Chủ tịch nước Lương Cường sẽ thăm chính thức Chile, Peru và dự Tuần lễ cấp cao APEC
Bộ Ngoại giao ngày 6/11 ra thông cáo cho biết, nhận lời mời của Tổng thống Cộng hòa Chile Gabriel Boric Font và Tổng thống Cộng hòa Peru Dina Ercilia Boluarte Zegarra, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Lương Cường sẽ dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm chính thức Cộng hòa Chile từ̀ ngày 9 đến ngày 12/11; thăm chính thức Cộng hòa Peru và tham dự Tuần lễ Cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2024 tại Lima, Peru từ ngày 12 đến ngày 16/11.
Việt Nam và Chile đã thiết lập quan hệ đối tác toàn diện tháng 5/2007 nhân chuyến thăm Chile của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh.
Trong những năm gần đây, hai bên cũng đã trao đổi nhiều chuyến thăm các cấp. Hai nước đã ký nhiều văn kiện hợp tác như Hiệp định hợp tác về kinh tế - thương mại (1993); Khuyến khích và bảo hộ đầu tư (1999); Hợp tác về khoa học - công nghệ (2007); Hiệp định Thương mại tự do (FTA)…
Hiện Chile là thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 của Việt Nam sang Mỹ Latin sau Mexico, Brazil và Argentina, còn Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Chile trong ASEAN.
Với Peru, hai bên duy trì khá thường xuyên các cuộc tiếp xúc song phương tại Liên hợp quốc, APEC.
Hai bên đã thiết lập các cơ chế hợp tác và ký kết nhiều Hiệp định và Thỏa thuận hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế - thương mại, nông nghiệp, thủy sản, khoa học-công nghệ. Về thương mại, trao đổi song phương đã phát triển mạnh mẽ trong thời gian qua.
Trong vòng 5 năm, kim ngạch thương mại hai chiều đã tăng đến 79,1% từ mức 353,78 triệu USD (năm 2016) lên mức 600 triệu USD (năm 2022); năm 2023 đạt 486 triệu USD; 9 tháng đầu năm 2024 đạt 289,6 triệu USD.
Hai bên có nhiều cơ hội nâng cao kim ngạch thương mại khi đều là thành viên của Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) với nhiều cam kết ưu đãi trong rất nhiều lĩnh vực, ngành hàng khác nhau.
Trong 26 năm tham gia APEC, Việt Nam đã đóng góp tích cực, chủ động, góp phần thúc đẩy hòa bình, ổn định, hợp tác, liên kết kinh tế khu vực, duy trì vai trò của APEC là cơ chế liên kết kinh tế hàng đầu tại châu Á - Thái Bình Dương.
Việt Nam là một trong số không nhiều thành viên đã hai lần đảm nhiệm thành công vai trò chủ nhà APEC, vào các năm 2006 và 2017; là một trong những thành viên tích cực nhất trong đề xuất các sáng kiến và dự án của APEC.
Tại APEC 2023, Việt Nam đã đề xuất đăng cai Năm APEC 2027 và nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của các nền kinh tế thành viên. Đề xuất đã được nhất trí thông qua và đưa vào Tuyên bố chung của Hội nghị.