Chủ tịch nước Lương Cường chỉ đạo hoạt động ân giảm, đặc xá các dịp lễ lớn năm 2025
Theo Chủ tịch nước Lương Cường, năm 2025 diễn ra nhiều sự kiện quan trọng của đất nước nên cần nhiều hoạt động tư pháp liên quan đến chính sách nhân đạo, ân giảm, đặc xá.
Ngày 24-2, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương đã tổ chức phiên họp thứ nhất năm 2025 để đánh giá kết quả công tác cải cách tư pháp thời gian qua; nhiệm vụ trọng tâm công tác năm 2025, Chương trình công tác năm 2025 và Quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo.
Đặc biệt, phiên họp cho ý kiến về một số nội dung về rà soát, đánh giá pháp luật liên quan đến hình phạt tử hình và thi hành án tử hình.

Chủ tịch nước Lương Cường chủ trì Phiên họp thứ nhất năm 2025 của Ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương. Ảnh: TTXVN
Theo báo cáo tại phiên họp, Ban Chỉ đạo đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, tổ chức có liên quan quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng về cải cách tư pháp và đạt được kết quả tích cực.
Ban chỉ đạo đã cho ý kiến trước khi Quốc hội xem xét, thông qua 3 luật, 11 nghị quyết liên quan đến tổ chức, hoạt động tư pháp; chỉ đạo các cơ quan rà soát, làm rõ những vướng mắc, bất cập trong các văn bản quy phạm pháp luật về tư pháp.
Cùng với đó, các cơ quan tư pháp Trung ương tăng cường giám sát, thanh tra, kiểm tra, tự kiểm tra, đề cao kỷ cương, kỷ luật công vụ; thực hiện tốt các giải pháp đột phá nhằm nâng cao chất lượng hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; đẩy mạnh và nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa.
Đồng thời, thực hiện nghiêm túc chủ trương tiết kiệm, chống lãng phí; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; chỉ đạo việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức, bộ máy các cơ quan tư pháp theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Tại phiên họp, Ban Chỉ đạo cũng thống nhất cao với dự thảo chương trình làm việc năm 2025 và Quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương.

Toàn cảnh cuộc họp. Ảnh: TTX
Kết luận cuộc họp, Chủ tịch nước Lương Cường cơ bản thống nhất với nhiệm vụ công tác năm 2025 của Ban Chỉ đạo.
Chủ tịch nước lưu ý Ban Chỉ đạo, các thành viên cần đánh giá nhiệm vụ, rà soát bổ sung hoàn chỉnh một số quy định, phân công thành viên Ban Chỉ đạo, xây dựng chương trình làm việc năm 2025 bảo đảm chất lượng.
Các nhiệm vụ, giải pháp hoạt động của Ban Chỉ đạo cần xác định những khó khăn, vướng mắc để tháo gỡ, bảo đảm tuân thủ các quy định của Đảng, phục vụ nhiệm vụ chung.
Chủ tịch nước nhấn mạnh 2025 là năm diễn ra nhiều sự kiện quan trọng đất nước; trong đó có kỷ niệm 80 năm thành lập nước, 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Vì vậy, cần có nhiều hoạt động tư pháp liên quan đến thực hiện chính sách nhân đạo, ân giảm, đặc xá.
Theo Chủ tịch nước, để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cần sửa đổi, bổ sung pháp luật. Tuy nhiên, trong thời gian đề xuất điều chỉnh luật, Ban Nội chính Trung ương cần chủ trì phối hợp VKSND Tối cao, TAND Tối cao và các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai hoạt động xem xét ân giảm, đặc xá nhằm thể hiện rõ chính sách nhân đạo, khoan hồng của Đảng, Nhà nước ta.
Chủ tịch nước đề nghị Ban Nội chính Trung ương tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan đề xuất, tham gia ý kiến về một số Đề án, nội dung liên quan đến sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật về tư pháp, cải cách tư pháp, hoàn thiện tổ chức, bộ máy theo chủ trương đổi mới sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy để bổ sung vào chương trình của Ban Chỉ đạo hoặc xin ý kiến Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo trước khi trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Chủ tịch nước đồng thời lưu ý VKSND Tối cao tiếp thu ý kiến của Ban Chỉ đạo và các cơ quan liên quan để tập trung sớm hoàn thiện, bảo đảm đề án tháo gỡ điểm nghẽn, nút thắt, chỉnh sửa những vấn đề không phù hợp thực tiễn.
VKSND Tối cao phối hợp với đơn vị liên quan chuẩn bị nội dung trình Bộ Chính trị xem xét, cho ý kiến về đề án trong quý 1-2025, bảo đảm chất lượng và tiến độ để kịp trình Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan trong năm 2025.
Tại phiên họp, các đại biểu cũng đã nghe công bố quyết định kiện toàn Ban Chỉ đạo và Quy định của Bộ Chính trị về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương.
Theo đó, Ban Chỉ đạo gồm 15 thành viên, do Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Lương Cường làm Trưởng Ban.