đăng nhập công cụ này rồi nhưng lúc đó chưa nảy sinh nhu cầu sử dụng nên chưa tìm hiểu kỹ lưỡng. Sau 2 đêm “sục sạo” tìm hiểu, tôi thấy mình có thể sử dụng thành thạo nên sau đó hướng dẫn các biên tập viên trong tòa soạn để họ có thể tự mình sản xuất được bài long-form. Thay vì mất cả tuần hoặc vài ngày thì công cụ này giúp chúng tôi thực hiện phần thiết kế bài trong vòng nửa tiếng hoặc chỉ 15 phút.

PV: Được biết, từ hồi ở VietnamPlus, ông là người nghĩ ra slogan "Không ngừng sáng tạo" và luôn thúc đẩy, lan tỏa tinh thần ấy. Còn khi về Báo Nhân Dân thì sao?

Nhà báo Lê Quốc Minh: Từ lâu tôi xác định chỉ có sáng tạo mới giúp cho báo chí phát triển được. Trước đây, khi công chúng báo chí chưa di cư sang nền tảng số, chúng ta vẫn tâm niệm "Nội dung là vua". Giờ, làm báo hiện đại, điều đó vẫn đúng nhưng chưa đủ. Nội dung vẫn là "vua" nhưng công nghệ là "nữ hoàng" và chân kiềng thứ ba để báo chí vững chãi chính là sự sáng tạo. Ở VietnamPlus, những sáng tạo được thực hiện liên tục, một năm có rất nhiều dự án. Khi sang Báo Nhân Dân thì tôi vẫn mang theo tinh thần sáng tạo đó. Đối với người làm báo chuyên nghiệp, môi trường không phải là trở ngại. Đã bước qua cánh cổng 71 Hàng Trống, tôi là người của Nhân Dân, tờ báo có vị trí đặc biệt quan trọng - tôi ý thức rõ vị trí và sứ mệnh của tờ báo và xác định sẽ cống hiến hết mình.

Nhưng, đừng nghĩ chỉ cần mỗi Tổng Biên tập sáng tạo. Trong một bộ máy, còn gì tuyệt vời hơn khi ngay cả nhân viên bình thường, nếu họ có ý tưởng sáng tạo, thực hiện được ở quy mô rộng khắp. Tôi luôn trân trọng từng sáng tạo, dù nhỏ của tất cả đội ngũ ở Nhân Dân.

Ai cũng có vùng "an toàn" của họ. Có người sợ không dám thoát ra. Có người không có nhu cầu vì họ cho rằng họ làm được như hiện tại đã là tốt rồi. Thế nên, cần phải thúc đẩy, khuyến khích càng nhiều người trong bộ máy của tòa soạn thoát ra khỏi "vùng an toàn" của họ thì càng tốt, càng lan tỏa được tinh thần sáng tạo.

Cũng đừng nghĩ mọi sáng tạo đưa ra là mọi người thích ngay. Sẽ có người thích, có người không, có người chưa hiểu. Nhưng, đã là lãnh đạo thì phải dám có những sáng tạo đột phá và một khi đó là những sáng tạo có giá trị thì mình phải nỗ lực, thuyết phục, trình bày cho mọi người hiểu.

PV: Giờ đây, trong chuyển đổi số, người ta hay nói đến khái niệm "sáng tạo phá hủy". Theo đó, vòng xoáy sáng tạo liên tục hình thành các phát kiến mới và nghiền nát những cái cũ trên đường đi của nó. Lan tỏa tinh thần "Không ngừng sáng tạo", ông có bao giờ nghi ngại về những trở ngại có thể gặp phải, những rủi ro có thể xảy ra?

Nhà báo Lê Quốc Minh: Bây giờ là thời buổi chấp nhận rủi ro để thử nghiệm. Sáng tạo có thể làm thay đổi mọi thứ chúng ta làm từ trước. Nhiều sáng tạo “phá hủy” như vậy sẽ giúp phát triển. Nhưng, sẽ phải nghiêm túc thực hiện các biện pháp nghiên cứu, thăm dò để giảm thiểu, hạn chế tới mức tối đa các rủi ro nếu có. Như với dự án RapNewsPlus chẳng hạn, trước khi chính thức vận hành, tôi đã bay sang Hong Kong gặp vị Giám đốc Google Music, mở cho ông ấy nghe thử, nhờ ông ấy thẩm định. Hay như việc đưa Báo Nhân Dân lên TikTok; bỏ phiên âm tiếng nước ngoài bằng tiếng Việt trên tiêu đề các tin bài trên Báo Nhân Dân, tôi cũng rất thận trọng với các bước nghiên cứu cần thiết trước khi đưa ra bàn bạc, xin ý kiến tập thể. Sáng kiến, đổi mới gì cũng cần sự đồng thuận thì mới thành công. Làm cái mới, tôi nghĩ, có gặp khó khăn, trở ngại cũng là điều hết sức bình thường. Ngày trước, khi tôi thuyết trình một ý tưởng sáng tạo mà lãnh đạo không ủng hộ thì tôi cảm thấy không vui. Nhưng về sau, tôi rút ra một điều, đó là do mình chưa đủ năng lực thuyết phục mà thôi.

PV: Vâng, hai trong số những đổi mới, không lớn nhưng thực sự gây ngạc nhiên trên Báo Nhân Dân chính là việc thay đổi phiên âm tiếng Việt trên tiêu đề và đưa Nhân Dân lên TikTok. Bởi, nhiều người nghĩ là không thể thay đổi được, tất nhiên, trong số đó, không có ông?

Nhà báo Lê Quốc Minh: Thay đổi phiên âm là một trong những đổi mới đầu tiên của tôi ở Báo Nhân Dân. Tôi vốn là cử nhân tiếng Anh, hồi ở TTXVN, tôi từng có đề tài nghiên cứu khoa học về phiên âm tiếng nước ngoài trên báo chí. Thực ra, cách phiên âm bằng tiếng Việt không phải là không cần thiết, nếu xóa bỏ hoàn toàn phiên âm, chỉ viết bằng ngôn ngữ gốc thì cũng sẽ gây trở ngại đối với việc đọc vì không phải ai cũng rành ngoại ngữ. Nhưng, nếu phiên âm hoàn toàn bằng tiếng Việt thì không phù hợp với công chúng hiện đại và trong nhiều trường hợp sẽ không chính xác. Chúng tôi cho rằng, có những thứ là quy chuẩn của quá khứ nhưng giờ không còn phù hợp với đời sống hiện đại thì cần phải thay đổi.

Nhưng, cũng đừng nên thay đổi một cách cực đoan. Ví như nếu bỏ hẳn phiên âm tiếng Việt thì chắc sẽ gặp phản ứng nhưng với phương án không phiên âm bằng tiếng Việt trên tiêu đề, song vẫn giữ phiên âm tiếng Việt lần đầu trong nội dung bài thì lại nhận được sự đồng thuận. Tôi còn nhớ, đưa ra lấy ý kiến trong lãnh đạo chủ chốt của Báo vào ngày Thứ sáu thì đến Thứ hai thực hiện luôn. Khi báo phát hành, đến cả các anh chị em trong tòa soạn, nhiều người cũng ngỡ ngàng. Chúng tôi cũng nhận được nhiều ý kiến của các bác hưu trí, các bác nguyên lãnh đạo - hầu hết đều ủng hộ.

Rồi hàng loạt sáng tạo khác ở Báo Nhân Dân, như chị đã thấy, đều hiệu quả và hầu như không gặp trở ngại nào. Nhưng, bất ngờ nhất có lẽ là sự kiện Báo Nhân Dân lên TikTok. Bởi, TikTok là nền tảng dành cho người trẻ. Ai cũng tưởng rằng, sức hút của TikTok chỉ ở những thông tin mang tính chất giải trí. Nhưng, thực sự thì bản tin thời sự chính luận của Nhân Dân trên TikTok lượng view cũng rất lớn. Đa dạng hóa công chúng là mục tiêu của chúng tôi và slogan của Báo Nhân Dân là "Ở đâu có nhân dân, ở đó có Báo Nhân Dân".

PV: Sự phát triển mạnh mẽ về công nghệ trong kỷ nguyên số dẫn tới sự thay đổi nhu cầu tiếp cận thông tin của công chúng khiến cho cuộc cạnh tranh thông tin trở nên khốc liệt hơn. Nhiều tòa soạn tự hào khi biết cách làm SEO, gia tăng khả năng tìm kiếm, thậm chí cố nhét các từ khóa “bắt trend” vào nội dung để tăng view... Nhưng, những nội dung thông tin được sản xuất theo thuật toán tìm kiếm kiểu đó nhiều khi lại không có giá trị xét về tính ích lợi của thông tin, thậm chí đi ngược nguyên tắc nhân văn của báo chí. Vậy thì liệu rằng, khi công nghệ trở thành một phần không thể thiếu của báo chí, các giá trị cốt lõi của báo chí có bị chao đảo?

Nhà báo Lê Quốc Minh: Sản xuất nội dung kiểu “bắt trend”, bằng những tin bài gây hiếu kỳ như scandal của người nổi tiếng, những vụ án mạng, những chuyện gây sốc sẽ rất dễ dàng đem lại nhiều truy cập. Nhưng, chúng ta có bao giờ tự vấn rằng, thông tin ấy có đem lại ích lợi gì cho công chúng hay không; cách thức tổ chức nội dung và phân phối thông tin như thế có tuân thủ quy tắc đạo đức báo chí hay không? Đó là chưa kể, nó gián tiếp thúc đẩy phóng viên chạy theo các thông tin sốc-sex-sến để sản xuất những nội dung nhắm vào thị hiếu tức thời của người dùng hơn là thực hiện những bài viết tuân thủ đúng nguyên tắc báo chí.

Trong kỷ nguyên số, công nghệ trở thành một phần quan trọng của báo chí, giúp ích nhiều cho báo chí từ khâu phát hiện đến lan tỏa thông tin. Nhưng, hãy nhớ rằng, AI có thể hỗ trợ nhà báo nhưng cũng có thể dẫn đến nội dung vi phạm đạo đức báo chí, định kiến, sai lệch. Vì thế, các nhà báo vẫn cần luôn kiểm tra nội dung trước khi phát hành bằng những phương pháp thẩm định đã tồn tại cả thế kỷ: Kiểm tra chéo các nguồn tin, so sánh các tài liệu và hoài nghi các phát hiện. Công nghệ càng phát triển, các nguyên tắc báo chí truyền thống càng phải được tuân thủ.

Vì thế, tôi khẳng định rằng, các giá trị cốt lõi của báo chí sẽ mãi trường tồn cho dù công nghệ làm báo có phát triển hiện đại đến đâu.

Với cương vị là Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, trong nhiệm kỳ của mình, cùng với các nhiệm vụ khác, tôi rất chú trọng chiến lược đào tạo nghiệp vụ cho các nhà báo. Hàng trăm khóa đào tạo đã được mở ra, rất nhiều cuộc hội thảo liên quan đến các nội dung về sản xuất, phân phối thông tin, cơ chế, chính sách dành cho báo chí với sự hỗ trợ của các chuyên gia, các hãng công nghệ trong và ngoài nước thời gian qua cũng với mục tiêu nâng cao chất lượng báo chí để báo chí phụng sự xã hội tốt hơn.

PV: Xin trân trọng cảm ông về cuộc trò chuyện thú vị này.

Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh và phóng viên Chuyên đề ANTG Giữa tháng - Cuối tháng.

Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh và phóng viên Chuyên đề ANTG Giữa tháng - Cuối tháng.

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/emagazine/chu-tich-hoi-nha-bao-viet-nam-le-quoc-minh-bao-chi-hay-khong-ngung-sang-tao--i696917/