Chủ tịch nước đề nghị LHQ lập cơ sở dữ liệu về tác động của nước biển dâng

Trong bài phát biểu, Chủ tịch nước đề xuất Liên Hợp Quốc thiết lập cơ sở dữ liệu tổng thể về tác động đa chiều của nước biển dâng để làm cơ sở cho việc hoạch định chính sách ứng phó ở cấp độ toàn cầu.

Tối ngày 23/9 giờ Việt Nam, nhận lời mời của Thủ tướng Ireland Michael Martin, Chủ tịch luân phiên của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ), Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự và phát biểu tại Phiên họp cấp cao của HĐBA LHQ về an ninh khí hậu.

Tham dự Phiên họp có Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres, các Nguyên thủ, Thủ tướng và đại diện cấp cao các nước thành viên HĐBA. Trong bài phát biểu, Chủ tịch nước đề xuất Liên Hợp Quốc thiết lập cơ sở dữ liệu tổng thể về tác động đa chiều của nước biển dâng để làm cơ sở cho việc hoạch định chính sách ứng phó ở cấp độ toàn cầu, đề xuất Liên Hợp Quốc thiết lập cơ sở dữ liệu tổng thể về tác động đa chiều của nước biển dâng, làm cơ sở cho việc hoạch định chính sách ứng phó ở cấp độ toàn cầu.

Tại Phiên họp, Chủ tịch Hội đồng Bảo an và các đại biểu đều bày tỏ quan ngại sâu sắc trước các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đến hòa bình và an ninh quốc tế, nhấn mạnh cộng đồng quốc tế cần tăng cường hành động ứng phó với biến đổi khí hậu. Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc kêu gọi các nước tăng cường nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính, tạo đột phá trong thích ứng và nâng cao khả năng tự cường của các quốc gia và cộng đồng dân cư. Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc kêu gọi các nước phát triển thực hiện đúng cam kết đóng góp 100 tỷ USD mỗi năm cho Quỹ Khí hậu Xanh, đồng thời kêu gọi tăng cường hợp tác đa phương nhằm giải quyết thách thức đan xen về khí hậu và an ninh, tận dụng tính bổ trợ lẫn nhau giữa các hoạt động thích ứng khí hậu và xây dựng hòa bình.

Quang cảnh phiên thảo luận

Quang cảnh phiên thảo luận

Phát biểu tại phiên thảo luận, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ quan ngại, biến đổi khí hậu là thách thức to lớn trên toàn cầu và đang định hình tương lai của nhân loại. Chúng ta đang chứng kiến những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu tạo ra những tranh chấp tài nguyên thiên nhiên giữa các cộng đồng dân cư, buộc hàng chục triệu người phải tha hương tìm sinh kế, kích hoạt các mối đe dọa xuyên biên giới về an ninh sinh thái, môi trường, lương thực hay nguồn nước. Những hệ quả này tiềm ẩn nguy cơ bùng phát thành căng thẳng, bất ổn địa chính trị, ảnh hưởng trực tiếp đến hòa bình, an ninh và sự phát triển thịnh vượng của các quốc gia, dân tộc. Đây thực sự là "cảnh báo đỏ", là mặt trận không tiếng súng nhưng gây thiệt hại về kinh tế, sinh mạng không kém phần nguy hiểm như chiến tranh, xung đột nóng.

Trước thực tế đó, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề xuất một số nội dung cần tập trung hành động.

“Thứ nhất, Hội đồng Bảo an cần phát huy vai trò đi đầu trong nỗ lực xây dựng các cơ chế đánh giá, dự báo và cảnh báo về các nguy cơ an ninh khí hậu từ sớm, từ xa để chủ động có các chiến lược, biện pháp về ngăn ngừa, xử lý hiệu quả. Các sứ mệnh ngăn ngừa xung đột, các phái bộ gìn giữ hòa bình, và những hoạt động cứu trợ nhân đạo và tái thiết hậu xung đột do Hội đồng Bảo an quyết định triển khai cần lồng ghép thỏa đáng yếu tố an ninh khí hậu. Tôi xin đề xuất Liên Hợp Quốc thiết lập cơ sở dữ liệu tổng thể về tác động đa chiều của nước biển dâng để làm cơ sở cho việc hoạch định chính sách ứng phó ở cấp độ toàn cầu. Thứ hai, cần đặt lợi ích của người dân, đặc biệt là các nhóm dễ bị tổn thương, ở vị trí trung tâm để có thể xử lý hài hòa mối liên hệ mật thiết giữa an ninh, phát triển và nhân đạo. Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ việc thực hiện đầy đủ các Nghị quyết số 2532 và 2573 của Hội đồng Bảo an để sớm đạt ngừng bắn toàn cầu, bảo vệ thường dân và các cơ sở hạ tầng thiết yếu tại các khu vực có xung đột vũ trang”, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng đề xuất nâng cao tính tự cường của các quốc gia để ứng phó biến đổ khí hậu.

“Cần bảo đảm chủ quyền, vai trò chủ đạo và năng lực tự cường của các quốc gia trong giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu. Đồng thời, cần tăng cường hợp tác quốc tế để bổ trợ, kết nối các nguồn lực giúp triển khai hiệu quả Chương trình Nghị sự về Phát triển bền vững SDG-2030, Thỏa thuận COP-21 Paris về Biến đổi khí hậu và các thỏa thuận quốc tế lớn khác. Chúng ta cần quyết tâm cắt giảm khí nhà kính, trong đó các nước phát triển cần tiên phong cắt giảm mạnh mẽ. Đồng thời cần dành nguồn lực thích đáng hỗ trợ các nước đang phát triển về tài chính, công nghệ và tri thức để không quốc gia nào tụt lại phía sau trong cuộc chiến chung chống biến đổi khí hậu”, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nói.

Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu. Thiên tai dồn dập đã gây nhiều tổn thất về người và của. Đồng bằng sông Cửu Long, vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp của Việt Nam, đang chứng kiến hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở đất ở mức kỷ lục, đe dọa trực tiếp sinh kế và đời sống của 20 triệu người dân cũng như an ninh lương thực của cả nước và khu vực.

Theo đó, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho biết, để thực hiện khát vọng và tầm nhìn phát triển đất nước và cũng là thể hiện trách nhiệm chung đối với cộng đồng quốc tế, Việt Nam quyết tâm và cam kết mạnh mẽ ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển nền kinh tế xanh, bền vững, phát thải ít carbon như đã cam kết tại COP-21 Paris. Việt Nam ủng hộ mọi nỗ lực ứng phó với các thách thức liên quan đến biến đổi khí hậu tại Hội đồng Bảo an, các diễn đàn đa phương và các khuôn khổ hợp tác song phương, khu vực khác. Việt Nam mong tiếp tục nhận được sự hỗ trợ nguồn lực, tư vấn chính sách của cộng đồng quốc tế để thực hiện tốt hơn các cam kết của mình.

Chủ tịch nước bày tỏ tin tưởng mạnh mẽ rằng, với quyết tâm hành động và đoàn kết quốc tế, các quốc gia sẽ chuyển đổi mạnh mẽ theo hướng xanh và bền vững hơn cho mai sau./.

Vũ Dũng, Phạm Huân/VOV

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/chu-tich-nuoc-de-nghi-lhq-lap-co-so-du-lieu-ve-tac-dong-cua-nuoc-bien-dang-893019.vov