Chủ tịch Lộc Trời Huỳnh Văn Thòn: FMO cho vay 90 triệu đô với điều kiện không được chia cổ tức tiền mặt trong 2 năm

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024 vừa tổ chức, Chủ tịch Lộc Trời Huỳnh Văn Thòn đã giải thích vì sao 2 năm 2024-2025 sẽ chỉ chia cổ tức bằng cổ phiếu. Ông Thòn cho biết, Lộc Trời được Ngân hàng FMO (Hà Lan) cho vay 90 triệu đô nhưng với điều kiện không được chia cổ tức tiền mặt trong 2 năm này.

CTCP Tập đoàn Lộc Trời (LTG) vừa công bố Nghị Quyết ĐHĐCĐ thường niên 2024. Theo đó, Đại hội nhất trí với kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2024 với mục tiêu lãi sau thuế 50 tỷ đồng, hơn gấp 3 lần thực hiện năm 2023.

Bầu thành viên HĐQT mới

Cổ đông Lộc Trời cũng thông qua kế hoạch chuyển niêm yết cổ phiếu từ UPCoM sang sàn HOSE trong năm 2024.

Đáng chú ý, Đại hội, Lộc Trời đã bầu thành viên Hội đồng quản trị và thành viên Ban kiểm soát nhiệm kỳ mới 2024 – 2029. Thành viên HĐQT nhiệm kỳ mới bao gồm 5 người: ông Huỳnh Văn Thòn (tiếp tục giữ vị trí Chủ tịch HĐQT), ông Johan Sven Richard Boden, ông Mandrawa Winston Leo, ông Võ Trí Thành và bà Vũ Hồng Trang.

Theo tìm hiểu bà Vũ Hồng Trang đang là Phó giám đốc Affirma Capital (Singapore); ông Mandrawa Winston Leo là Giám đốc điều hành Affirma Capital Managers (Singapore); và ông Johan Sven Richard Boden hiện đang là Tổng giám đốc của DenEast Vietnam Limited.

Ngoài ra, Đại hội cũng bầu Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2024 – 2029 gồm 3 thành là bà Nguyễn Thị Thúy; ông Tiêu Phước Thạnh và ông Uday Krishna.

Theo tìm hiểu, ông Uday Krishna có quốc tịch Ấn Độ, hiện đang là Giám đốc điều hành của Affirma Capital (Singapore); và bà Nguyễn Thị Thúy hiện đang là Giám đốc điều hành Quỹ đầu tư Holborn Capital.

Trước khi công bố bầu thành viên HĐQT và Ban kiểm soát nhiệm kỳ mới, cũng trong ngày 26/6/2024, Lộc Trời đã thông báo miễn nhiệm các thành viên HĐQT khi hết nhiệm kỳ 2019-2024 gồm bà Nguyễn Thị Ấm, ông Trần Thanh Hải, bà Thuy Vu Dropsey và ông Philipp Roesles. Ngoài ra, Công ty cũng miễn nhiệm thành viên Ban kiểm soát hết nhiệm kỳ 2019-2024 là bà Trương Thị Thu Thủy.

Phiên thảo luận:

Cổ đông: Tôi đề nghị bổ sung doanh thu vào Kế hoạch kinh doanh vì năm 2023, cổ đông đã có ý kiến kiến nghị bổ sung doanh thu vào kế hoạch kinh doanh. Hiện nay lợi nhuận dự kiến chỉ có 50 tỷ trong khi lợi nhuận dựa trên doanh thu nên tôi đề nghị bổ sung doanh thu dự kiến vào kế hoạch kinh doanh như các doanh nghiệp niêm yết đã thực hiện.

Tổng Giám đốc Nguyễn Duy Thuận: Về doanh thu, doanh thu đã được xác định chính xác và năm nay dự kiến doanh thu từ 20.000- 24.000 tỷ đồng từ xuất khẩu gạo và các hoạt động khác. Từ giờ đến cuối năm ký được các hợp đồng xuất khẩu gạo tương đương 400 triệu đô. Về nguồn đầu vào, lúa đã trồng, giống đã có, thuốc và phân đã chuẩn bị, diện tích đã có. Đầu vào đủ, đầu ra có nên dự báo về doanh thu là từ 20.000 - 24.000 tỷ. Vì sao chúng tôi không đưa vào kế hoạch vì điều cổ đông muốn nhất là cam kết về lợi nhuận nên chúng tôi không đưa vào, nhiều yếu tố bị xao lãng, khi điều hành, khó biết ưu tiên điều nào.

Vì sao lợi nhuận từ 400 tỷ còn 16 tỷ, đó là lý do vì sao chỉ cam kết năm nay 50 tỷ là vì mô hình kinh doanh từ trồng lúa, thu mua lúa, bán gạo, bán phụ phẩm sau đó quay lại chăm lo cho bà con nông dân và phải đảm bảo các yếu tố về môi trường (giảm phân bón, giảm thuốc...), giảm phát thải, giảm chi phí. Như vậy, hoạt động của Lộc Trời dựa rất nhiều vào vốn. Gặp sự cố về dòng tiền, không đủ tiền mua lúa nên xoay dòng tiền bằng cách khác nên lợi nhuận 2024 dự kiến chỉ 50 tỷ, dựa vào nhiều yếu tố, trong đó, có việc trích lập dự phòng, nếu có đủ tiền thì khoản trích lập quay lại thành lợi nhuận nên cổ đông không nên quá lo lắng về trích lập dự phòng.

Cổ đông Quỹ AFC: Về phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư, sẽ phát hành 1.000 tỷ đồng từ phát hành cho cổ đông riêng lẻ, và tối đa 3.500 tỷ trái phiếu chuyển đổi riêng lẻ và 3.500 tỷ từ vay chuyển đổi cổ phần. Tổng là 8.000 tỷ, hiểu vậy đúng không?

Mục đích sử dụng vốn là như thế nào sau khi phát hành (1.000 tỷ) còn 2 gói 3.500 tỷ kia chỉ thấy giao cho HĐQT, chưa có chi tiết mục đích sử dụng vốn. Khả năng thành công của việc phát hành 3 gói này, có đối tác chưa, vai trò của HĐQT mới trong việc hỗ trợ phát hành này như thế nào để có thể thành công?

Tổng giám đốc Nguyễn Duy Thuận: 3 tờ trình này là 3 phương án và chỉ thực hiện 1 trong 3 (tờ trình nào được duyệt thì sẽ thực hiện). Cơ bản là để tăng vốn, nếu không được thông qua phương án phát hành cổ phiếu thì sẽ thực hiện phương án phát hành trái phiếu chuyển đổi hoặc phương án vay chuyển đổi cổ phần.

Việc lựa chọn phương án nào sẽ phụ thuộc vào điều kiện thị trường và sự đồng thuận của cổ đông. Mục đích sử dụng vốn là để tăng cường năng lực tài chính, nâng cao hiệu quả hoạt động và đảm bảo sự phát triển bền vững của công ty. Chúng tôi đang trong quá trình đàm phán với các đối tác chiến lược và sẽ công bố thông tin chi tiết khi có kết quả cụ thể. Vai trò của HĐQT mới là rất quan trọng trong việc hỗ trợ và đẩy mạnh các hoạt động phát hành, đảm bảo sự thành công của các phương án đã đề ra.

FMO cho Lộc Trời vay 90 triệu đô

Cổ đông Nguyễn Văn Thế: Năm 2020, Đại hội đã ban hành Nghị quyết chi trả cổ tức bằng tiền mặt cho 3 năm (2021-2023) là 15-20-25%. Sang năm 2023 điều chỉnh trả cổ tức bằng tiền mặt sang cổ phiếu. Năm trước cổ đông thấy phù hợp nhưng năm nay thì không cần thiết phải áp dụng cho 2 năm 2024 và 2025 mà chỉ áp dụng cho năm 2024.

Chủ tịch Huỳnh Văn Thòn: Tôi xin giải thích cho Quý cổ đông về cam kết chia cổ tức bằng cổ phiếu trong 2 năm. Hiện nay Lộc Trời có khoản vay với Ngân hàng FMO (Hà Lan), họ đánh giá Lộc Trời cực kỳ cao về lĩnh vực nông nghiệp, có tương lai phát triển, về chiến lược, về mô hình khả thi. FMO đánh giá rất cao về Đồng bằng sông Cửu Long, hi vọng sự hỗ trợ của họ về ban đầu và tiếp tục đồng hành.

FMO tìm hiểu rất kỹ về Lộc Trời trước khi quyết định cho khoản vay 90 triệu đô, yêu cầu phải làm kế hoạch cho cả năm 2024 và 2025, yêu cầu cam kết chia cổ tức bằng cổ phiếu trong cả năm 2024 và 2025. FMO đánh giá cao LTG vì FMO rất quan tâm đến hoạt động của LTG và chiến lược xanh, yếu tố môi trường, yếu tố xã hội. Tuy nhiên điều kiện duy nhất là chúng tôi không được phép chia cổ tức bằng tiền mặt trong năm 2024 và 2025.

Việc chậm nhận khoản vay là do vấn đề thủ tục và rơi vào các sự kiện (nhà vua và hoàng hậu Hà Lan đổi lịch không thăm vì có thay đổi nhân sự lãnh đạo cấp cao Việt Nam), dẫn đến ảnh hưởng kế hoạch kinh doanh của Lộc Trời, dẫn đến tăng cao khoản vay ngắn hạn, chi phí từ lãi vay tăng cao. Khoản vay của FMO chắc chắn sẽ được giải ngân, Idii có tiền, Lộc Trời mới giải được bài toán kinh doanh về tiền, dòng tiền.

Vấn đề vốn của Nhà nước vừa có thuận lợi vừa có khó khăn cho Lộc Trời vì không thể tăng vốn được (vì vướng cơ chế không được pha loãng vốn sở hữu của Nhà nước tại Lộc Trời). Với yêu cầu và quy mô trong kế hoạch kinh doanh của Lộc Trời thì công ty cần từ 1 ngàn đến 2 ngàn tỷ vì hiện tại chỉ có 800 tỷ.

Cơ chế ngân hàng thay đổi từ vay tín chấp sang vay thế chấp làm ảnh hưởng đến cơ cấu giá vay, chi phí lớn. Trong thời gian tới, ngân hàng nhà nước có thể hỗ trợ, góp phần tháo gỡ liên quan đến vấn đề vốn cho công ty.

O.L

Nguồn Thị Trường Tài Chính: https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/chung-khoan/chu-tich-loc-troi-huynh-van-thon-fmo-cho-vay-90-trieu-do-voi-dieu-kien-khong-duoc-chia-co-tuc-tien-mat-trong-2-nam-123619.html