Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: Chủ động, sẵn sàng phòng dịch COVID-19, không để lúng túng bất ngờ
Ngày 30/4, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã đến kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 tại Bệnh viện phổi Đà Nẵng.
Dự trữ cơ sở vật chất, sẵn sàng ứng phó dịch
Báo cáo tại buổi làm việc, bác sĩ Lê Thành Phúc – Giám đốc Bệnh viện (BV) cho biết: Trong đợt dịch COVID-19 lần thứ 2/2020, Bệnh viện Phổi là nơi tiếp nhận điều trị các bệnh nhân nhiễm COVID-19.
Bệnh viện đã xây dựng khoa ICU đủ để tiếp nhận điều trị các ca nhiễm COVID-19 nặng. Trong thời gian đó, bệnh viện Phổi đã tiếp nhận 120 bệnh nhân nhiễm COVID-19, trong đó có khoảng 30% ca bệnh nặng…
“Từ tháng 9/2020 đến nay, bệnh viện đã thu nhận điều trị khoảng 100 bệnh nhân nhiễm COVID-19. Hiện nay, có 58 bệnh nhân nhiễm COVID-19 đang điều trị tại bệnh viện. Có 14 bệnh nhân âm tính 3 lần, 10 bệnh nhân âm tính lần 1”, bác sĩ Phúc thông tin.
Theo bác sĩ Phúc, bệnh viện cũng trang bị hệ thống camera giám sát từ vòng trong và vòng ngoài, để phục vụ công việc điều trị các bệnh nhân.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Lê Trung Chinh – Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết: Trong thời gian qua, TP luôn thực hiện nghiêm túc các Công điện của Thủ tướng Chính phủ, sự chỉ đạo của Ban Bí thư, Thành ủy. TP cũng xây dựng các phương án cụ thể, tình huống có thể xảy ra. Bên cạnh đó, luôn kiểm tra và xử lý những trường hợp vi phạm.
“Hiện lượng khách tại thành phố tương đối lớn, khoảng 130.000 người. TP cũng có nhiều sự kiện, nhưng đến nay đã tạm dừng tất cả những sự kiện này, tập trung phòng chống dịch”, ông Chinh thông tin.
Ông Chinh cũng cho hay, bên cạnh đó, thực hiện nghiêm túc việc cách ly y tế các trường hợp nhập cảnh vào thành phố. Đối với trường hợp nhập cảnh trái phép, công an thành phố đã xử lý và thực hiện đúng quy định.
“Hiện thành phố đã chuẩn bị, dự trữ đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế để sẵn sàng xử lý tình huống dịch xảy ra”, ông Chinh cho biết.
Đối với trường hợp nam bệnh nhân dương tính COVID-19 ở tỉnh Hà Nam sau khi hoàn thành cách ly y tế tại TP Đà Nẵng, ông Chinh cho hay, các ngành chức năng ở Đà Nẵng đã thực hiện đúng quy trình, quy định của Bộ Y tế về việc cách ly, thực hiện 3 lần xét nghiệm.
“Theo quy định, người này phải tự cách ly tại nhà sau khi hoàn thành cách ly tập trung. Ngay sau khi xảy ra vụ việc, TP đã gửi thông tin đến tỉnh Hà Nam và các đơn vị liên quan để thông tin về tất cả những hành khách sau khi rời khu cách ly với nam bệnh nhân. TP Đà Nẵng xin khẳng định đã làm đúng quy định, quy trình, hướng dẫn của Bộ Y tế.
Qua vụ việc này, TP Đà Nẵng sẽ rút kinh nghiệm trong việc chỉ đạo. Đặc biệt kiến nghị của Bộ Y tế cần đánh giá vấn đề này một cách khách quan, để có chỉ đạo trong công tác phòng chống dịch trên toàn quốc”, ông Chinh nói.
PGS.TS Nguyễn Trường Sơn - Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng, tình hình diễn biến dịch bệnh trên thế giới, diễn ra hết sức phức tạp, các nước châu Á, đặc biệt là các nước láng giềng đều có số ca mắc kỉ lục. Điều này, ảnh hưởng lớn đến công tác phòng chống dịch COVID-19 tại Việt Nam.
Theo PGS.TS Nguyễn Trường Sơn cho hay, trong thời gian qua, Bộ Y tế đã tổ chức 5 đoàn đi kiểm tra các tỉnh biên giới Tây Nam với nhiệm vụ phòng chống dịch COVID-19 một cách triệt để.
Đặc biệt, tại các đường biên giới, các khu cách ly… Bên cạnh đó, Bộ y tế tổ chức các buổi tập huấn công tác tiêm chủng vắc xin, cập nhật phương pháp điều trị mới.
“Đối với vụ việc nam bệnh nhân ở tỉnh Hà Nam, Bộ Y tế sẽ tổ chức họp để đánh giá, chỉ đạo, biện pháp khuyến cáo với các địa phương thực hiện đúng tinh thần của Bộ Y tế”, Thứ trưởng Sơn thông tin.
Đại diện Bộ Y tế cũng khẳng định, sẽ tập trung sức lực chuẩn bị tốt các sự kiện quan trọng của đất nước. Thực hiện đúng phương châm phòng dịch, chủ động, phòng ngừa, phát hiện sớm, cách ly nhanh, điều trị có hiệu quả, khoanh vùng dập dịch, sớm ổn định đời sống của dân.
Chủ động, sẵn sàng, không để lúng túng bất ngờ
Kết luận tại buổi làm việc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, đây là thời khắc mà thế giới rung chuyển vì dịch COVID-19. Tình trạng khủng hoảng y tế xảy ra ở Ấn Độ và một số nước trên thế giới đã phá vỡ hệ thống y tế của các nước, dẫn đến việc nhiều người dân bị chết.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã đánh giá cao TP Đà Nẵng đã tạm dừng các sự kiện đông người để thực hiện phòng chống dịch. Bên cạnh đó, lãnh đạo TP Đà Nẵng đã có những chỉ đạo cụ thể đến từng cơ sở trong công tác phòng chống dịch COVID-19 trong thời gian qua.
Chủ tịch nước cho hay, tinh thần chống dịch như chống giặc không suy giảm mà phải được nâng lên. Lấy phòng dịch làm ưu tiên, đặc biệt kiểm soát nguy cơ nhiễm bệnh từ bên ngoài.
“Bên ngoài có thể là từ các nước khác, từ trung tâm cách ly tập trung lây nhiễm ra cộng đồng hoặc từ các ổ dịch…tất cả những bên ngoài phải được kiểm tra hết sức khắc khe. Phải lấy phòng ưu tiên. Nếu phát hiện nguy cơ dịch bệnh trong nội địa thì phải thần tốc, thần tốc hơn nữa trong việc khoanh vùng dập dịch một cách triệt để. Yêu cầu TP Đà Nẵng đề cao cảnh giác, chủ động sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống nếu dịch xảy ra trên địa bàn”, Chủ tịch nước yêu cầu.
Chủ tịch nước cũng cho hay, những đối tượng có nguy cơ cao như Bệnh viện, trung tâm lưu trú, sân bay, bến cảng… cần phải kiểm tra chặt chẽ, xét nghiệm xác suất thường xuyên để chủ động dập dịch, không để tái diễn bị động.
“Lượng khách đến Đà Nẵng trong thời điểm này rất đông, cho nên những thành phố lớn như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ và toàn bộ hệ thống y tế của Việt Nam phải sẵn sàng kích hoạt mọi hoạt động, phương châm, phương án cụ thể để phát hiện, “bao vây” dập dịch nếu phát hiện ca nhiễm COVID-19 trên địa bàn”, Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, ngành y tế sẵn sàng tiếp nhận, phối hợp các ngành y tế địa phương của TP, để xử lý những trường hợp nếu phát hiện.
“Chỉ có phát hiện sớm, khoanh vùng nhanh, dập dịch nhanh mới giải quyết được vấn đề nhiễm COVID-19. Chính vì vậy ngành y tế cả nước nói chung và ngành y tế Đà Nẵng nói phải dành hết thời gian công sức để đề cao cảnh giác, giữ gìn hệ thống, sẵn sàng phục vụ nhân dân, ngăn ngừa dịch bệnh”, Chủ tịch nước nói.
Chủ tịch nước cũng hoan nghênh ngành y tế, TP Đà Nẵng đã sẵn sàng các kịch bản ứng phó khi có dịch, không để đổ vỡ, bị động bất ngờ, dẫn đến khủng hoảng ngành y tế. Chính vì thế, phải tính toán tất cả các phương án đề ra, để chủ động, sẵn sàng, không để lúng túng bất ngờ.
“Đối với 5K của Bộ Y tế, tôi thêm 1K nữa là không xâm nhập trái phép, không chấp chứa những trong gia đình những người lạ mặt. Chính vì thế, quân đội, công an tăng cường quản lý biên giới, địa bàn, “đi từng ngõ, gõ từng nhà rà từng đối tượng” để chủ động phát hiện những người lạ mặt, những người mới xuất hiện chưa khai báo y tế”, Chủ tịch yêu cầu.
Đối với việc tiêm phòng vắc xin, Chủ tịch nước cũng yêu cầu ngành y tế tiêm an toàn cho những đối tượng ưu tiên và người dân. Ngành y tế tích cực chỉ đạo bằng các nguồn khác nhau nhập đủ nguồn khác nhau để nhập đủ lượng vắc xin về tiêm.
“Số lượng vắc xin theo tỉ lệ dân số của Việt Nam còn rất thấp, tôi yêu cầu ngành y tế triển khai mạnh mẽ chủ trương này để sắp đến phần lớn người dân được tiêm vắc xin. Đây là phần rất quan trọng cùng với 5K để đảm bảo thực hiện mục tiêu kép mà đã đề ra.
Ngoài ra, yêu cầu ngành y tế đẩy mạnh nghiên cứu sản xuất vắc xin trong nước, cùng với chuyển giao công nghệ từ các nước sản xuất vắc xin”, Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, tiếp tục kêu gọi người dân nâng cao ý thức phòng dịch, bảo vệ sức khỏe bản thân, hạn chế tối hội họp, giao lưu. Nêu cao tinh thần trách nhiệm người đứng đầu, trong từng địa bàn, từng ngành, không được chủ quan. Đồng thời, đẩy mạnh truyền thông, để người dân cảnh giác.
“Chủ tịch nước bày tỏ lòng tri ân với người chiến sĩ áo trắng, các đồng chí là tiêu biểu, rõ nét nhất của tinh thần phụng sự tổ quốc, phụng sự nhân dân. Tinh thần ấy phải tiếp tục quán triệt cho ngành y tế, để tích cực làm việc, vì nhân dân, vì tổ quốc”, Chủ tịch nước bày tỏ.