Chủ tịch MBBank: Ngành ngân hàng đối mặt với nguy cơ nợ xấu tăng cao vì dịch Covid-19

Với MBBank, ngân hàng sẽ bám sát chỉ đạo của NHNN, cố gắng kiểm soát nợ xấu dưới 2%. Trong bối cảnh khó khăn, MBBank cho biết sẽ tiết giảm chi phí hoạt động, nhân sự sẽ được duy trì như năm 2019 và tăng năng suất lao động lên.

Trong báo cáo thường niên vừa được phát hành mới đây, Chủ tịch HĐQT ngân hàng MBBank, Thượng tướng Lê Hữu Đức đã có những chia sẻ về định hướng phát triển của MBBank trong năm 2020 và những năm tới.

Theo ông Lê Hữu Đức, bước vào năm 2020, kinh tế Việt Nam nói riêng và kinh tế thế giới nói chung đứng trước nhiều thách thức đến từ dịch cúm do chủng virus SARS-CoV 19 gây ra. Diễn biến dịch cúm không lường trước được này có tác động rất lớn đến nền kinh tế toàn cầu, trong đó có kinh tế Việt Nam.

Theo dự báo của Bloomberg, với kịch bản xấu nhất GDP toàn cầu năm 2020 có thể mất 2.700 tỷ, tương đương với GDP của Anh. Theo Moody’s thì GDP toàn cầu (không tính TQ) có thể giảm 0,3% từ 2,8% xuống 2,5%. Đối với kinh tế Việt Nam theo đánh giá của Bộ KH-ĐT, GDP Việt Nam có thể giảm 0,55% - 0,84% xuống mốc 5,96% - 6,25% tùy theo từng kịch bản.

Các ngành chịu tác động mạnh bao gồm du lịch, hàng không, lưu trú, dịch vụ, nông thủy sản xuất khẩu, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Hàng loạt các doanh nghiệp sẽ phá sản nếu dịch tiếp tục kéo dài.

"Đây là thách thức rất lớn với các mục tiêu tăng trưởng của Chính phủ Việt Nam và ngành ngân hàng, đặc biệt là khả năng tăng trưởng và chất lượng tài sản và nguy cơ nợ xấu tăng cao", Chủ tịch MBBank nhận định.

Đối với MB, năm 2020 là năm bản lề quan trọng để MB phấn đấu hoàn thành các mục tiêu chiến lược 2017 – 2021 đã nêu ra vào năm 2021. Hội đồng quản trị đã đặt ra phương châm năm 2020 của MB là "Củng cố nền tảng và chuyển dịch số, tăng trưởng toàn diện, hiệu quả và bền vững”, trong đó, MB đặt “Ngân hàng số” là một mục tiêu, chuyển dịch chiến lược tiên quyết cho Chiến lược giai đoạn hiện nay.

Đồng thời, MB tiếp tục giữ vững tôn chỉ “Thượng tôn pháp luật” cùng với mục tiêu “Duy trì Top 5 về chất lượng hoạt động, hiệu quả; Dẫn đầu về ứng dụng số”.

"Các mục tiêu này thực sự là thách thức trong bối cảnh kinh tế toàn cầu có nguy cơ suy thoái vì dịch Covid hiện nay", ông nói. Tuy nhiên, ban lãnh đạo ngân hàng sẽ quyết tâm nỗ lực, tìm kiếm các cơ hội trong bối cảnh khó khăn để phấn đấu hoàn thành các mục tiêu đề ra.

Báo cáo thường niên của MBBank cũng cho biết, trước mắt, ưu tiên của MBBank là triển khai các biện pháp khẩn cấp ứng phó đại dịch Covid 19 đảm bảo kinh doanh liên tục, an toàn cho khách hàng, nhân viên và các cơ sở kinh doanh.

Đồng thời, ngân hàng sẽ bám sát chỉ đạo của Chính Phủ, Ngân hàng nhà nước cung cấp các gói tín dụng lãi suất ưu đãi, các chính sách hỗ trợ khách hàng. Đánh giá danh mục khách hàng chịu ảnh hưởng dịch Covid 19, phối hợp cùng khách hàng cơ cấu gia hạn thời hạn trả nợ, chính sách miễn giảm lãi suất, phí hợp lý giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh.

MBBank sẽ triển khai các dự án chiến lược đến 2021 bám sát kế hoạch chiến lược giai đoạn 2017 – 2021. Ưu tiên các dự án hiện đại hóa CNTT với IBM, chuyển đổi số hóa hoạt động ngân hàng, thúc đẩy các mô hình bán chéo sản phẩm dịch vụ giữa MB và các Công ty thành viên, triển khai các giải pháp công nghệ số hỗ trợ bán chéo. Ngân hàng đặt mục tiêu kiểm soát tỷ lệ nợ xấu dưới 2%.

Trong khi đó, ngân hàng sẽ tinh gọn nhân sự, bộ máy tại Chi nhánh và Hội sở, duy trì nhân sự như năm 2019 và tăng năng suất lao động, đổi mới công nghệ đào tạo nhân sự, vận hành hiệu quả 2 Trung tâm học tập & sáng tạo tại Hà Nội và Hồ Chí Minh.

MBBank cho biết sẽ tối ưu hệ thống mạng lưới Chi nhánh/PGD để tiết giảm chi phí. Ưu tiên số hóa các luồng giao dịch tại Sàn thông qua kênh ngân hàng tự động ATM, CDM, Autobank. Tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn giao dịch cho khách hàng tại sàn.

Ngoài ra, năm 2020, MBBank sẽ tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số hóa, phát triển marketing số, tiết giảm chi phí hoạt động.

Ngọc Bích

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/chu-tich-mbbank-nganh-ngan-hang-doi-mat-voi-nguy-co-no-xau-tang-cao-vi-dich-covid-19-42020303224539801.htm